Cứu trợ cũng cần thay đổi
Khi bão lũ xảy ra thì những thùng mì tôm rất cần thiết để người dân không bị đói. Nhưng đến giai đoạn khắc phục hậu quả bão lũ thì người dân cần thêm các loại nhu yếu phẩm khác.
Hiện tại, nhiều khu vực bị ngập lụt, sạt lở, lũ quét người dân đang rất cần mắm muối, thuốc đánh răng, bột giặt, những loại thuốc thông dụng... Tuy nhiên, nhiều đoàn cứu trợ vẫn đưa đến chủ yếu là mì tôm, bánh mì và sữa, vừa gây lãng phí vừa không đúng với nhu cầu thực tế.
Suốt những ngày qua, nhiều đoàn hỗ trợ từ các tỉnh, thành vượt khó khăn gấp rút đem hàng hóa tới cho bà con vùng lũ miền núi phía Bắc. Những chuyến hàng gói ghém những tấm lòng yêu thương, sẻ chia gian khó với đồng bào của mình. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, sự hỗ trợ kịp thời làm ấm lòng người dân vùng lũ, tiếp thêm sức mạnh để bà con đứng lên.
Tuy nhiên, theo diễn biến của thiên tai, công tác cứu trợ cũng cần thay đổi để phù hợp với thực tế. Do không nắm chắc tình hình địa phương bị lũ lụt nên có khi việc cứu trợ không thật hiệu quả. Cụ thể là nơi thì nhận được quá nhiều hàng hóa hỗ trợ, nơi lại không có. Có khi người dân đang rất cần cái này thì lại nhận được hỗ trợ cái khác. Do không cập nhật được thông tin nên sự cứu trợ giảm hiệu quả.
Khi thiên tai mới xảy ra, người dân bị kiệt sức vì đói rét thì rất cần nhu yếu phẩm để tồn tại. Lúc đó, thực phẩm sử dụng được ngay như bánh chưng, bánh tét, bánh mì, trứng luộc, lương khô, nước sạch, đồ hộp... là rất cần thiết. Nhưng sau giai đoạn cứu hộ ngay lập tức thì cần phải tính đến việc hỗ trợ để người dân phục hồi ngắn hạn cũng như dài hạn.
Để việc cứu trợ đạt hiệu quả cao, ở giai đoạn này việc cứu trợ càng cần có sự phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và chính quyền địa phương vùng lũ, để có được thông tin chính xác về diễn biến lũ lụt và nhu cầu của người dân cần gì nhất. Cũng có nghĩa là cần biết nhu cầu của người bị ảnh hưởng để đáp ứng thứ họ cần chứ không phải thứ mình có hoặc nghĩ là họ cần.
Khi nước lũ đã rút, hạ tầng dần được khôi phục, không còn những bản làng bị cô lập do nước lũ thì người dân rất cần được tiếp sức để bắt đầu lại cuộc sống. Cũng cần lưu ý rằng sau thời gian chống chọi với bão lũ, trong điều kiện ăn uống thiếu thốn và vệ sinh không đảm bảo, người dân đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe. Vì vậy, những loại thuốc thông dụng trong thời điểm này sẽ đặc biệt hữu ích với bà con.
Việt Nam là quốc gia chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu. Những năm qua, các hình thái thời tiết cực đoan diễn biến rất phức tạp. Vì thế công tác phòng chống nhằm kéo giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, cũng như công tác hỗ trợ/cứu trợ vẫn sẽ luôn phải trong tư thế sẵn sàng.
Những bài học kinh nghiệm sẽ được rút ra sau những đợt hỗ trợ/cứu trợ để công tác này ngày càng chủ động, hiệu quả; đúng lúc, đúng nơi, đúng cách. Và ngay trong đợt hỗ trợ người dân vùng lũ lần này, khi đã qua giai đoạn cứu trợ ngay lập tức thì nay cần có sự điều chỉnh về các loại hàng hóa hỗ trợ cần thiết và thiết thực.
Cần thực hiện từ thiện/cứu trợ theo hướng đúng người, đúng những thứ cần và đúng thời điểm. Vì thế rất cần một “nhạc trưởng” để việc hỗ trợ thiết thực, hiệu quả; không để “nóng” chỗ này, “lạnh” chỗ kia.