Vùng mỏ vượt khó sau bão dữ
Thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra tại Quảng Ninh rất nặng nề, ước tính sơ bộ khoảng 23.770 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa số thiệt hại của toàn quốc. Ngay khi bão dứt, Quảng Ninh bắt tay vào khắc phục hậu quả, tái thiết để tỉnh tiếp tục duy trì mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
Khẩn trương phục hồi sản xuất
Một sự cố ngoài tính toán của ngành than tại Quảng Ninh, đó là hệ thống điện lưới bị mất trên diện rộng, khiến hàng loạt đơn vị khai thác phải tạm dừng sản xuất sau bão số 3.
Không chỉ mất điện lưới, hàng loạt đơn vị của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) còn phải chịu thiệt hại nặng nề. Nhiều hệ thống điện, mái tôn, công trình, kiến trúc, cây xanh, nhà xưởng, kho, bến bãi sản xuất bị hư hỏng nặng. Một số tuyến băng tải, trạm điện, cột bơm, cấp phát nhiên liệu bị mưa gió làm hư hỏng gây gián đoạn sản xuất.
Tại Công ty Kho vận Đá Bạc (TP Uông Bí), tuyến đường sắt vận chuyển than từ mỏ Vàng Danh ra cảng Điền Công có 3 vị trí bị sạt lở đất đá gây ách tắc, gián đoạn khâu vận chuyển than đi tiêu thụ.
Các đơn vị khác như Than Mông Dương, Khe Chàm, Hạ Long có điện lưới từ ngày 10/9. Các đơn vị kho vận, sàng tuyển, chế biến kinh doanh than cũng giữ được sự ổn định của toàn bộ hệ thống sản xuất, khẩn trương khắc phục hậu quả của bão và nhanh chóng sản xuất trở lại. Đến thời điểm này, cơ bản các đơn vị vùng than Cẩm Phả đã được cấp điện lưới trở lại để tổ chức sản xuất 3 ca; công tác khắc phục hậu quả của bão số 3 và mưa lớn cũng được triển khai khẩn trương để sản xuất, kinh doanh trở lại hoạt động bình thường, ổn định việc làm và đời sống cho người lao động.
Kiểm tra khắc phục ảnh hưởng của bão số 3 tại các đơn vị vùng Cẩm Phả vừa qua, ông Ngô Hoàng Ngân - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam chỉ đạo, dù bão đã qua, nhưng các đơn vị không chủ quan, tiếp tục theo dõi, củng cố các đường lò, máy phát điện, bơm nước; triển khai phương án khẩn cấp, chống ngập mỏ khi có sự cố...
Ngoài các đơn vị ngành than, hạ tầng cơ sở các khu công nghiệp ven biển của Quảng Ninh cũng bị hư hại nặng nề. Nhưng ngay sau bão số 3, các khu công nghiệp này đã sớm khởi động lại các hoạt động sản xuất, góp phần ổn định cho các hoạt động phát triển kinh tế của tỉnh.
Ngành du lịch “rũ bùn”
Có mặt tại TP Hạ Long vào thời điểm trước và sau bão số 3 đổ bộ, mới thấy sức tàn phá ghê gớm của thiên tai. Các khu phố sầm uất với những nhà hàng nằm san sát nhau, sau bão trơ ra những khung nhôm, biển hiệu bị bão xé toang; trên mặt đường la liệt những vụn kính vỡ; loạt cây xanh ven đường, cùng cột điện bị gãy đổ; 26 tàu tham quan, lưu trú trên Vịnh Hạ Long bị bão đánh chìm; hàng trăm tàu du lịch khác bị hư hại…
Nhưng rất nhanh, những dấu hiệu tích cực đã trở lại ngay sau bão. Ngày 10/9, ngày đầu tiên đón khách sau siêu bão, Vịnh Hạ Long đã đón gần 4.000 khách tham quan, chủ yếu là khách quốc tế...
Ông Vũ Quyết Tiến - Bí thư Thành ủy Hạ Long, cho biết: “Việc khắc phục hậu quả của cơn bão để đời sống của bà con, hoạt động của doanh nghiệp quay trở lại bình thường sẽ là nhiệm vụ quan trọng nhất của thành phố trong thời điểm này. Vì vậy, chúng tôi phải huy động tổng lực để trong thời gian sớm nhất người dân Hạ Long ổn định cuộc sống”.
Tại cuộc họp giao ban ngày 16/9, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh đặt mục tiêu quyết tâm vừa khắc phục hậu quả thiên tai, vừa khôi phục sản xuất kinh doanh; phấn đấu giữ vững tăng trưởng kinh tế 2 con số năm 2024.