Xã hội

Vân Đồn – vùng ‘biển trắng’ sau bão số 3

NGUYỄN QUÝ 15/09/2024 08:47

Sau những trận cuồng phong của cơn bão số 3, cả một vùng biển nuôi trồng thủy sản của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) rộng dài hàng nghìn ha hóa thành vùng "biển trắng".

A4 (9)
Người dân thu gom lại phao nhựa nuôi trồng thủy sản.

Sau khi cơn bão số 3 đổ bộ, đi kiểm tra các tuyến đảo về, ông Trương Mạnh Hùng, Bí thư Huyện ủy Vân Đồn, nhắn tin với tôi, giọng buồn bã: Huyện còn 1 người chưa liên lạc được. Thiệt hại rất nặng nề, đặc biệt đối với người nuôi trồng thủy sản, thiệt hại khoảng 80-90%. Cây cối đổ, gẫy trên 80%. Gần như toàn bộ nhà cửa đều bị thiệt hại ít nhiều.

Trớ trêu thay, người “chưa liên lạc được”, một cách nói giảm bi thương thay từ “bị mất tích”, lại là người đầu tư nuôi trồng nhiều nhất huyện Vân Đồn, với số tiền bị thiệt hại ước tính hơn 100 tỷ đồng.

Mất người, mất của

Sáng 11/9, khung cảnh tang tóc vẫn bao trùm tại tư gia nhà ông Q, ở khu cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn. Tiếng khóc của người phụ nữ nghẹn lại như tiếng nấc cụt, tiếng lầm rầm tụng kinh, tiếng xì xào phân việc của mấy người đàn ông đứng tuổi… Nhưng tuyệt nhiên không thấy hình bóng ông Q.

Đã sang ngày thứ 4 người nhà ông Q tỏa đi khắp các vùng biển, từ Bản Sen, Thắng Lợi đến Hòn Nét, Cái Rồng…, hi vọng tìm được ông (mất tích từ khi cơn bão đổ bộ vào đất liền ngày 7/9). Đến chiều 11/9, dấu vết của ông Q mới xuất hiện. Nhóm tìm kiếm ở khu vực Cẩm Phả báo về, xác ông nổi lên ở bến Do.

Tiếng tăm về nuôi trồng thủy sản của ông Q nổi danh từ nhiều năm trước, không chỉ ở Vân Đồn. Từ một người nuôi trồng nhỏ lẻ, ông đã gây dựng một cơ nghiệp đồ sộ trên biển, với hàng trăm ha nuôi hàu, cá song, ngao.

Sáng ngày 7/9, ông Q về nhà ở thị trấn Cái Rồng, sau mấy ngày cùng anh em công nhân làm việc cật lực để chống bão trên biển. Nhưng đến trưa, ông lại thấy nhấp nhổm không yên. Ông Q gọi 5 người công nhân đến, cùng ông phóng xuồng ra đảo Bắc Hoi.

Trên những bè nuôi cá song và giàn hàu đại dương sắp đến kỳ thu hoạch, ông cùng những người công nhân gia cố lại lần cuối cùng. Rồi cơn bão ập đến, chiếc pông tông nơi ông và nhóm công nhân trú ẩn không thể trụ vững trước những trận cuồng phong, nhấn chìm cả 6 người xuống biển. 5 người công nhân bơi được vào bờ sống sót, còn ông Q mãi mãi không về.

Theo thống kê sơ bộ của huyện Vân Đồn, bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển, với ước tính thiệt hại khoảng trên 2.200 tỷ đồng. Trong đó, nhuyễn thể thiệt hại ước tính trên 1.300 tỷ đồng; cá biển trên 500 tỷ đồng; hải sản khác gần 400 tỷ đồng. Ngoài ra còn thiệt hại 318 nhà bè; gần 90 tàu thuyền các loại bị đắm, vỡ.

Là địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn của Quảng Ninh, người dân sống nhờ biển, làm giàu từ biển, tuy nhiên chỉ sau cơn bão số 3 (Yagi), toàn bộ diện tích nuôi trồng nhuyễn thể, ô lồng nuôi cá trên biển của người dân huyện Vân Đồn bị bão đánh tan. Nhiều gia đình cả đời mưu sinh từ biển, bỗng nhiên trắng tay chỉ sau vài tiếng bão số 3 quần thảo. Những khu nuôi trồng thủy sản giờ chỉ còn là đống đổ nát, tan hoang.

