Chính trị

Hoàn thiện thể chế chống tham nhũng, tiêu cực

H.Vũ 16/09/2024 07:55

Theo đánh giá của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để phòng chống tham nhũng trong một số trường hợp còn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu. Một số chủ trương, chính sách của Đảng chậm được thể chế hóa đầy đủ thành pháp luật.

anh thay bai tren
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong phát biểu thảo luận tại Phiên họp 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thẩm tra báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2024 của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá, trong năm 2024, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục có những chuyển biến tích cực; các cơ quan hữu quan tiếp tục thể chế hóa và thực hiện nghiêm các yêu cầu của Đảng về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Tuy nhiên chất lượng của một số văn bản còn hạn chế, thiếu tính ổn định. Vẫn còn tình trạng mâu thuẫn, bất cập, không thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Thực trạng này là một trong các yếu tố dẫn đến khó khăn trong thực thi pháp luật; cán bộ sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, sợ sai không dám làm. Đồng thời có thể dẫn đến tình trạng cán bộ lợi dụng sơ hở của pháp luật để thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Đặc biệt công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn những hạn chế. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức còn có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” dẫn đến tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, bị xử lý hình sự, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao. Nhiều trường hợp vi phạm về trách nhiệm nêu gương xảy ra tại chính các cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về phòng chống tham nhũng tiêu cực.

Đáng chú ý, phương thức, thủ đoạn phổ biến là lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong việc triển khai thực hiện các dự án để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Tình trạng này cho thấy việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng thời gian qua mặc dù đã được quan tâm nhưng còn chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhiều biện pháp phòng ngừa còn mang tính hình thức.

Những sai phạm về tham nhũng, tiêu cực thời gian qua cho thấy có sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của nhiều tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng là thực trạng đã được nhận diện rõ từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.

Trên cơ sở kết quả điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng lớn, phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến các lĩnh vực đăng kiểm; y tế; giáo dục; đấu thầu; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản; quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong các năm 2023 và 2024, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ đánh giá rõ hơn về nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, rút ra các bài học kinh nghiệm, từ đó chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội để phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc tương tự trong thời gian tới.

Liên quan đến vấn đề phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong năm 2024 mới chỉ đánh giá về vấn đề tham nhũng còn chưa đánh giá sâu và rõ về tiêu cực, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, hiện nay chưa có quy định cụ thể về tiêu chí đánh giá mang tính định lượng về tiêu cực, mà đánh giá tiêu cực hiện nay chỉ mang tính định tính, chủ yếu là suy thoái, biến chất, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Từ tiêu cực dẫn đến tham nhũng, tiêu cực là nguyên nhân chính, và là một trong những nguyên nhân của tham nhũng.

Do vậy, để khắc phục vấn đề này, ông Phong cho biết, tới đây các cơ quan chức năng sẽ tham mưu cho Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực xác định và làm rõ hơn tiêu chí về vấn đề tiêu cực. “Đây là vấn đề khó và mới, nội dung mới, khi tiêu cực mới được đưa vào trong chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2022” - ông Phong nêu vấn đề.

“Chúng ta ban hành sửa đổi một số luật nhưng thực tế triển khai thực hiện lại có một số khó khăn vướng mắc. Do đó mong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng với Chính phủ rà soát về vấn đề này” - ông Phong cho hay.

Đối với phương án tháo gỡ khó khăn vướng mắc về kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án để giải phóng nguồn lực đất đai, ông Phong thông tin, Thanh tra Chính phủ được Chính phủ giao, vừa qua đã trình Bộ Chính trị đề án, và được Bộ Chính trị thông qua và kết luận. Sau đó, Thủ tướng đã giao cho Thanh tra ban hành kế hoạch, tổ công tác.

Bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hiện tất cả các địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực, quán triệt các cấp, các ngành đều nhấn mạnh đến tiêu cực, vì tiêu cực chính là “tham nhũng vặt”, biểu hiện hàng ngày, và “tiền trước” của tham nhũng chính là tiêu cực. Do đó những biểu hiện về tiêu cực cần được đánh giá sâu sắc hơn. Nhất là về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, công tác thanh tra kiểm toán góp phần phòng ngừa phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.

Bà Hải cũng kiến nghị cần các biện pháp “chuyển đổi số” trong phòng ngừa tham nhũng và tiêu cực. Ví dụ như xây dựng phần mềm trong quản lý đơn thư khiếu nại tố cáo; tiếp công dân. Tất cả lịch tiếp công dân phải công khai trên cổng thông tin điện tử của tỉnh. “Hiện nay công khai tiếp công dân của các cấp ngành, và địa phương thực hiện thế nào, bao nhiêu đơn vị thực hiện đúng, bao nhiêu đơn vị thực hiện chưa đúng?” - bà Hải đặt vấn đề.

“Một số tỉnh hiện nay, trong đó có Thái Nguyên đã áp dụng cây gắn mã QR code. Các cây đã được số hóa QR code nên có thể biết đổ bao nhiêu cây, khắc phục như thế nào. Thậm chí nhờ gắn mã QR code còn biết cả đầy đủ thông tin về người trồng, kể cả các cây được tặng cũng đều có QR code và truy xuất nguồn gốc” - bà Hải nêu lên dẫn chứng để từ đó đề nghị chuyển đổi số trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực cần đậm nét hơn nữa trong thời gian tới.

Theo đánh giá của Ủy ban Tư pháp, vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được phát huy. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện các quy định về phòng chống tham nhũng tiêu cực, giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ, hiểu đúng về bản chất cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực ở Việt Nam.

H.Vũ