Giải quyết ruộng bậc thang ở vùng đồng bằng Quảng Trị - Bài 1: Khó khăn trong canh tác, sản xuất
Theo nhiều người dân, hợp tác xã (HTX) tại các huyện Hải Lăng và Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị), bề mặt các thửa ruộng trong cùng một cách đồng không bằng phẳng gây khó khăn trong quá trình canh tác, sản xuất. Họ muốn cải tạo, khắc phục vấn đề này.
Những chân ruộng bậc thang ở giữa đồng bằng
Anh Nguyễn Lân (33 tuổi, trú tại thôn Lam Thủy, xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) cho biết, một thửa ruộng (diện tích khoảng 1.000m2) trên cánh đồng thuộc thôn Lam Thủy mà gia đình anh đang sản xuất lúa có bề mặt cao hơn so với các thửa ruộng bên cạnh, gây khó khăn trong việc dẫn nước tưới sau khi gieo cấy.
“Vụ vừa rồi gia đình tôi thu được 12 bao lúa, mỗi bao khoảng 30 - 40 kg (lúa phơi khô) từ diện tích ruộng này. Các ruộng bên cạnh thì năng suất cao hơn”, anh Lân cho hay.
Nông dân Nguyễn Đức Lâu (cùng trú tại thôn Lam Thủy) chia sẻ, thông thường sau khi gieo cấy xong, người dân sẽ tiến hành phun thuốc diệt cỏ, bón phân cho lúa. Để các hoạt động này đạt hiệu quả và cây lúa phát triển tốt, tùy theo từng giai đoạn bắt buộc trên bề mặt ruộng phải có lượng nước vừa đủ. Tuy nhiên, các thửa ruộng cao khó điều tiết nước ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và năng suất lúa thu hoạch được.
Ngoài ra, theo các nông dân này, khi xung quanh đã có nước thì các thửa có bề mặt cao hơn vẫn còn khô ráo đã trở thành vị trí ưa thích để chuột trú ẩn, quấy phá.
Chủ tịch UBND xã Hải Hưng Nguyễn Đức Thuyền cho biết, thời gian vừa qua trên địa bàn có một số cá nhân, HTX đề nghị được hạ độ cao, cải tạo đồng ruộng để thuận lợi trong quá trình canh tác, sản xuất.
Tương tự, lãnh đạo nhiều xã, như: Hải Quế (huyện Hải Lăng) và các xã Triệu Long, Triệu Phước, Triệu Độ, Triệu Tài (huyện Triệu Phong) cho biết, cánh đồng trên địa bàn cũng có tình trạng bề mặt các thửa ruộng không đồng đều, tạo thành các ruộng bậc thang, gây khó khăn trong quá trình canh tác, sản xuất của người dân.
Mong muốn được cải tạo đồng ruộng
Để khắc phục tình trạng trên, người dân, HTX tại các địa phương đề nghị, hạ độ cao, cải tạo đồng ruộng.
Điển hình, vào năm 2023, HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp An Lợi (gọi tắt là HTX An Lợi, tại xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong) gửi đến UBND xã Triệu Độ “Đề án cải tạo đồng ruộng và cánh đồng lớn”. Trong đó xác định, có 10ha đất nông nghiệp do HTX quản lý ở các vùng: Cồn Bàu, Cồn Giữa, Trẹc Ngoài, Lò Ngói, Cồn Giữa Trên, Cồn Sanh cần cải tạo.
Về kinh phí, trong đề án HTX An Lợi gửi UBND xã Triệu Độ nói trên nêu: “HTX và chủ đất không trả kinh phí, chỉ có người có nhu cầu mua đất trả kinh phí, trong đó HTX quản lý, điều hành dự kiến 50.000đ/m3, HTX giữ lại 5.000đ/m3 đưa vào điều lệ HTX có kế hoạch tích lũy vốn để làm đường bê tông nội đồng, số tiền còn lại 45.000đ/m3 chi trả máy múc, máy san ủi mặt bằng và máy vận chuyển đến người có nhu cầu mua đất”.
Hay, ngày 28/8 vừa qua, HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Tài Lương (gọi tắt là HTX Tài Lương, tại xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong) cũng gửi đến UBND xã Triệu Tài tờ trình về việc cải tạo ruộng do đơn vị đang quản lý.
Trong tờ trình có nêu: “Hiện nay HTX có 1ha ruộng bậc thang, khó khăn tưới tiêu do HTX cuối các kênh mương hằng năm bị khô, mất năng suất”. Theo đó, HTX xin ý kiến để được cải tạo diện tích này và dự kiến, khối lượng đất bốc đi khoảng trên 2.000m3, kinh phí thực hiện do xóm, thôn và HTX cùng đóng góp.
Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo các Phòng Nông nghiệp và PTNT 2 huyện Triệu Phong và Hải Lăng cùng xác nhận, có nhu cầu hạ thấp độ cao đồng ruộng để thuận lợi canh tác. Tuy nhiên, vấn đề này cần có sự chấp thuận, phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.
(còn tiếp)