Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số
Từ nguồn lực của Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, nhiều địa phương trên cả nước đã xây dựng, nhân rộng mô hình sinh kế bền vững có hiệu quả kinh tế cao.
Để công tác giảm nghèo vùng đồng bào DTTS đạt hiệu quả, cải thiện mọi mặt đời sống cho người dân, công tác quan trọng hàng đầu đó chính là tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về giảm nghèo. Để thực hiện được mục tiêu trên, huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) đã tích cực huy động, lồng ghép các nguồn vốn để tổ chức thực hiện các dự án, mô hình hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế bền vững cho người dân trên địa bàn. Tiêu biểu như tại xã Mường Luân, một trong những vựa lúa lớn của huyện Ðiện Biên Ðông đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nên đời sống bà con nhân dân trên địa bàn xã ngày một nâng cao.
Ông Lò Văn Quyết - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Luân (huyện Điện Biên Đông) cho biết, các mô hình, dự án phát triển sản phẩm lúa chất lượng cao trên địa bàn xã đã giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, từng bước thay thế các giống lúa địa phương bằng các loại giống lúa thuần chất lượng cao. Đặc biệt, hiện nay, xã Mường Luân đang ưu tiên phát triển 20ha giống lúa chất lượng cao do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai, mang lại nguồn thu nhập chính, dồi dào cho người dân trong vụ mùa này.
Được biết, từ năm 2018 đến nay, từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, huyện Ðiện Biên Ðông đã triển khai 11 dự án hỗ trợ phát triển kinh tế, chăn nuôi đại gia súc với tổng nguồn vốn gần 3 tỷ đồng. 100% mô hình, dự án đều mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp các hội viên có việc làm ổn định, từng bước giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng. Song song hỗ trợ vốn ưu đãi, những năm qua, huyện Ðiện Biên Ðông còn lồng ghép các chương trình, dự án của Trung ương và của tỉnh Điện Biên một cách hiệu quả.
Theo đánh giá của Huyện ủy Điện Biên Đông, các mô hình hỗ trợ sinh kế được người dân đồng thuận và tham gia nhiệt tình. Để đạt được kết quả đó, ngoài việc tập trung chăm lo cho người nghèo, huyện còn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Trong đó, chú trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để thúc đẩy công tác giảm nghèo như: Phát triển chăn nuôi trâu, bò; du lịch cộng đồng; trồng cây dược liệu và cây lá thuốc công nghệ cao. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện ngày càng giảm. Nếu năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện 53,20% thì đến cuối năm 2023 huyện giảm xuống còn 41,58%, bình quân mỗi năm giảm 5,81% tỷ lệ hộ nghèo.
Còn tại tỉnh Thừa Thiên Huế, trong những năm gần đây, để hỗ trợ đồng bào DTTS nâng cao thu nhập, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh các mô hình phát triển kinh tế trang trại. Các huyện miền núi như Nam Đông, A Lưới đã khuyến khích các hộ đồng bào DTTS mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Ngoài vận động các hộ đồng bào DTTS tận dụng tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế đồi rừng, các địa phương còn phối hợp với ngành nông nghiệp phát triển đa dạng các mô hình chăn nuôi, đưa trang thiết bị máy móc vào sản xuất gắn với chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới Hồ Văn Ngưm, phát triển chăn nuôi và kinh tế trang trại là chủ trương lớn của huyện nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tạo ra các vùng tập trung sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho nông dân. Việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế trang trại đã góp phần tạo thêm nguồn vốn trong đồng bào DTTS, mở ra nhiều mô hình sản xuất mới.
Từ đó, giúp địa phương đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở vùng DTTS theo hướng tăng tỷ trọng sản xuất hàng hóa, tạo ra các vùng sản xuất tập trung. Từng bước đưa sản xuất nông nghiệp của bà con vùng đồng bào DTTS từ sản xuất nhỏ lẻ, tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa với quy mô lớn hơn gắn với thị trường tiêu thụ, mở ra hướng làm giàu cho đồng bào DTTS trên địa bàn.