Kinh tế

Hải Phòng: Các khu công nghiệp ‘vực dậy’ sau bão

Phương Thanh 17/09/2024 15:56

Bão số 3 đã gây ra những hậu quả nặng nề cho các doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp tại Hải Phòng. Hiện, khoảng 95% số doanh nghiệp đã hoạt động trở lại để đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hoá cũng như đáp ứng các đơn đặt hàng đã ký kết.

Thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng

Đến nay, Hải Phòng đã có thống kê ban đầu về tình trạng thiệt hại của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) trên địa bàn. Hầu hết, các KCN đều có cây xanh bị gẫy đổ; nơi thiệt hại cao nhất lên tới 90%; nơi thiệt hại thấp nhất là 30%. Một số điểm bị ngập lụt cục bộ trong bão. Nhiều nhà xưởng bị tốc mái; một số tường bị xé, đổ cổng, hàng rào, biển báo, hệ thống camera, nhà xe, cửa tôn kéo bị lật. Về số lượng, thống kê cho thấy hàng trăm doanh nghiệp ở các KCN, KKT bị thiệt hại do bão, số tiền thiệt hại ước tính hàng nghìn tỉ đồng.

a2.jpg
Công ty Pha Việt Nam (KCN Deep C) thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 3.

Theo ông Bruno Jaspert, Tổng Giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C, hơn 90% doanh nghiệp trong KCN bị thiệt hại và ít nhất 50% chịu tổn thất nặng nề. Các công ty vừa phải khắc phục hậu quả vừa phải chuẩn bị cho mùa mưa bão sắp tới để bảo vệ hàng hóa.

“Chúng tôi đã và đang cố gắng hỗ trợ các đơn vị bị thiệt hại nặng để doanh nghiệp vận hành nhà máy bình thường và ổn định sản xuất trở lại trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, với nhiều đơn vị, thời gian khắc phục hậu quả có lẽ phải mất ít nhất 1 - 2 tháng", ông Jasspert cho biết.

a6.jpg
Mặc dù triển khai nhiều biện pháp phòng chống bão, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong các KCN tại Hải Phòng vẫn bị thiệt hại nặng nề.

Chia sẻ với PV, ông Hoàng Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty CP Shinec, Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền cho biết: “Sau khi ghi nhận hậu quả của các nhà đầu tư trong KCN, chúng tôi đã huy động tối đa nhân lực để trồng lại cây xanh, dọn dẹp và giải phóng lượng cây đổ. Chúng tôi đã khẩn trương làm việc với các bên liên quan để kịp thời cung cấp điện, nước, internet trở lại cho doanh nghiệp hoạt động. Chỉ sau 2 ngày khi cơn bão đi qua, toàn bộ KCN bắt tay hoạt động sản xuất trở lại. Trong các nhà máy, doanh nghiệp, không khí lao động hết sức khẩn trương để kịp hoàn thành sản phẩm cho các chuyến hàng xuất xưởng”.

Theo báo cáo của Ban quản lý KKT Hải Phòng, ngoài KCN Deep C và KCN Nam Cầu Kiền, nhiều doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN khác cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 như: KCN Đồ Sơn, Công ty CP tập đoàn đầu tư Sao Đỏ, KCN Nam Đình Vũ; KCN Nhật Bản - Hải Phòng…

8.jpg
Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng động viên, hỗ trợ Công ty Daitoo Rubber (KCN Nhật Bản - Hải Phòng) để doanh nghiệp sớm khắc phục, hoạt động trở lại.

Đối với các doanh nghiệp thứ cấp trong KCN, có khoảng 200 doanh nghiệp trên tổng số 568 doanh nghiệp (chiếm 35%) bị thiệt hại sau bão với tổng số tiền khoảng 480 tỷ đồng. Ngay sau khi bão tan, song song với việc khắc phục hậu quả, phần lớn các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại, bảo đảm việc làm cho hơn 85.000 lao động.

Tuy nhiên, còn số ít doanh nghiệp thiệt hại nặng nề vẫn đang tạm cho công nhân nghỉ việc trong thời gian chờ khắc phục hậu quả. Theo Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng, đơn vị đang tổng hợp số công nhân lao động phải ngừng việc tạm thời do hư hỏng nhà xưởng để đề xuất hỗ trợ đảm bảo ổn định thu nhập trong những ngày không có việc làm. Riêng đối với công đoàn KKT Hải Phòng, hiện có gần 17.000 lao động tạm ngừng việc dưới 14 ngày, gần 3.500 lao động nghỉ từ 14 ngày trở lên chờ doanh nghiệp khắc phục hậu quả.

Có phương án thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp

Khôi phục hạ tầng sau bão số 3 là nhiệm vụ cấp thiết để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của các KCN, KKT tại Hải Phòng trở lại bình thường. Trong đó, các doanh nghiệp tập trung vào khắc phục hệ thống điện, hệ thống giao thông, hệ thống cấp nước, thoát nước, thông tin liên lạc, xử lý nước thải và phòng cháy chữa cháy.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thứ cấp khắc phục hậu quả, nhiều ý kiến cho rằng, các công ty kinh doanh hạ tầng cần xem xét giảm thuế, phí; hỗ trợ vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp để doanh nghiệp khôi phục sản xuất, đầu tư thiết bị mới…

a4.jpg
Lãnh đạo Ban quản lý KKT Hải Phòng chia sẻ với doanh nghiệp tại KCN Deep C bị thiệt hại sau bão.

“Các công ty kinh doanh hạ tầng có thể xem xét các gói hỗ trợ vay ưu đãi cho các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất; cho phép các doanh nghiệp gia hạn thời hạn nộp thuế, phí để có thêm thời gian phục hồi sản xuất. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước tạm hoãn các cuộc thanh tra, kiểm tra để doanh nghiệp có thời gian khắc phục hậu quả”, đại diện một doanh nghiệp thứ cấp đề xuất.

Hiện, Ban quản lý KKT Hải Phòng tiếp tục cập nhật thiệt hại của các doanh nghiệp sau bão đồng thời tiếp nhận những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp để có phương án hỗ trợ kịp thời. Đối với các đề xuất vượt thẩm quyền, Ban quản lý KKT sẽ báo cáo với UBND thành phố, Thành ủy Hải Phòng để có giải pháp hỗ trợ đảm bảo cho chuỗi cung ứng được thông suốt, đáp ứng được các đơn đặt hàng đã ký kết.

a5.jpg
Hiện, Ban quản lý KKT Hải Phòng tiếp tục cập nhật thiệt hại của các doanh nghiệp sau bão đồng thời tiếp nhận những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp để có phương án hỗ trợ kịp thời.

Sau bão số 3, việc tăng cường ứng phó thiên tai là nhiệm vụ cấp bách đối với các KCN, KKT tại Hải Phòng. Để chủ động hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ trên, lãnh đạo Ban quản lý KKT Hải Phòng nêu quan điểm: Các doanh nghiệp cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, gồm: Đầu tư hệ thống cảnh báo bão, lũ; Xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai; Nâng cấp cơ sở hạ tầng…

Tính đến thời điểm hiện tại, Hải Phòng thiệt hại khoảng gần 11.000 tỷ đồng sau cơn bão số 3. Sau khi họp bàn, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã thống nhất 12 nội dung chỉ đạo trong quá trình khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Trong đó, Ban Thường vụ Thành uỷ Hải Phòng thống nhất giãn, hoãn tiến độ đối với các đoàn thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp đang triển khai. Đối với các đoàn kiểm tra có trong Kế hoạch nhưng chưa triển khai thì điều chỉnh thời gian sang đầu năm 2025.

Phương Thanh