A3 (17)
Người nuôi trồng thủy sản Vân Đồn gia cố lại giàn bè bị bão đánh hỏng.

Bắt đầu lại từ tay trắng

Sinh năm 1966, ông Nguyễn Sỹ Bính (quê ở xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) đã có kinh nghiệm gần 30 năm nuôi cá song, hàu trên vùng biển Vân Đồn. Sinh ra trong một gia đình cả bố và mẹ đều là những ngư dân kỳ cựu, ông Bính sớm thích nghi với nghề biển. Ngoài việc nuôi hàu biển, gia đình ông còn nuôi thêm cá song và rong sụn.

Chẳng bao lâu, ông Nguyễn Sỹ Bính là một trong những người tiên phong nuôi hàu treo dây, nuôi cá lồng bè ở vùng biển Phất Cờ (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn). Mô hình của ông trở thành điểm sáng, nơi thay thế vật liệu nổi (HDPE) đầu tiên trong tỉnh Quảng Ninh.

Bão số 3 ập tới, toàn bộ hệ thống HDPE dùng để làm nhà bè, giàn nuôi hàu, lồng nuôi cá và rong sụn (trị giá gần chục tỷ đồng) của ông bị sóng gió đánh tan tành; 2 giàn hàu (trị giá gần 2 tỷ đồng) của ông bị bão cuốn bay; các lồng nuôi cá song (trị giá khoảng 500 triệu đồng) cũng bị sóng đánh chết hoặc trôi ra biển.

Xót xa, ông Bính như người mất hồn từ hôm bão, nhưng vẫn phải gượng dậy để thu dọn đống đổ nát trên đảo Phất Cờ.

“Mình mất ở đâu thì làm lại ở đó. Giờ mà mình buông xuôi, thì 30 năm qua coi như chẳng còn gì nữa” – ông Bính nói với tôi, như tự nhủ với chính mình.

Chúng tôi lại tìm đến nơi ở tạm thời của bà Dương Thị Gái tại khu 9, thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn. Đứng thẫn thờ, đôi mắt ngóng ra mặt biển, giọng bà Gái buồn rượi: "Lồng bè tan nát rồi, nhà bè cũng vỡ rồi. Từ hôm bão đổ bộ đến giờ, tôi không ăn không ngủ”.

Hơn 20 năm “đánh bạc với trời”, có thăng trầm nào mà bà Gái chưa trải qua, nhưng đây là lần đầu tiên bà cùng người dân Vân Đồn lâm cảnh trắng tay do thiên tai.

A2 (27)
Bà Dương Thị Gái xót xa nhìn về phía biển.

Có đồng nào bà Gái cũng chăm cho mấy lồng cá. Mỗi ngày cho ăn 1,7 - 2 tấn mồi, giá cá mồi lúc lên cao là 13.000 đồng/kg, lúc rẻ nhất là 11.000 đồng/kg, tính ra tốn gần 30 triệu đồng tiền mồi/một lần cho ăn. Gia đình bà Gái không có sổ đỏ vì bè nuôi cá là nhà, nên chỉ vay được ngân hàng 100 triệu đồng, còn lại toàn vay lãi cao ở ngoài, hiện nay đã lên đến 1,8 tỷ đồng. Chỉ chờ ngày thu hoạch để trả công, trả nợ.

"Từ 5 ô nuôi cá lồng ban đầu, gia đình tôi phát triển lên 10 ô, đến hiện tại là 60 ô lồng nuôi cá biển. Mỗi ô lồng phải có đến 1,8 - 2 tấn cá thương phẩm, những con cá song nặng phải từ 5-8kg/con, cá giò nặng từ 3-5kg/con, đều sắp xuất bán. Vậy mà mất trắng rồi!" – bà Gái nấc nghẹn.

Từ hôm bão Yagi đổ bộ đến nay, hầu như ngày nào ông Trương Mạnh Hùng, Bí thư Huyện ủy Vân Đồn, cũng ra biển.

“Đây là lúc cần động viên kịp thời, tiếp tục hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả; bảo vệ phần tài sản còn lại của người dân, giúp người dân khôi phục sản xuất trong thời gian sớm nhất; tiếp tục thống kê các hộ thiệt hại, mức độ thiệt hại, từ đó đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân” – ông Hùng nói.

Vượt qua đau buồn, đây là lúc Vân Đồn cần xây dựng giải pháp tổng thể để khôi phục nghề nuôi biển theo hướng bền vững hơn, nhất là trong điều kiện diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp.

NGUYỄN QUÝ