Sức khỏe

Khẩn trương cứu chữa và hỗ trợ người bệnh vùng bão lũ

Đức Trân 19/09/2024 06:45

Sau bão lũ, người dân lại phải đối diện với ốm đau, bệnh tật. Gánh nặng đè lên vai ngành y tế các vùng bị ảnh hưởng. Thấu hiểu được những khó khăn đó, các bệnh viện tuyến trung ương đã đồng lòng chia sẻ với đồng bào vùng lũ.

DDK 263_2024_Chinh_DB-1
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cùng y, bác sĩ khám sức khỏe cho người dân vùng chịu ảnh hưởng bão lũ. Ảnh: BVCC.

Dồn lực cứu người

Bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu sau bão đã gây ra những thiệt hại nặng nề ở nhiều địa phương phía Bắc. Nhiều khu vực bị cô lập, chìm trong biển nước, khiến số lượng bệnh nhân tăng vọt, trong khi hệ thống y tế tại các tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên… và các tỉnh bị ảnh hưởng đang gặp vô vàn khó khăn.

Mặc dù nhiều cơ sở y tế bị hư hại do mưa lũ và sạt lở, các bệnh viện (BV), trung tâm y tế và trạm y tế vẫn duy trì hoạt động, đảm bảo cứu chữa kịp thời nạn nhân bị vùi lấp, chấn thương... Nhiều nhân viên y tế đã dầm mình trong mưa lũ cùng người dân đối phó và khắc phục hậu quả… Tại một số BV ở thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, do mất điện lưới kéo dài, nhiên liệu chạy máy phát điện hết, nên đã huy động nhân viên bóp bóng bằng tay, tận tâm, hết lòng cứu sống người bệnh. Theo báo cáo nhanh của các địa phương, cho đến nay không có trường hợp nào không được cấp cứu, điều trị kịp thời.

Trong khi đó, tại các BV tuyến trên, công tác cứu chữa người bệnh nặng từ các tỉnh bị lũ lụt, sạt lở đất chuyển về được ưu tiên ở cấp độ cao nhất. Nhiều nơi đã xuyên đêm tổ chức mổ cấp cứu, nỗ lực hết mình để cứu chữa cho người bệnh.

Ghi nhận tại BV Bạch Mai vào 0 giờ 30 phút ngày 12/9/2024, Trung tâm Hồi sức tích cực của BV tiếp nhận bệnh nhân H.V.V. (nam, 31 tuổi), địa chỉ thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) trong tình trạng nguy kịch. Đây là nạn nhân bị lũ quét tại thôn Làng Nủ. Trước đó, vào lúc 6 giờ ngày 10/9/2024 cả thôn bị lũ quét, khoảng 7 giờ nạn nhân được phát hiện trong tình trạng rất nặng, được sơ cứu và đưa vào BV huyện Bảo Yên cấp cứu. Bệnh nhân sau đó được chuyển tới Trung tâm Hồi sức tích cực (BV Bạch Mai) trong tình trạng rất nặng. Ngay khi vào viện, các bác sĩ đã nhanh chóng thực hiện nhiều kỹ thuật để cấp cứu người bệnh như thở máy theo chiến lược bảo vệ phổi, lọc máu liên tục loại bỏ cytokin. Đồng thời, ngay trong đêm, BV đã huy động các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành tham gia hội chẩn, đưa ra phác đồ tốt nhất để cứu chữa bệnh nhân.

Được biết, hiện nay BV Bạch Mai cũng đang tập trung cứu chữa cho một trường hợp bệnh nhi M.H.T.N. (nữ, 11 tuổi), cũng là nạn nhân trong vụ sạt lở do lũ quét tại thôn Làng Nủ.

PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc BV Bạch Mai chia sẻ: “Đối với các trường hợp nạn nhân được chuyển đến điều trị tại BV từ các địa phương chịu ảnh hưởng của bão lũ, các chuyên khoa của BV Bạch Mai đã nhanh chóng tiếp nhận và tập trung mọi nguồn lực và vật lực tốt nhất để cứu chữa, điều trị. Đây là sự đóng góp thiết thực giảm đi một phần đau thương mất mát cho người dân vùng lũ”.

Là BV ngoại khoa tuyến cuối, những ngày qua, BV Hữu nghị Việt Đức cũng đã tiếp nhận cấp cứu các trường hợp bị chấn thương nghiêm trọng sau vụ sạt lở tại Yên Bái, Cao Bằng… Ngoài ra, các bác sĩ đầu ngành cũng đã liên tục hội chẩn cấp cứu các trường hợp nặng, kịp thời xử trí tổn thương cho người bệnh trong điều kiện không thể chuyển lên tuyến trên.

TS Dương Đức Hùng - Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức cho biết, trong những ngày qua, có rất nhiều trường hợp cấp cứu do ảnh hưởng của bão lũ, do vậy BV duy trì hội chẩn online 24/24 giờ với tất cả các đầu cầu phía bắc để kịp thời chỉ đạo, hỗ trợ chuyên môn. Trong trường hợp cần thiết, BV sẽ tăng cường ê-kíp bác sĩ cho tuyến dưới.

anhbai tr13
Bệnh viện Bạch Mai tập trung mọi nguồn lực và vật lực tốt nhất để cứu chữa, điều trị nạn nhân bão lũ. Ảnh: BVCC.

