Chương trình MTQG 1719 góp phần thay đổi vùng đồng bào DTTS huyện Đắk Hà
Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã làm đổi thay toàn diện đời sống kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS huyện Đắk Hà (Kon Tum). Tạo nên những bước chuyển biến sâu sắc và tích cực trong tư tưởng, nhận thức, đời sống của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện nói chung và trong vùng đồng bào DTTS nói riêng.
Huyện Đắk Hà có 10 xã và một thị trấn, với 84 thôn, tổ dân phố. Trong đó, có 51 thôn, làng đồng bào DTTS. Tính đến cuối năm 2023, toàn huyện có 18.820 hộ, với tổng số 86.461 nhân khẩu, đồng bào DTTS chiếm 51,43%, với 28 thành phần dân tộc sinh sống. Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, dưới sự chỉ đạo của Thường trực Huyện uỷ, các cấp, ngành, các tổ chức chính trị- xã hội trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện đồng bộ các Đề án, Chương trình, chính sách dân tộc.
Theo bà Bùi Thị Hoàng Oanh, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đắk Hà, để Chương trình MTQG 1719 và những chính sách dân tộc đi vào thực tiễn, phát huy hiệu quả, trong thời gian qua, huyện Đắk Hà đã kịp thời lập kế hoạch, xây dựng chương trình công tác dân tộc với các chỉ tiêu cụ thể và tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Rà soát chặt chẽ, đăng ký danh mục đầu tư cơ sở hạ tầng vùng DTTS đảm bảo nội dung chương trình và có sự ưu tiên để kịp thời khắc phục những khó khăn cho địa bàn xã vùng III, thôn đặc biệt khó khăn.
Trong giai đoạn 2019-2024, huyện Đắk Hà đã triển khai thực hiện 11 Dự án, chính sách do Trung ương ban hành với tổng nguồn vốn trên 727 tỷ đồng. Huyện đã ưu tiên đầu tư phát triển các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng nông thôn. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện 15 mô hình da dạng hóa sinh kế, giảm nghèo bền vững; đào tạo nghề, tạo việc làm cho trên 4.000 lao động nông thôn; xây dựng 158 mô hình trên các lĩnh vực, thu hút 5.164 hộ gia đình đồng bào DTTS trên địa bàn huyện tham gia... Riêng Chương trình MTQG 1719, từ năm 2022 đến nay với nguồn vốn hơn 187 tỷ đồng, huyện Đắk Hà đã triển khai hỗ trợ đất ở cho 3 hộ nghèo thiếu đất ở, hỗ trợ nhà ở cho 10 hộ nghèo; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 609 hộ; đầu tư 107 công trình dân sinh phục vụ giao thông, sản xuất, sinh hoạt dạy và học...
Cùng việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, huyện Đắk Hà còn triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”. Trong hơn 3 năm qua, toàn huyện đã xây dựng được 158 mô hình trên các lĩnh vực, thu hút 5.164 hộ gia đình đồng bào DTTS trên địa bàn huyện tham gia. Qua triển khai thực hiện Cuộc vận động, phần lớn đồng bào DTTS đã nắm được các chính sách ưu tiên của Đảng, Nhà nước và từng bước biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo vườn tạp… để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 và các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn huyện Đắk Hà đã đem lại kết quả nhất định. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn được duy trì ổn định và tăng ở mức cao, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân vùng đồng bào DTTS được cải thiện và nâng lên; rút ngắn khoảng cách phát triển giữa vùng sâu, vùng xa với vùng thuận lợi trên địa bàn huyện.
Nhờ đó, hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Đắk Hà giảm nhanh qua từng năm. Toàn huyện còn 805 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,28% và 598 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,18%; thu nhập bình quân đầu người tăng hằng năm; bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS được bảo tồn và phát triển. Đến nay, huyện có 9/10 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 10/10 xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế; 100% Trạm y tế cấp xã có bác sĩ và có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; có 98% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...
Sự đổi thay ở các thôn, làng vùng đồng bào DTTS huyện Đắk Hà là minh chứng cho sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS trong lao động sản xuất. Đây là nền tảng quan trọng để nhân dân các dân tộc huyện Đắk Hà tiếp tục kề vai sát cánh, chung sức đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng phát triển.