Chuyện học và thi ở Hàn Quốc
Thi cử vốn là nỗi lo của phụ huynh và học sinh tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, với Hàn Quốc, áp lực thi cử khiến nhiều gia đình đổ xô về thành phố, không chỉ làm chi phí nhà ở và giáo dục tăng vọt mà còn khiến tỷ lệ sinh giảm xuống.
Hãng thông tấn Yonhap dẫn dữ liệu từ Cục Thống kê Hàn Quốc mới đây cho biết, tỷ lệ sinh tại nước này đã giảm liên tục trong 3 tháng từ tháng 4-6 năm nay, càng làm gia tăng lo ngại về sự suy giảm dân số. Cụ thể, số lượng trẻ sơ sinh giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2023 xuống còn 18.242 vào tháng 6 sau khi tăng 2,9% vào tháng 4 và 2,6% vào tháng 5. Đây cũng là mức sinh thấp nhất từ trước tới nay tại Hàn Quốc.
Con số này cũng thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế cần thiết là 2,1 ca sinh trên mỗi phụ nữ để duy trì dân số ổn định mà không cần thêm người nhập cư. Trong khi đó, số ca tử vong tại Hàn Quốc trong quý 2/2024 lại tăng 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái, ở ngưỡng 84.147 người. Như vậy, kể từ quý 4/2019, số người mất đã vượt qua số trẻ em được sinh ra ở Hàn Quốc.
Trước đó, hồi tháng 5, Tổng thống Yoon Suk-yeol cũng đã yêu cầu Quốc hội nước này hợp tác để điều chỉnh cơ cấu chính phủ, thành lập Bộ Kế hoạch Ứng phó tỷ lệ sinh thấp.
Tỷ lệ sinh thấp đang ở mức báo động đã đặt Hàn Quốc đứng bên "bờ vực nhân khẩu học". Vì sao nhiều phụ nữ trẻ Hàn Quốc không chịu sinh con? Câu hỏi đó được nêu ra ngày một căng thẳng ở nước này. Giới xã hội học nước này cho rằng căn nguyên của tình trạng “ngại sinh con” chủ yếu xuất phát từ áp lực thi cử và gánh nặng kinh tế. Cả hai vấn đề này đã tác động tiêu cực đến quyết định kết hôn và sinh con của giới trẻ Hàn Quốc. Tờ Nikkei Asia còn cho rằng, cho dù Chính phủ đã áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con nhưng vẫn không thuyết phục được “người trong cuộc”.
Vẫn theo Nikkei Asia, nhiều năm qua học sinh lớp 12 ở Hàn Quốc phải tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học toàn quốc với hy vọng đỗ vào các trường danh tiếng như Đại học Quốc gia Seoul và Đại học Yonsei. Để nâng cao cơ hội đỗ đạt của con cái, nhiều gia đình quyết định chuyển đến Seoul - nơi hội tụ các "lò luyện thi" và trường đại học hàng đầu. Và chính việc đó đã khiến giá bất động sản và chi phí sinh hoạt tại khu vực Seoul tăng vọt, vượt quá sức chịu đựng của nhiều người.
Đáng chú ý, một thống kê cho thấy mặc dù học sinh ở Seoul chỉ chiếm 16% tổng số thí sinh trên toàn quốc nhưng lại chiếm tới 32% số suất đậu vào Đại học Quốc gia Seoul. Thực tế đó đã thúc đẩy các bậc phụ huynh "dốc hầu bao” để tìm kiếm tương lai cho con bằng cách thuê nhà tại Seoul để ngày ngày đưa con đến các trung tâm luyện thi.
Con số khảo sát hồi cuối năm 2023 cho thấy, mỗi gia đình ở Seoul chi trung bình hằng tháng 1,04 triệu Won (khoảng 19,5 triệu đồng) học phí cho trường luyện thi cho một người con, nhiều hơn so với mức trung bình 700.000 Won ở các thành phố khác của Hàn Quốc. Điều đó đã trở thành áp lực tiền bạc đè nặng áp lên phụ huynh, từ đó kéo theo áp lực tinh thần lên con em họ.
