Xã hội

Cung - cầu thị trường lao động bị lỗi nhịp

THANH GIANG 14/09/2024 08:02

Ông Bùi Việt Nam - Giám đốc Truyền thông Thương hiệu Tổng Công ty CP May Nhà Bè cho biết, hiện May Nhà Bè có 35.000 lao động đang làm việc tại hơn 40 nhà máy trải dài khắp Việt Nam. Thời gian gần đây, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp (DN) tăng cao nhưng gặp nhiều khó khăn.

duoi.jpg
Ngành may mặc đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng.

“Chúng tôi gần như làm tất cả những gì có thể để thu hút người lao động, kể cả đến các trung tâm dịch vụ việc làm, tham gia ngày hội tuyển dụng, đăng tuyển trên các trang tuyển dụng uy tín,... nhưng cũng không hiệu quả” - ông Nam nói và cho rằng nhóm lao động trẻ không mặn mà với công việc như sản xuất.

Còn theo ông Trần Thanh Sơn - Trưởng phòng Hành chính - Nhân sự Công ty TNHH May mặc Song Ngọc thì thời gian qua DN phải vật lộn với tuyển dụng lao động. Lần đầu tiên DN không tuyển dụng đủ lao động cho nhà máy dù đã đảm bảo thu nhập, tổng thu nhập khoảng 12 triệu đồng/tháng, trong đó 25% thu nhập đến từ tăng ca.

“Lao động trẻ không mặn mà với công việc trong ngành may. Bên cạnh việc khó tuyển, số lao động chia tay DN thời gian qua cũng khá lớn” - ông Sơn cho biết.

Thực tế cho thấy, mong tiếp cận nhanh nguồn lao động trẻ, thời gian qua nhiều DN phải dùng các kênh tuyển dụng như: báo giấy, các trang tuyển dụng trực tuyến, thông qua mạng xã hội như Facebook, TikTok, từ nguồn giới thiệu của chính nhân viên trong công ty. Theo số liệu của nền tảng tìm việc và tuyển dụng trực tuyến Việc Làm Tốt, nhu cầu tuyển dụng trong 8 tháng đầu năm trên nền tảng tăng trưởng 30% so với cùng kỳ 2023, tập trung ở các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các nhóm nghề tài xế và kho vận; công nhân; xây dựng và bất động sản có tốc độ tăng trưởng tuyển dụng cao nhất.

Với đà phục hồi của kinh tế từ đầu năm đến nay, 85% DN trả lời khảo sát của Việc Làm Tốt cho biết họ đang gặp phải tình trạng thiếu lao động. Hơn thế nữa, 30% DN trong số đó đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự trầm trọng khi thiếu hơn một nửa so với nhu cầu thực tế.

Theo ông Phạm Văn Cẩn - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM), 9 tháng đầu năm 2024, thị trường lao động TPHCM có nhu cầu tuyển dụng tăng cao. Dự báo, những tháng cuối năm thành phố cần khoảng từ 78.120 – 83.328 lao động, trong khi thị trường lao động đang tồn tại bất cập khi cung - cầu không bắt nhịp với nhau.

Về tình trạng cung - cầu lao động lệch pha, ông Phạm Anh Thắng - Trưởng Văn phòng đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại TPHCM chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến DN khó tuyển dụng lao động.
Theo ông Thắng, một số nghề đang thu hút lao động nhưng chưa được định danh như chạy xe công nghệ, giao hàng… Mặt khác, lao động đang có sự dịch chuyển về địa lý. Với cùng một mức lương, người lao động có xu hướng chọn về các địa phương có mức sống thấp hơn.

Ông Thắng khuyến cáo, nhằm dễ dàng tuyển dụng và giữ chân lao động hiệu quả, bên cạnh chính sách về tiền lương, DN phải có các phúc lợi như nhà ở, nhà trẻ, song song đó là người lao động phải được tôn trọng và có cơ hội phát triển.

THANH GIANG