Nghệ An: Rom róm dạt vào bờ biển nhiều bất thường
Sau bão số 4, dọc bãi biển xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu (Nghệ An) xuất hiện hàng tấn ngao dạt vào bờ, phủ một lớp trắng xóa. Người dân thi nhau nhặt “lộc biển” dù trời mưa rất to.
Ngày 20/9, sau khi cơn bão số 4, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xuất hiện mưa lớn nhất là các huyện miền núi. Riêng các huyện vùng biển, xuất hiện một lượng rất lớn ngao dạt vào bờ (cư dân địa phương còn gọi là rom róm).
Cụ thể, tại xã Diễn Trung, bắt đầu từ sáng ngày 20/9, người dân đổ xô ra bờ biển để nhặt ngao dạt vào. Người cào ngao dưới biển, người trên bờ thi nhau nhặt ngao khiến không khí trở nên tấp nập.
Bà Lê Thị Hà (57 tuổi) trú xã Diễn Trung cho biết, sau bão, mưa lũ kéo dài, sóng biển dạt vào bờ thường cuốn theo một khối lượng đất cùng ngao trắng. Tuy nhiên, đây là lần đầu họ ghi nhận số lượng ngao trắng dạt vào biển nhiều như vậy.
“Hiện tượng ngao lông dạt vào bờ xuất hiện từ sáng sớm 20/9. Chỉ sau hơn 2 giờ nhặt ngao tôi và con gái đã thu được hơn 50kg”, bà Hà cho biết.
Cũng tranh thủ ra vớt “lộc biển”, bà Nguyễn Thị Lê và người con trai vớt được hơn 70kg ngao, đồng thời cho biết, sau bão hiện tượng ngao dạt vào bờ khá phổ biến, tuy nhiên đợt này nhiều đến bất thường.
“Ngao trắng rất ngon, ngọt, ở quê chúng tôi hay gọi là con rom róm. Loài ngao này, sau khi tách vỏ thường được bán với giá 80.000-100.000 đồng/kg, còn nếu chưa tách vỏ thì có giá 20.000-30.000 đồng/kg” - bà Lê cho biết.
Không những nhặt ngao trên bờ, nhiều người còn dùng nhủi (cán bằng thân tre, hoặc sắt) đi dọc khu vực bờ biển để kéo, bất chấp sóng lớn. Trên bờ, người thân của họ đợi sẵn để nhặt những con ngao còn sống sau khi người kéo nhủi đưa ngao dưới biển lên.
Rất ít khi ngao dạt vào bờ biển nhiều như thế này nên rất đông người dân trong xã kéo nhau ra nhặt “lộc biển”. Phần lớn người dân nhặt ngao về để ăn, nhiều gia đình huy động nhiều thành viên, chỉ trong vài giờ buổi sáng, họ nhặt được cả trăm kg, bán cho thương lái chờ đợi sẵn trên bờ.
Ngoài ngao sống được người dân nhặt, trên bãi biển còn la liệt ngao chết, vỏ ngao và nhiều loại rác khác bị sóng đánh trôi dạt vào bờ.
Một lãnh đạo UBND xã Diễn Trung cho biết, sau các đợt mưa bão thông thường có hải sản như ngao, sò dạt vào bờ nhưng đây là lần đầu tiên ở bãi biển này chứng kiến số lượng ngao nổi nhiều như vậy. Với lượng ngao chết chỉ còn vỏ có thể ảnh hưởng đến môi trường. Địa phương sẽ tổ chức dọn dẹp, làm sạch bãi biển khi tình hình thời tiết ổn định.
Được biết, tại Nghệ An, năm 2023 và đầu năm 2024 ở các vùng biển thị xã Cửa Lò, huyện Quỳnh Lưu… cũng từng xuất hiện hiện tượng sò huyết, ngao tím bị sóng đánh dạt vào bờ sau các đợt mưa bão, áp thấp nhiệt đới.