Mỹ Đức, Hà Nội: Kịp thời hỗ trợ giúp người dân ổn định cuộc sống sau bão
Theo báo cáo của huyện Mỹ Đức, do ảnh hưởng của mưa lũ, trên địa bàn huyện đã có 85 nhà cấp 4, mái tôn trường học, đình, chùa, trạm y tế… bị tốc mái, 1 ngôi nhà ở xã Tuy Lai bị sập. 3.421 hộ dân thuộc các vùng trũng, ven sông, ngoài đê bị nước ngập vào nhà. Tuy nhiên, với phương châm “4 tại chỗ” huyện Mỹ Đức, Hà Nội đã đảm bảo an toàn cao nhất cho nhân dân sau mưa lũ.
Chung sức chăm lo cho người dân bị ngập lụt
Ngày 16/9, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão tại huyện Mỹ Đức; thăm, tặng quà trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng do bão số 3.
Theo báo cáo của huyện Mỹ Đức, do ảnh hưởng của mưa lũ, trên địa bàn huyện đã có 85 nhà cấp 4, mái tôn trường học, đình, chùa, trạm y tế… bị tốc mái, 1 ngôi nhà ở xã Tuy Lai bị sập. 3.421 hộ dân thuộc các vùng trũng, ven sông, ngoài đê bị nước ngập vào nhà.Huyện Mỹ Đức đã di dời 1.979 hộ dân thuộc vùng trũng, nhà bị ngập đến nơi an toàn.Trong đó, khoảng 600 hộ với 2.500 khẩu thuộc xã An Phú; 300 hộ với hơn 1.200 nhân khẩu thuộc xã Hợp Tiến; 774 hộ với 3.560 nhân khẩu ở xã Hợp Thanh đã được lực lượng chức năng sơ tán đến nơi an toàn. Đến nay, vẫn còn năm trường học trên địa bàn huyện, học sinh chưa thể trở lại trường học.
Hiện xí nghiệp Thủy lợi Mỹ Đức đã vận hành 8 trạm bơm với 20 tổ máy tổng lưu lượng 90.200 m³/h để tiêu úng. Các cơ quan của huyện phối hợp với các xã, thị trấn tiếp tục xử lý mái thượng lưu vị trí mạch đùn khu vực xảy ra sự cố mạch đùn trên đê Mỹ Hà đoạn thuộc địa bàn xã Hương Sơn; cắt tỉa cây xanh bị đổ, gãy trên các tuyến đường giao thông; khắc phục các công trình bị ảnh hưởng do bão, như: Trạm bơm Phù Lưu Tế, Xuy Xá, Đại Nghĩa, Phúc Lâm, Đốc Tín...; chủ động ứng trực, chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện, sẵn sàng thực hiện theo phương châm "4 tại chỗ" khi có mưa lớn, úng ngập xảy ra; bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân. Các xã, thị trấn của huyện đã huy động lực lượng trên 6.200 lượt người; 80 ô tô các loại; 19 máy súc; 2 cưa máy; 20 thuyền; 2 máy bơm; khoảng trên 2.600m³ cát; trên 620m³ đất; trên 71.500 chiếc bao tải; cuốc, xẻng, cọc tre, bạt... để đắp bao tải đất, cát để chống tràn trên các tuyến đê, các trạm bơm; thu hoạch lúa mùa cho Nhân dân...
Sau khi nghe báo cáo nhanh của huyện Mỹ Đức, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã đánh giá cao sự chủ động của huyện Mỹ Đức trong việc phòng, chống mưa bão. Trực tiếp thị sát tình hình mưa lũ tại thôn Đồng Chiêm, xã An Phú khu vực dân cư đang bị ngập sâu do mưa lũ. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Mỹ Đức kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu yếu phẩm nhằm kịp thời hỗ trợ các hộ dân thôn Đồng Chiêm cũng như nhân dân huyện Mỹ Đức sớm vượt qua những khó khăn, thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Bên cạnh đó, cần kịp thời sơ tán các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm nhằm bảo đảm an toàn cao nhất cho nhân dân trong bối cảnh mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp.Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Mỹ Đức bám sát các chỉ đạo của Trung ương, thành phố về phòng, chống bão lụt, kịp thời ứng phó với mọi tình huống trên tinh thần bảo đảm an toàn cao nhất cho người dân. Đặc biệt, cần quan tâm, hỗ trợ kịp thời các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng yếu thế, người già, trẻ em trong thời gian mưa lũ.
