Đối tượng thụ hưởng đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ từ cơ sở
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhận xét: Việc rà soát, lựa chọn đối tượng thụ hưởng được thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ từ ơ sở; đúng đối tượng, đúng định mức, không chồng chéo, có sự tham gia, ý kiến thống nhất của người dân và cộng đồng nơi bình xét
Ngày 18/9, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng chủ trì Hội nghị đánh giá sau giám sát việc triển khai thực hiện Dự án 1 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 (gọi tắt là Dự án 1) tại tỉnh Cà Mau.
Hội nghị đánh giá, Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tế, nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của đồng bào DTTS và người dân trên địa bàn các xã, ấp, khóm đặc biệt khó khăn của tỉnh Cà Mau.
Tổng thể những kết quả mang lại thông qua việc thực hiện các nội dung hỗ trợ của Chương trình đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS theo hướng tích cực; cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong vùng DTTS của tỉnh đã được quan tâm đầu tư nhiều hơn và về cơ bản đã đảm bảo được các điều kiện cần thiết cho sản xuất và dân sinh trong vùng.
Việc rà soát, lựa chọn đối tượng thụ hưởng được thực hiện công khai, dân chủ từ cơ sở; đúng đối tượng, đúng định mức, không chồng chéo, có sự tham gia, ý kiến thống nhất của nhân dân tại thon, bản nơi bình xét. Ưu tiên lựa chọn các đối tượng khó khăn hơn như: Hộ dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù; đối tượng là nữ dân tộc thiểu số; đối tượng thuộc nhóm bị ảnh hưởng do thiên tai trên địa bàn; người dân tộc kinh, nghèo, sinh sống trong địa bàn đặc biệt khó khăn…
Một số kết quả cụ thể như: Tổng vốn năm 2023 hơn 15,3 tỉ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương hơn 14 tỉ đồng, ngân sách tỉnh đối ứng trên 1,1 tỉ đồng đã thực hiện hỗ trợ và giải ngân được trên 15,2 tỉ đồng, đạt trên 99% kế hoạch vốn được giao.
Giai đoạn từ năm 2021-2025, số hộ cần được hỗ trợ nhà ở là 754 hộ. Kết quả thực hiện đến hết năm 2023, đã phê duyệt hỗ trợ cho 283 hộ với tổng vốn thực hiện 12,5 tỉ đồng đã giải ngân được trên 12,4 tỉ đồng...
Tổng số hộ cần hỗ trợ chuyển đổi nghề là 522 hộ. Kết quả thực hiện đến hết năm 2023 đã phê duyệt hỗ trợ cho 201 hộ với tổng vốn thực hiện hỗ trợ và giải ngân là khoảng 2 tỉ đồng đạt 100% kế hoạch vốn được giao đến hết năm 2023.
Bên cạnh đó việc thực hiện hỗ trợ nước sinh hoạt với tổng số hộ cần hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán 1.743 hộ đến hết năm 2023 đã thực hiện hỗ trợ 406 hộ với tổng vốn thực hiện và giải ngân trên 1,2 tỉ đồng đạt 100% kế hoạch vốn. Riêng các hộ gia đình được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để tự ổn định chổ ở, xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở, tạo quỹ đất sản xuất và học nghề và chuyển đổi nghề là 176 hộ với tổng số tiền đã giải ngân trên 6,5 tỉ đồng.
Tại hội nghị các đại biểu, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, lãnh đạo các địa phương đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực hiện công tác giám sát của Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, Ban Thanh tra nhân dân đối với việc triển khai Dự án 1.
Các đại biểu cũng trao đổi, chia sẻ những cách làm sáng tạo, hiệu quả trong việc đổi mới nội dung và cách thức giám sát phù hợp với điều kiện thực tế tại mỗi địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời nêu những khó khăn trong quá trình triển khai thưc hiện dự án như: tiến độ triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình trong đó có Dự án 1 tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn khá chậm; Chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề (thay cho đất sản xuất) có định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thấp không quá 10 triệu đồng/hộ) thật sự chưa phát huy được hiệu quả trong việc hỗ trợ thoát nghèo cho đối tượng thụ huởng; quy định thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp hỗ trợ đất ở chưa rõ ràng…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả Dự án 1 mà tỉnh Cà Mau thực hiện, nhất là việc rà soát, lựa chọn đối tượng thụ hưởng được thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ từ cơ sở; đúng đối tượng, đúng định mức, không chồng chéo, có sự tham gia, ý kiến thống nhất của người dân và cộng đồng nơi bình xét. Ưu tiên lựa chọn các đối tượng khó khăn hơn như: Hộ dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù; đối tượng là nữ dân tộc thiểu số; đối tượng thuộc nhóm bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên địa bàn…
“Kết quả triển khai thực hiện Chương trình trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã đóng góp quan trọng đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân tại vùng DTTS; hạ tầng giao thông trong vùng đã được cải thiện để tăng cường giao thương, lưu thông hàng hóa và đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân; hệ thống các công trình thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất; kết cấu hạ tầng văn hóa - xã hội được quan tâm đầu tư, nhiều chương trình, dự án thực hiện trong vùng đã hoàn thành đưa vào sử dụng và đã phát huy được hiệu quả thiết thực góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển giữa vùng DTTS với các vùng khác của tỉnh; hướng đến giảm dần được số lượng xã, ấp đặc biệt khó khăn trong năm 2025”, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, các chính sách hỗ trợ có tác động trực tiếp đến đồng bào DTTS, đặc biệt là các nội dung hỗ trợ thuộc Dự án 1 của Chương trình đã được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện khá quyết liệt; đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, những yêu cầu cấp thiết về điều kiện sống, điều kiện sinh hoạt của hộ nghèo vùng đồng bào DTTS, giúp nhiều hộ từng bước ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng thông tin thêm, những ý kiến trao đổi trong Hội nghị sẽ được Đoàn giám sát tiếp thu, tổng hợp gửi Ban Thường trực để làm cơ sở hoàn thiện những nội dung liên quan đến triển khai thực hiện Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian tới một cách hiệu quả, thiết thực.