Người có uy tín, cánh tay nối dài của đồng bào dân tộc thiểu số
Những năm qua, việc phát huy vai trò người uy tín tỉnh Hòa Bình luôn được các cấp, các ngành trên địa bàn quan tâm chỉ đạo. Ở nhiều địa phương, người uy tín là cánh tay nối dài của chính quyền, là cầu nối giữa đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) với cấp ủy, chính quyền.
Bằng uy tín và sự ảnh hưởng của mình, đội ngũ người có uy tín tại tỉnh Hòa Bình luôn gương mẫu đi đầu thực hiện, tuyên truyền, vận động, thuyết phục đồng bào chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tiêu biểu như, ông Bàn Sinh Lương - người có uy tín, Tổ trưởng Tổ dân phố số 9, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã vận động các hộ hiến 1.117m2 đất làm nhà văn hóa và hiến 664,2m2 đất làm đường giao thông; ông Bùi Đức Thượng, người có uy tín khu Mớ Đồi, thị trấn Bo (huyện Kim Bôi) đã vận động 8 hộ hiến đất thổ cư và 40 hộ hiến đất nông nghiệp để mở rộng đường giao thông nông thôn.
Hay như ông Nguyễn Văn Hữu, người có uy tín, Tổ trưởng Tổ dân phố số 9, phường Kỳ Sơn (TP Hòa Bình), vận động 10 hộ gia đình tham gia hiến 2.450m2 đất làm đường giao thông nội đồng, nhà văn hóa, vận động nhân dân tham gia xây dựng mô hình chỉnh trang nhà cửa, xây dựng đoạn đường cây xanh nở hoa. Từ mô hình này, năm 2020, gia đình ông Nguyễn Văn Hữu được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hòa Bình chọn làm mô hình điểm xóm kiểu mẫu, gia đình kiểu mẫu.
Với vai trò là người uy tín được bà con tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ, bà Phạm Thị Đạo - dân tộc Mường ở khu I, phường Kỳ Sơn (TP Hòa Bình) đã được UBND tỉnh công nhận là người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Trong những năm qua, phát huy vai trò Bí thư Chi bộ, người có uy tín, bà đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đặc biệt, thực hiện phong trào chung sức xây dựng đô thị văn minh, bà Đạo đã phối hợp UBND phường tuyên truyền, vận động 5 hộ hiến trên 1.000m2 đất làm đường giao thông và tham gia hàng trăm ngày công làm đường trục khu dân cư, vận động các hộ dân thực hiện tốt phong trào “5 không, 3 sạch”.
Còn khi đến huyện Mai Châu, ai cũng biết đến người có uy tín Sùng A Dếnh, dân tộc Mông, xóm Thung Mặn (xã Hang Kia). Ông là người có nhiều đóng góp trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bằng tiếng nói, uy tín của mình, thời gian qua, ông Sùng A Dếnh ngoài việc vận động người dân giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu....
Ông còn vận động người dân trong xóm, xã không trồng cây thuốc phiện, không vận chuyển, buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy. Bên cạnh đó, ông còn vận động con em trong xóm đi cai nghiện, tham gia tuyên truyền, giải quyết các vụ việc phức tạp về tranh chấp, khiếu kiện, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.
Ông Hà Ngọc Tuấn - Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình cho biết, những năm qua, người có uy tín đã góp phần làm cho mối liên hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân ngày càng mật thiết. Họ luôn là hạt nhân tích cực, chủ động nắm tình hình dư luận xã hội, đời sống, sản xuất, tâm tư nguyện vọng của đồng bào các dân tộc để phản ánh kịp thời tới các cơ quan chức năng có liên quan.
Đặc biệt, người có uy tín có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ an ninh trật tự, tích cực tham gia các phong trào thi đua tại địa phương.
“Trong thời gian tới, để phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS, tỉnh Hòa Bình tiếp tục chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân; tổ chức tập huấn, cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách, pháp luật mới của Đảng, Nhà nước; tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, từng bước giảm dần các tệ nạn tại khu dân cư, tạo điều kiện cho người có uy tín, già làng hoạt động đạt hiệu quả.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong việc triển khai các quy định về tiêu chí lựa chọn, công nhận và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS” - ông Tuấn chia sẻ.