Sống chung với triều cường
Từ nay đến cuối năm là thời điểm người dân TPHCM phải đi lại và mưu sinh khi triều cường xuất hiện, lại thêm kết hợp mưa lớn. Khi các giải pháp lâu dài trở nên bế tắc, làm gì để sống chung, thậm chí “sống khỏe” với triều cường?
Từ đầu mùa mưa năm nay, hàng trăm hộ dân sống tại bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) thấp thỏm lo lắng trước tình trạng sạt lở của kênh Thanh Đa có chiều hướng diễn biến phức tạp. Trước đó không lâu, một đoạn bờ kênh này bị sạt lở bất ngờ trong đêm đã khiến chính quyền địa phương phải thông báo di dời khẩn cấp hàng chục hộ trong khu vực ảnh hưởng sạt lở.
Dù vậy, người dân bán đảo Thanh Đa vẫn gắng gượng bám trụ mưu sinh. Là nơi bị quy hoạch treo đã gần 30 năm qua, người dân nơi đây đã quá quen với việc phải sống chung với ngập lụt và nhiều điều kiện sinh hoạt thiếu thốn khác.
Ở cùng hoàn cảnh tương tự, nhiều tuyến đường huyết mạch đi qua TP Thủ Đức và các quận 6, 8, 11, Bình Tân, các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn... luôn trong tình trạng chìm trong “biển nước” do triều cường dâng cao từ đầu mùa mưa đến nay. Người dân những khu vực này dù ngán ngẩm với cảnh lội nước bán hàng, mưu sinh hàng ngày, nhưng đã quen thuộc với việc phải chật vật di chuyển để về nhà vào thời điểm mỗi đợt triều cường.
Đối diện với triều cường, chính quyền TPHCM đã tìm nhiều giải pháp khác nhau để ứng phó nhằm giảm bớt thiệt hại cho người dân, thế nhưng đến nay vẫn chưa hạn chế được triệt để. Và những đợt triều cường kết hợp mưa lớn luôn khiến đô thị “đầu tàu” cả nước phải đau đầu giải quyết. Nhất là ứng phó với các “điểm đen” ngập úng mới phát sinh sau triều cường.
“Trong cái khó ló cái khôn”. Tại nhiều thời điểm, lãnh đạo TPHCM đã đặt vấn đề về việc làm sao để sống chung với triều cường. Minh chứng rõ nét nhất vào thời điểm khoảng 10 năm trước đây, TPHCM từng rót hơn 200 tỷ đồng xây hồ điều tiết (quy mô 3,6ha) lớn nhất thành phố, đặt tại Khu đô thị LakeView City (TP Thủ Đức). Cho đến nay, hồ điều tiết này không chỉ dừng lại ở vai trò điều hòa khí hậu và tạo cảnh quan mà còn đóng góp vào giải quyết tình trạng ngập úng cục bộ cho một khu vực rộng lớn phía đông TPHCM.
Ngoài xây hồ điều tiết, thành phố cũng nỗ lực cải tạo hơn 100km đường ống thoát nước được xây dựng từ thời Pháp theo dạng cống vòng đã có tuổi đời trên 100 năm tuổi, vốn đã xuống cấp rất nghiêm trọng và không còn đảm bảo công năng thoát nước.
Hiện nay, một siêu dự án chống ngập trị giá 10.000 tỷ đồng của TPHCM cũng được khởi công, đến nay đã hoàn thành khoảng 90% tiến độ. Dù dự án còn đang vướng mắc một số vấn đề nên phải tạm dừng thi công, thế nhưng được kỳ vọng khi hoàn thành sẽ kiểm soát ngập do triều cường cho khu vực sinh sống của 6,5 triệu dân.
Trong lúc chờ hoàn thành các dự án chống ngập, người dân ở đô thị đông dân nhất cả nước vẫn đang hàng ngày, hàng giờ sinh hoạt, mưu sinh và sống chung với ngập úng. Chính quyền thành phố cũng đã sẵn sàng điều tiết hơn 300 đội xung kích với khoảng 21.000 người tham gia cùng với người dân ứng phó xử lý ngập úng trong đợt triều cường sắp tới. Họ đã và sẽ tiếp tục sống chung với ngập úng, vượt qua những bất cập, khó khăn để phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định vị thế “đầu tàu” của mình.