Lao động Việt Nam: Nhiều cơ hội làm việc trong ngành nông nghiệp Australia
Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đã công bố triển khai thực hiện hỗ trợ công dân Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Australia theo Chương trình Di chuyển lao động giữa Australia và Việt Nam.
Thông tin về chương trình này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Nguyễn Bá Hoan cho biết, Chính phủ Australia sẽ cho phép tối đa 1.000 lao động Việt Nam làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp tại nước này ở cùng một thời điểm. Người lao động Việt Nam tham gia chương trình có thể làm công việc ngắn hạn (từ 6 đến 9 tháng), hoặc làm công việc dài hạn (từ 1 đến 4 năm).
Vị trí việc làm của người lao động Việt Nam chỉ yêu cầu có kỹ năng nghề thấp, đến bán lành nghề trong ngành nông nghiệp như trồng trọt, chế biến thịt, thủy sản (bao gồm nuôi trồng thủy sản), và lâm nghiệp.
Khi tham gia chương trình, người lao động sẽ được hưởng các quyền lợi theo quy định của luật pháp Australia như người lao động nước này. Được hưởng mức lương cơ bản, ít nhất bằng mức lương tối thiểu theo quy định của luật pháp Australia, và phù hợp với các quy định của chương trình. Họ cũng được người sử dụng lao động bố trí đủ việc làm, nơi làm việc an toàn; được người sử dụng lao động chi trả tối thiểu 300 đô la Australia cho chi phí vé máy bay từ Việt Nam đến nơi làm việc/nơi ở tại nước này. Đồng thời, được người sử dụng lao động chi trả chi phí tuyển chọn/chi phí hành chính cho doanh nghiệp dịch vụ/đơn vị sự nghiệp công lập. Chính phủ Australia sẽ cấp thị thực làm việc tạm thời (quan hệ quốc tế) - dòng di chuyển lao động Thái Bình Dương – Australia, hoặc loại thị thực khác theo quy định của Chính phủ nước này.
Dự kiến, mức lương cơ bản (chưa trừ chi phí sinh hoạt) từ 3.200 - 4.000 AUD/tháng (tương đương khoảng 52,8 - 66 triệu đồng/tháng). Lao động có thể làm thêm, mức lương có thể tăng cao hơn so với mức thu nhập nêu trên.
Tại buổi làm việc với Bộ LĐTBXH, Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam Renée Deschamps cho biết, chương trình hợp tác quan trọng này sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động tại các vùng nông thôn và địa phương của Australia. Đồng thời, mang đến cho người lao động Việt Nam cơ hội nâng cao kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng làm việc tại nước này.
“Cả Australia và Việt Nam đều cam kết đảm bảo sự an toàn cho người lao động khi tham gia chương trình PALM và giảm thiểu tối đa các rủi ro liên quan đến gian lận, tuyển dụng phi đạo đức và bóc lột lao động” - Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam Renée Deschamps chia sẻ.
Trước thông tin gần đây xuất hiện lừa đảo đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Australia trong ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan khẳng định, trong năm đầu tiên thực hiện chương trình, Trung tâm Lao động ngoài nước (thuộc Bộ LĐTBXH) và tối đa 6 doanh nghiệp (DN)hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được lựa chọn tham gia chương trình.
Các DN dịch vụ tham gia chương trình phải đáp ứng các tiêu chí, bao gồm: Có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm về đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (tính từ ngày người lao động đầu tiên xuất cảnh). Có ít nhất 3 cán bộ chuyên trách thị trường Australia đã tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp tối thiểu từ 6 tháng trở lên. Trong đó, 1 nhân viên tìm kiếm, phát triển thị trường, và 1 nhân viên quản lý lao động có trình độ tiếng Anh 6.5 IELTS, hoặc tương đương trở lên; 1 nhân viên thực hiện nghiệp vụ giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi làm việc tại Australia có trình độ tiếng Anh 5.0 IELTS, hoặc tương đương trở lên. Đáng chú ý, trong 2 năm gần nhất, doanh nghiệp không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, Bộ LĐTBXH và Chính phủ Australia sẽ cùng phối hợp lựa chọn DN dịch vụ Việt Nam tham gia vào Chương trình vào tháng 9 năm nay. Vì thế, để ngăn ngừa tình trạng tổ chức, cá nhân lợi dụng thông tin về chương trình đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Australia trong ngành nông nghiệp để lừa đảo, thu tiền của người lao động trái quy định pháp luật, Bộ LĐTBXH đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức thông tin, tuyên truyền tới người lao động tại địa phương.
Theo đó, người lao động không đăng ký, nộp tiền cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào để tham gia chương trình lao động nông nghiệp tại Australia, cho tới khi Bộ LĐTBXH và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam công bố chính thức danh sách DN dịch vụ Việt Nam, đơn vị sự nghiệp, được lựa chọn tham gia chương trình, và đơn vị được phía Australia lựa chọn thực hiện.