Những món quà vô giá

Không chỉ nỗ lực cứu chữa các bệnh nhân bị thương tích do bão lũ, ngành y tế nói chung và các BV trên cả nước nói riêng còn triển khai nhiều hoạt động thiết thực để hỗ trợ bà con ở các địa phương bị thiệt hại nghiêm trọng sau cơn bão số 3.

Nhiều tỷ đồng đã được các BV phát động toàn thể cán bộ, viên chức người lao động tại các BV Bạch Mai, Việt Đức, E, Đại học Y Hà Nội, Nhi Trung ương… tham gia quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 gây ra.

Đặc biệt hơn, ngày 13/9 vừa qua, BV Hữu nghị Việt Đức tổ chức chương trình hiến máu nhân đạo ủng hộ đồng bào đang cần gấp nguồn máu cứu trợ. Chương trình hiến máu nhân đạo “Blouse trắng – Trái tim hồng” diễn ra với sự tham gia của đông đảo tập thể cán bộ, viên chức, người lao động của BV. Mỗi giọt máu hiến tặng không chỉ là sự hỗ trợ thiết thực mà còn là một hành động nhân văn nhằm ủng hộ cho các nạn nhân bị tai nạn và thương tổn nghiêm trọng do bão lũ.

anh them
Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khám sức khỏe cho người dân vùng chịu ảnh hưởng bão lũ. Ảnh: BVCC.

Ngay ngày hôm sau, BV Hữu nghị Việt Đức đã mang theo món quà vô giá nói trên tới Lào Cai, khi kho máu ở BV đa khoa tỉnh này đang sắp cạn. Cùng với đó là 300 triệu đồng hỗ trợ khẩn cấp và 12 chuyên gia hàng đầu trong phẫu thuật chấn thương, phẫu thuật thần kinh và hồi sức tích cực để trực tiếp thăm khám người bệnh, phân loại thương tổn, chia sẻ những kinh nghiệm chuyên môn quan trọng để giúp bệnh nhân có thể vượt qua giai đoạn nguy hiểm.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh – Phó Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức, Trưởng đoàn công tác chia sẻ: “Khi địa bàn bị chia cắt, rất nhiều bệnh nhân đa chấn thương nặng, cần phải truyền máu hoặc có những ca phẫu thuật lớn, ví dụ như gãy xương chậu, đa chấn thương, chấn thương cột sống, thì nhu cầu truyền máu, các chế phẩm từ máu là rất cần thiết, do vậy BV Hữu nghị Việt Đức đã tổ chức chương trình hiến máu nhân đạo, với gần 500 lượt cán bộ, công nhân viên y tế, người lao động BV tham gia. Chúng tôi đã chuyển lên đây để bổ sung, phục vụ cho việc phẫu thuật, truyền máu cho bệnh nhân trên này.

Bên cạnh đó, BV cũng hỗ trợ 100 triệu đồng cho gia đình nhân viên y tế làm việc tại trạm y tế xã Tả Củ Tỉ (huyện Bắc Hà, Lào Cai) thiệt mạng do bị lũ cuốn khi làm nhiệm vụ và hỗ trợ BV đa khoa huyện Bảo Yên số tiền 300 triệu đồng để khắc phục khó khăn trước mắt, đồng thời trực tiếp hỗ trợ nhân viên y tế phân loại tổn thương, hướng dẫn điều trị cho người bệnh”.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh cũng khẳng định: Đến trực tiếp mới thấy hậu quả nặng nề của mưa bão, sạt lở đất. BV Việt Đức luôn sẵn sàng hội chẩn trực tuyến và hỗ trợ trực tiếp cho các BV tuyến dưới về mặt chuyên môn trong trường hợp cần thiết. Với trường hợp bệnh nhân nặng đang được điều trị tại BV Việt Đức, chúng tôi vẫn đang nỗ lực, tập trung mọi máy móc, thuốc men, nhân lực tốt nhất để cứu chữa người bệnh.

Trong khi đó, ngày 17/9, Đoàn công tác của BV Đại học Y Hà Nội do PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội làm trưởng đoàn, đã đến khám bệnh, cấp thuốc và cứu trợ đồng bào vùng lũ tại huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn). Tại buổi khám bệnh, khoảng 400 người dân thị trấn Bằng Lũng được các y, bác sĩ BV Đại học Y Hà Nội đo huyết áp, khám lâm sàng, điện tim, siêu âm, khám mắt..., tư vấn sức khỏe và phát thuốc miễn phí theo tình trạng bệnh.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết: Lần này, trong chương trình tái thiết sau cơn bão số 3, BV chủ động lên kế hoạch lên chậm hơn 1 tuần sau lũ về vì trong lũ cũng không giúp được gì nhiều về y tế. Nước rút, dịch bệnh và các vấn đề cung ứng trong chăm sóc sức khỏe mới phát sinh.

Ngoài ra, nâng cao năng lực y tế ở các địa phương nghèo là một nhiệm vụ khó khăn nhưng vô cùng quan trọng để an sinh xã hội. Nhận được thông tin đề nghị trợ giúp của Bắc Kạn, một trong các tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất trong cơn bão số 3.

Trong đó, xã Nam Cường (huyện Chợ Đồn) là địa phương hiện vẫn đang bị ngập lụt rất nặng, để góp phần giúp bà con nhanh chóng ổn định cuộc sống sau bão lũ, BV Đại học Y Hà Nội đã tổ chức chương trình khám, cấp phát thuốc miễn phí và cứu trợ khẩn cấp sau mưa lũ cho bà con nhân dân tại huyện Chợ Đồn.

Đức Trân