Đa dạng hóa các nguồn thu ngoài học phí
Để tăng nguồn thu cho các trường đại học (ĐH) trong bối cảnh thực hiện tự chủ, cần khơi thông các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cho giáo dục ĐH.
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), tính đến tháng 8/2024, đã có 32,76% trường ĐH tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; 13,79% trường ĐH đã tự bảo đảm chi thường xuyên. Số trường chưa bảo đảm chi thường xuyên nhưng có kế hoạch tự đảm bảo chi thường xuyên trong thời gian sắp tới chiếm khoảng 16,38%. Tỷ lệ các trường hiện đang được ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên rất thấp (chỉ chiếm 3,45%).
Trong bối cảnh ngân sách chi cho giáo dục ĐH thấp, nguồn thu của các trường công lập đang lệ thuộc nhiều vào học phí. Ghi nhận từ nhiều trường ĐH cho thấy, hiện nguồn thu từ học phí chiếm tới hơn 90% tổng thu của nhà trường. Đơn cử, theo báo cáo 3 công khai của Trường ĐH Công nghệ TPHCM, năm học 2022-2023, nguồn thu từ học phí chiếm trên 90%, các nguồn thu từ khoa học công nghệ chiếm phần còn lại.
Theo các chuyên gia, 3 nguồn thu chính của ĐH ở cả Việt Nam và thế giới bao gồm ngân sách nhà nước, học phí và nguồn thu khác (thu từ chuyển giao công nghệ, hoạt động dịch vụ, hiến tặng, hợp tác công tư...). Do phần lớn nguồn thu đến từ học phí nên trước đó, 3 năm liền do dịch bệnh, Chính phủ yêu cầu các trường không tăng học phí để chia sẻ với người học, khiến nhiều trường than khó. Sau đó, học phí được phép tăng, có cơ sở giáo dục tăng đến 37% khiến nhiều gia đình và thí sinh nghi ngại khi muốn đăng ký xét tuyển.
TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường (Trường ĐH FPT) cho rằng, việc đa dạng hóa nguồn thu trong tự chủ tài chính cần nhìn vào hệ thống chung của cả nền giáo dục chứ không chỉ ở góc độ của từng trường ĐH. Cụ thể, tại Trường ĐH FPT, có hai nguồn thu chính là học phí của sinh viên (chiếm 70%) và nguồn thu do Tập đoàn FPT đầu tư vốn (chiếm 30%). Mặc dù trường cũng có nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, nhưng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học còn thấp vì kinh phí chi cho nghiên cứu khoa học rất tốn kém.
GS.TS Hồ Đắc Lộc - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TPHCM cho biết, nguồn thu chính của nhà trường là từ học phí. Tuy nhiên, tổng thu cao không đến từ việc thu học phí cao mà từ quy mô đào tạo tăng. 5 năm qua, trường không ngừng mở rộng ngành nghề đào tạo, quy mô đào tạo song song với đảm bảo chất lượng đào tạo, đến nay trường có quy mô đào tạo lớn với khoảng 60 ngành đào tạo, từ cử nhân/kỹ sư/dược sĩ/kiến trúc sư đến thạc sĩ, tiến sĩ.
Tuy nhiên, trường chưa thể đa dạng hóa nguồn thu là vì việc tìm kiếm và khai thác các nguồn thu như nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, các dự án tài trợ quốc tế, hợp tác đào tạo quốc tế, hợp tác đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp và đóng góp của cựu sinh viên hay hiến tặng chưa thực sự phổ biến. Ngoài ra, các cơ chế, chính sách về tự chủ tài chính của giáo dục ĐH còn khá phức tạp nên cũng dẫn đến sự hạn chế nhất định.
PGS.TS Đinh Văn Châu - Hiệu trưởng Trường ĐH Điện lực cho rằng, còn có lý do đến từ các trường đó là chưa khai thác được tối đa nguồn lực của nhà trường như nhân lực, vật lực, thời lực...; chưa sử dụng được tối đa hiệu suất của tài sản do các trường chưa lập được đề án cho thuê tài sản công trình cấp trên phê duyệt.
Để tăng các nguồn thu trên, nhà trường đã tăng cường nghiên cứu các cơ chế, chính sách để lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của nhà trường. Xây dựng và phát triển mối quan hệ với các doanh nghiệp nhằm huy động các nguồn tài trợ, hiến tặng cho các hoạt động của nhà trường (trường thành lập Trung tâm Hỗ trợ việc làm và Khởi nghiệp); đồng thời giúp doanh nghiệp thấy được lợi ích khi đầu tư vào giáo dục trong nhà trường. Tăng cường khuyến khích, tôn vinh đối với các tổ chức hoặc cá nhân mang lại nguồn thu cho nhà trường.
GS.TS Nguyễn Mậu Bành - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam cho rằng, tất các các trường ĐH cần xác định đa dạng nguồn thu ngoài học phí, giảm áp lực lên người học là nhiệm vụ quan trọng và nỗ lực tìm kiếm giải pháp thực hiện. Đồng thời, cơ chế chính sách cũng cần phải hoàn thiện hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho các trường thực hiện nhiệm vụ này.
Bên cạnh đó, GS Phạm Mậu Bành cũng nhấn mạnh quan điểm nguồn thu đến từ đâu không quan trọng bằng việc chi đầu tư như thế nào để mang lại hiệu quả và chất lượng tốt nhất cho người học.