Một cuộc khảo sát mới đây được Công ty nghiên cứu PMI thực hiện đã cho rằng khó khăn về tài chính là lý do lớn nhất khiến người Hàn Quốc trì hoãn hoặc không sinh con. Khoảng 46% trong số 1.800 người tham gia khảo sát cho rằng sự bất ổn về công việc hoặc chi phí giáo dục là nguyên nhân dẫn đến quyết định này.
Cuối tháng 8 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) đã kêu gọi cải tổ kỳ thi tuyển sinh đại học, nhằm “hóa giải sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt”. Theo nhóm chuyên gia của BOK, đó cần được xem là một nỗ lực nhằm giúp đảo ngược xu hướng giảm của tỷ lệ sinh đã kéo dài trong nhiều năm qua. Cụ thể, BOK đề xuất các trường đại học cần chia đều cơ hội nhập học cho sinh viên đến từ các tỉnh thành khác nhau; không quá tập trung vào khu vực Seoul.
Bà Ahn-jong, đến từ tỉnh Bắc Chungcheong cho biết, gia đình đã phải chắt chiu trong một thời gian dài để có tiền đưa con lên Seoul học, luyện thi vào đại học. Bà Ahn nói, tiền lương hàng tháng của chồng bà dù đã “kha khá” nhưng cũng chỉ đủ để hai mẹ con chi tiêu. “Nhưng không thể khác được. Nếu không lên Seoul luyện thi thì con cái không có tương lai vì rất khó có cơ hội vào đại học. Cho dẫu có thi được rồi thì việc chu cấp hàng tháng cho con vẫn tiếp tục là gánh nặng”- bà Ahn nói và cho biết thêm việc hai mẹ con bà về Seoul “luyện thi” nhận được sự ủng hộ của họ hàng và người thân vì ai cũng biết rằng đó gần như là cách duy nhất để tiến lên phía trước.
Chị Bon-hwa, sinh sống tại Seoul, đã kết hôn hơn 8 năm nhưng vẫn không muốn sinh con. Nói với phóng viên tờ Seoulshinmun, chị Bon-hwa cho biết với mức thu nhập hiện thời của hai vợ chồng thì sẽ có tích lũy, nhưng nếu có em bé thì khoản tiền đó sẽ biến mất ngay lập tức. “Chồng tôi cũng đồng ý về việc này, cho dù không khỏi phiền muộn. Nhưng biết sao được khi xung quanh có rất nhiều gia đình vất vả khi phải nuôi con đi học”, chị Bon-hwa nói.
Kể lại câu chuyện, phóng viên đưa ra lời bình: Người phụ nữ đó năm nay đã gần 40 tuổi. Nếu không trì hoãn mà sinh con “ngay bây giờ” thì sau 18 năm nữa khi con thi vào đại học thì không biết họ sẽ phải làm gì.
Theo Koreajoongangdaily, năm 2023, tổng chi phí cho các lớp học ngoài giờ tư thục dành cho học sinh bậc phổ thông Hàn Quốc là 27.000 tỷ Won (tương đương 20,6 tỷ USD). Chi tiêu cho giáo dục tư nhân tăng mạnh mặc dù tổng số học sinh tại Hàn Quốc trong năm 2023 giảm 1,3% so với năm trước đó, xuống còn 5,2 triệu học sinh. Ước tính, cứ 10 học sinh tại Hàn Quốc thì có 8 em đi học thêm ở các cơ sở giáo dục tư thục, trong đó tỷ lệ tham gia giáo dục tư ở học sinh tiểu học đạt mức cao nhất (85,2%). Trung bình mỗi học sinh tốn 553.000 Won (419,59 USD) mỗi tháng để học thêm vào năm 2023, với chi phí tăng dần theo độ tuổi. Đặc biệt, học sinh trung học theo học tại các cơ sở giáo dục tư nhân tốn 740.000 Won (561,47 USD) mỗi tháng để học thêm. Gánh nặng chi phí cho giáo dục tư nhân được cho là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ sinh cực thấp ở nước này: tỷ lệ sinh năm 2023 là 0,72 (trong khi mức sinh thay thế cần thiết là 2,1 con/phụ nữ).