Thách thức tái thiết Dải Gaza thời hậu chiến
Cho dù xung đột giữa Israel - Hamas vẫn chưa rõ hồi kết, nhưng dư luận quốc tế đã bày tỏ quan tâm về việc tái thiết lại Dải Gaza bị tan hoang do bom đạn.
Theo báo cáo mới đây của Hội nghị Liên hợp quốc (LHQ) về thương mại và phát triển (UNCTAD), nền kinh tế tại Gaza đang bị tàn phá nặng nề sau hơn 11 tháng xung đột giữa Hamas và Israel, biến phần lớn Dải Gaza thành đống đổ nát, quy mô của nền kinh tế sụt giảm mạnh xuống mức chỉ còn chưa đầy 1/6 quy mô của nền kinh tế trước khi xảy ra cuộc xung đột.
Báo cáo cũng mô tả sự suy thoái kinh tế nhanh chóng và đáng báo động ở khu Bờ Tây với tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 32% từ mức 12,9%, đẩy hơn 300.000 người Palestine rơi vào tình cảnh mất việc làm kể từ khi xung đột bùng phát.
Nhấn mạnh cần có một kế hoạch phục hồi toàn diện, UNCTAD kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động ngay lập tức để ngăn chặn tình trạng kinh tế suy thoái, giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo, qua đó đặt nền tảng cho hòa bình và phát triển lâu dài cho cho Dải Gaza và khu Bờ Tây do Palestine kiểm soát.
Theo một nghiên cứu của Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), ước tính công cuộc tái thiết Dải Gaza sẽ tiêu tốn khoảng 30 - 40 tỷ USD và đòi hỏi nỗ lực ở quy mô lớn chưa từng thấy kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Trợ lý Tổng thư ký LHQ, ông Abdallah al-Dardari, cho rằng mức độ tàn phá ở Gaza là lớn chưa từng có nếu tính theo diện tích đất và tổng dân số. Vì thế, đây sẽ là sứ mệnh tái thiết lớn nhất mà cộng đồng quốc tế chưa từng ứng phó từ trước tới nay.
Ông al-Dardari cũng cho rằng công cuộc tái thiết này sẽ mất nhiều thập niên nếu công việc được thực hiện theo quy trình bình thường, “song đây là điều mà chúng ta không thể chờ đợi”. Từ đó, ông cho rằng cộng đồng quốc tế cần hành động nhanh chóng để trước mắt cung cấp lại nhà ở cho người dân ở Gaza, đồng thời khôi phục hệ thống y tế cũng như kinh tế. “Đây phải được coi là ưu tiên hàng đầu và cần phải đạt được trong vòng 3 năm đầu tiên sau khi chấm dứt chiến sự” - ông al-Abdallah nói.
Trong khi đó, đại diện UNCTAD cho rằng tổng khối lượng đống đổ nát do bị bắn phá và các vụ nổ gây ra ở Gaza vào khoảng 37 triệu tấn, khi mà 72% tổng số tòa nhà dân cư đã bị phá hủy hoàn toàn hoặc một phần (tính tới giữa tháng 9/2024).