Bảo đảm nhu yếu phẩm cho nhân dân
Dự báo tình trạng ngập úng sau mưa, bão tại Mỹ Đức sẽ vẫn còn lớn do đó Bí thư huyện ủy Mỹ Đức Nguyễn Anh Dũng cho biết, cùng với việc chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện để ứng phó kịp thời theo phương châm "4 tại chỗ", huyện Mỹ Đức sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc cứu trợ, hỗ trợ cho các hộ dân bị cô lập do ngập; bảo đảm các nhu cầu thiết yếu, như: Nước, lương thực, thực phẩm, chất đốt, đèn thắp sáng cho nhân dân. Bên cạnh đó, huyện cũng triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn về điện, đuối nước và thực hiện công tác vệ sinh môi trường sau bão, mưa úng.Tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác vệ sinh môi trường sau bão, mưa úng. Huyện uỷ, UBND huyện, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện tiếp tục kiểm tra và chỉ đạo kịp thời khi có tình huống xảy ra để đảm bảo ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân
Đồng thời tiếp tục chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, công tác vệ sinh môi trường sau bão, mưa úng và công tác phòng, chống sạt lở, mưa, lũ rừng ngang… và các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thành phố; kiểm tra, chủ động ứng phó sự cố đê điều, thuỷ lợi theo phương châm 4 tại chỗ; đảm bảo tuyệt đối tính mạng của người dân; hỗ trợ kịp thời nhu yếu phẩm thiết yếu, không ai bị đói, không có chỗ ở; điều tiết, phân luồng giao thông kịp thời đảm bảo an toàn tại các điểm ngập, úng; Tiếp tục chỉ đạo Nhân dân thu hoạch lúa Mùa chuẩn bị các điều kiện cho sản xuất vụ Đông 2024-2025…phối hợp, tổ chức thực hiện việc hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng do thiên tai gây ra và khôi phục sản xuất ổn định đời sống sau mưa, bão, úng.
Về công tác cứu trợ, tính đến ngày 15/9, đã có khoảng 141 tổ chức, cá nhân hỗ trợ người dân các xã: Hợp Thanh, Hợp Tiến, An Phú, Phúc Lâm…Nhằm mang đến cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn có được mùa Trung thu ý nghĩa chiều ngày 16/9, Ban thường vụ Huyện ủy đã phối hợp ạp chí “Tình thương và Cuộc sống” tổ chức chương trình“ Trao Yêu Thương - Trung Thu Ấm Tình” nhân dịp Tết Trung thu năm 2024.
Những năm qua huyện Mỹ Đức đã chủ động dành nhiều sự quan tâm cho người nghèo, người yếu thế các đối tượng gia đình chính sách và các em có hoàn cảnh khó khăn… Theo thống kê toàn huyện có 482 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn chính vì vậy, việc kết nối, kêu gọi các mạnh thường quân tổ chức Trung thu cho trẻ em bị khuyết tật, các em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em bị ảnh hưởng của cơn siêu bão số 3 rất có ý nghĩa. Nó chính là nguồn động viên tinh thần rất lớn cho các em nhỏ và gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Được biết, tại Chương trình, ban tổ chức và các nhà tài trợ đã trao tặng 240 gói quà với trị giá 800.000đ/1 suất dành tặng cho 240 trẻ khuyết tật và 60 gói quà trị giá 500.000đ/1 suất dành cho trẻ mồ côi; Ban tổ chức và nhà tài trợ có 300 phần quà bao gồm: sữa bột, bánh trung thu, đường, gạo, mì tôm, Nước mắm, đồ chơi.... cho 300 cháu và nhiều phần quà như kẹo bánh, sữa nước đến từ các nhà tài trợ.