Hà Nội đề xuất thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công
Trung tâm Phục vụ hành chính công sẽ tháo gỡ các điểm “nghẽn” và giải quyết tình trạng “ách tắc” trong giải quyết thủ tục hành chính trong các lĩnh vực: đất đai, đầu tư, quy hoạch, xây dựng.
UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND TP Hà Nội về việc xem xét thông qua Đề án thí điểm và thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội. Theo đó, từ thực tiễn thí điểm Trung tâm phục vụ hành chính công cấp phường cho thấy, từ ngày 10/10/2023, UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện thí điểm Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp phường tại phường Trần Hưng Đạo là điểm tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính chung của UBND 3 phường: Trần Hưng Đạo, Cửa Nam,Hàng Trống.
Đến ngày 15/4/2024, quận Hoàn Kiếm tiếp tục triển khai Trung tâm phục vụ hành chính công số 2 tại phường Hàng Mã (ghép bộ phận một cửa 3 phường Hàng Mã, Hàng Bồ, Cửa Đông) và Trung tâm phục vụ hành chính công số 3 tại phường Chương Dương (ghép bộ phận một cửa 2 phường Chương Dương, Phúc Tân). Sau một thời gian thí điểm, công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính ở 3 Trung tâm Phục vụ hành chính công của quận Hoàn Kiếm đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Đơn cử như: Giải quyết được nhiều hồ sơ trong cùng một lúc, cá nhân, tổ chức không phải chờ đợi lâu do cán bộ của các phường cùng tiếp nhận và hướng dẫn, hỗ trợ, tiếp nhận và trả kết quả ngay; Hình thành cơ chế bắt buộc đối với việc luân chuyển và giải quyết hồ sơ trên môi trường số; đẩy mạnh việc trả kết quả điện tử cho công dân.
Từ đó, UBND TP Hà Nội khẳng định: Việc triển khai thí điểm mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội là bước đi tất yếu, trên cơ sở kế thừa những kết quả đã đạt được từ “Mô hình Bộ phận Một cửa hiện đại” của Thành phố nhằm nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh mới.
Theo UBND TP Hà Nội, hiện nay, toàn thành phố có 677 Bộ phận Một cửa được bố trí tại các địa điểm thuận tiện cho việc tiếp nhận và trả kết quả, giúp người dân dễ tiếp cận (thường đặt tại vị trí trung tâm của trụ sở đơn vị). Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn tăng cao qua từng năm, cải thiện, nâng cao mức độ hài lòng của người dân.
Thế nhưng, điểm nhấn của mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công lần này sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập của mô hình Bộ phận Một cửa “truyền thống” như: Thiếu tính độc lập; Chưa có cơ quan chuyên trách cấp Thành phố với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và công cụ để điều phối, giám sát, kiểm soát việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính công khai, minh bạch; Chưa thực sự chú trọng đến cải thiện mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân.
Hà Nội nêu ra quan điểm rằng, việc thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công Hà Nội là cơ quan chuyên trách về tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính phù hợp với xu hướng quốc tế, khu vực, trong nước; là sự cải tiến toàn diện xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, trên cơ sở kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm của việc thí điểm thành lập Trung tâm Hành chính công tại một số phường thuộc Thành phố và trên nền tảng khắc phục những tồn tại, hạn chế từ các mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công đang được triển khai tại các tỉnh, thành trong cả nước.
Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ mô hình Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Bắc Ninh và mô hình Trung tâm Hành chính công thuộc các sở, ngành của UBND 56 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội được xây dựng là một mô hình cải tiến toàn diện, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của các mô hình đã triển khai tại các địa phương trên cả nước. Với tính độc lập trong tổ chức, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và quy trình số hóa, mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công, tăng cường tính chuyên nghiệp, hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính.
Cụ thể, sẽ chuyên nghiệp hóa quy trình và nâng cao năng suất: Tại Hà Nội, quá trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ xác định được số hóa hoàn toàn, từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả, giúp tối ưu hóa thời gian và công sức. Quy trình này được tự động hóa và liên thông giữa các sở, ban, ngành và UBND các cấp, bảo đảm theo dõi, giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, minh bạch. Điều này tạo sự khác biệt với quy trình của Trung tâm Hành chính công nhiều tỉnh, thành khác. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa. Mô hình của Hà Nội nhấn mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa toàn bộ quy trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ.
Tối đa hóa phạm vi tiếp nhận thủ tục hành chính tại một địa điểm theo hướng tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính, dịch vụ công không phụ thuộc vào địa giới hành chính; giảm đầu mối bộ phận một cửa riêng lẻ tại các cơ quan nhà nước, bảo đảm mỗi người dân đều có thể tiếp cận với các dịch vụ công được cung cấp trong bán kính dưới 30 phút di chuyển hoặc trong vòng bán kính không quá 5 km, phục vụ 24/7. Tăng khả năng tiếp cận, tạo thuận tiện cho tổ chức, cá nhân trong tìm hiểu, thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, đặc biệt là người có kỹ năng công nghệ thông tin thấp.
Hà Nội tính toán rằng, việc thành lập Trung tâm sẽ giảm số lượng công chức, viên chức tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” giúp tiết kiệm hơn 13,3 tỷ đồng/tháng ngân sách nhà nước trong trả lương, phúc lợi và các chi phí liên quan.