Kinh tế

Đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao: Còn nhiều thách thức

Thanh Tiến 14/09/2024 08:02

Các mô hình thí điểm đề án “Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha) cho thấy, nông dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, cũng còn không ít thách thức...

anhbaitren.jpg
Thu hoạch lúa Hè Thu tại HTX Tiến Thuận.

Lợi nhuận hấp dẫn

Trong thời gian 9 tháng, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã và đang triển khai 7 mô hình thí điểm tại 5 tỉnh (Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp và Cần Thơ).

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức, huyện Long Phú được chọn thực hiện mô hình điểm trong Đề án tại tỉnh Sóc Trăng, mô hình được thực hiện với diện tích 50ha, giống lúa được chọn canh tác là ST25.

Theo đánh giá của Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng với giá lúa ST25 được bán 10.800 đồng/kg, nông dân tham gia đề án kiếm lợi nhuận gần 49 triệu đồng/ha, tăng hơn 12% so với diện tích sản xuất ngoài mô hình do giảm được các chi phí đầu vào (tổng chi phí sản xuất thấp hơn 5,3 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình, giảm hơn 20%); trong khi hiệu quả sản xuất của mô hình tăng trên 32% so với ngoài mô hình.

“Quy trình không khó, khi giảm lượng giống thì lượng phân và sâu bệnh cũng sẽ giảm. Trước đây chúng tôi phun thuốc 7 lần, còn bây giờ chỉ 2 lần. Trước và sau trổ bông chỉ cần phun ngừa lép hạt là xong. Trên cơ sở kết quả của 50ha thí điểm, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này” - ông Trương Văn Hùng - Giám đốc HTX Nông nghiệp Hưng Lợi cho biết.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), ước tính kết quả thực hiện 4 mô hình thí điểm trong vụ Hè Thu 2024 năng suất đạt 64,52 tạ/ha (cao hơn năng suất ngoài mô hình trung bình 4,63 tạ/ha). “Báo cáo của các tỉnh hầu hết đều cho thấy, nông dân tăng thu nhập từ trên 4 - 7,5 triệu đồng/ha. Thu nhập tăng thêm có thể việc từ năng suất lúa tăng, giá lúa cao hơn…

Đây là con số thực tế tại các mô hình, như ở Cần Thơ tăng thêm khoảng 4 triệu đồng/ha, Trà Vinh tăng thêm khoảng 7 triệu đồng/ha, Sóc Trăng tăng thêm khoảng trên 5 triệu đồng...” - ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt đánh giá.

Về kết quả giảm khí phát thải, theo Cục Trồng trọt, tại Cần Thơ, vụ Hè Thu 2024 đã thu hoạch, kết quả giảm đến 12 tấn CO2 tương đương/ha so với nông dân ngoài mô hình để nước ngập liên tục và vùi rơm trên đồng. Giảm 2 tấn CO2 tương đương/ha so với nông dân ngoài mô hình để nước ngập liên tục nhưng có bán rơm (thu rơm ra khỏi đồng). Tại Sóc Trăng, sự chênh lệch phát thải trong và ngoài mô hình là gần 4 tấn CO2 tương đương/ha/vụ (tương đương 29,6%).

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết, khi đi thực tế các mô hình thí điểm, ông nhận thấy nông dân đều đăng ký xin tham gia Đề án. Đây là điểm khác biệt vì từ trước nay khi triển khai các mô hình điểm, các cán bộ nông nghiệp phải đi vận động bà con tham gia nhưng đối với lần này, bà con xin đăng ký tham gia đề án.

“Kết quả bước đầu khi triển khai các mô hình thí điểm đã tạo ra chuyển biến về tư tưởng, nhận thức của bà con nông dân. Đây là dấu ấn rất quan trọng, có thể chuyển đổi tư duy và phương thức sản xuất lúa, có thể ở ĐBSCL và đây cũng là dấu mốc để chuyển đổi phương thức sản xuất lúa ở ĐBSCL” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhận định đồng thời cho biết, tại các mô hình điểm, cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể từ cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh đều ủng hộ và tham gia chỉ đạo.

