Theo nghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, do ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, sau gần 1 tuần nước dâng cao, nhiều nhà dân tại huyện Mỹ Đức vẫn mênh mông nước. Trong đó, 3.421 hộ dân của huyện Mỹ Đức bị nước tràn vào nhà, 1.979 hộ dân phải sơ tán vì ngập lụt. Thôn Phú Hiền (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) nằm dọc hai bên bờ sông Mỹ Hà, nhiều nhà dân nước dâng cao gần hết tầng 1. Để cứu vãn chút tài sản, anh Chu Văn Nhã cho hay, ngay khi nước dâng cao, gia đình anh đã đưa đàn dê lên ngọn núi nhà người quen để chờ đến khi nước rút rồi đưa về. "Nhà tôi ngập hết rồi, hơn 10 con lợn bị chết. Tôi phải đưa 40 con dê lên núi sống để đảm bảo an toàn cho chính bản thân, cũng như tài sản", anh Nhã cho hay. Hình ảnh những con dê của nhà anh Nhã sinh sống trên núi. Theo anh Nhã, nước lên nhanh quá không kịp kê chuồng, hơn 10 con lợn đã bị chết, mất khoảng 200.000 triệu đồng. Dù đã kê cao, nhưng đàn lợn nhà anh Nhã vẫn bồng bềnh trên nước. Anh Phạm Công Khải (xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức) cho biết, từ hôm nước dâng cao anh phải chạy lúa, đồ đạc lên ngọn núi phía sau nhà. "Trên này cao nên an toàn hơn, nhà tôi ngập hết rồi", anh Khải chia sẻ. Mất điện, mất nước khiến cuộc sống của nhiều người dân huyện Mỹ Đức bị đảo lộn. Từng chai nước, đồ ăn được người dân đi thuyền gửi cứu trợ các nhà dân bị ngập. Ngồi trên chiếc phản sắp bị "chìm" trong nước, bà Đào Thị Hoa người dân xã Hợp Thanh (Mỹ Đức, Hà Nội) cho hay: "Mấy hôm trước, khi đang gặt lúa thì nước bỗng dâng cao, may mắn tôi kịp thời bỏ chạy về đến nhà thì thoát nạn. Tuy nhiên, nước lũ cuốn trôi hết số lúa sau hơn 3 tháng chăm sóc". Theo bà Hoa, nước ngập sâu gây mất điện, mất nước khiến cuộc sống gia đình bà bị đảo lộn. Rất may, gia đình bà được các mạnh thường quân giúp đỡ đồ ăn, nước uống sống qua ngày.
Lê Khánh