Bài toán xử lý rơm rạ và hơn thế

Một trong những yêu cầu kỹ thuật của Đề án là nông dân phải đưa rơm rạ ra khỏi đồng sau khi thu hoạch để giảm phát thải. Đang thực hiện mùa vụ thí điểm thứ 2, HTX Tiến Thuận (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) đang mượn 2 máy cuộn rơm của doanh nghiệp để sử dụng.

Ông Nguyễn Cao Khải - Giám đốc HTX Tiến Thuận cho biết, mỗi máy cuộn rơm rạ có giá khoảng hơn 200 triệu đồng. Do đó, các HTX rất cần chính sách tín dụng ưu đãi để đầu tư máy móc khi Đề án triển khai trên diện rộng.

Tuy nhiên, hiện nông dân vẫn rất mơ hồ đối với vấn đề khi giảm phát thải có được chi trả thêm kinh phí hay không. Bên cạnh đó, khi triển khai đề án trên 1 triệu ha thì ước tính số rơm rạ đưa ra khỏi đồng ở ĐBSCL mỗi năm lên đến 25 triệu tấn. Việc sử dụng và tiêu thụ hết số rơm rạ này vẫn là bài toán khó.

“Quy trình lấy rơm ra khỏi đồng đã được Bộ NNPTNT khuyến cáo. Có thể lấy ra làm nấm, đậy gốc cây, cho bò ăn, làm phân… Nhưng vấn đề là lấy 25 triệu tấn rơm của miền Tây ra khỏi đồng ruộng thì lại đặt ra một vấn đề lớn. Không phải chỉ lấy rơm rạ để giảm phát thải mà cần có một chuỗi kinh tế tiếp theo. Cho nên cần có bài toán lợi ích khi đưa rơm ra khỏi đồng. Đây là vấn đề rất lớn. Ngành nông nghiệp Cần Thơ cũng đã có đề xuất Bộ NNPTNT nghiên cứu” - ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP Cần Thơ chia sẻ.

Tại hội nghị sơ kết 7 mô hình thí điểm của Đề án vừa qua, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết, Bộ đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước và một số tổ chức tài chính quốc tế để cung cấp vốn cho các bên tham gia đề án theo hình thức mô hình liên kết, tức là giải ngân tín chấp trong mối liên kết giữa doanh nghiệp, HTX và đầu ra.

Bộ cũng đã xây dựng tiêu chí để huy động các doanh nghiệp tham gia, trong đó, giao cho Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo huy động các doanh nghiệp, đảm bảo việc liên kết, mới hướng tới vấn đề giải ngân.

“Đề án 1 triệu ha không bàn tới vấn đề bán tín chỉ carbon. Tôi nhắc rất nhiều lần là đề án giảm chi phí, tăng năng suất và tăng thu nhập, không phải nhằm mục đích bán tín chỉ carbon” - ông Nam nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, trong vụ Hè Thu tại mô hình thí điểm HTX Tiến Thuận, đơn vị thua mua hứa, sau khi thu hoạch sẽ chi trả thêm 300 đồng/kg nếu kết qủa test lúa không tồn dư các chất. Tuy nhiên, đơn vị này cho rằng, sau khi kiểm tra mẫu, phân tích và đưa vào phòng thí nghiệm cho thấy còn một số vấn đề cần được cải thiện trong quy trình canh tác lúa như xây dựng quy trình canh tác, kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... để hạt gạo đáp ứng xuất khẩu sang được các thị trường khó tính. Do đó, nông dân không được chi trả thêm.

“Mới vụ đầu nên chưa thể nói được gì nhiều, do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật từ trước đến nay. Nếu tự kiểm tra thì chi phí 7 triệu đồng/mẫu. Nên chúng tôi chờ kết quả vụ sau thế nào” - Giám đốc HTX Tiến Thuận thông tin.

Thanh Tiến