Tăng tính minh bạch cho thị trường bất động sản
3 bộ luật sửa đổi liên quan đến bất động sản (BĐS) đang được đón nhận tích cực bởi người mua, môi giới, sàn giao dịch và chủ đầu tư BĐS. Thị trường BĐS dự kiến sẽ tăng tính minh bạch nhờ những thay đổi về luật.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) nhận định, cả 3 luật mới (Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh BĐS 2023) có hiệu lực sớm từ 1/8 dần tháo gỡ những nút thắt về pháp lý vốn là tác nhân gây nghẽn việc hoàn thiện nhiều dự án BĐS trong những năm qua. Nhờ đó, thị trường trong thời gian tới có thể đón nhận thêm những nguồn cung mới, góp phần giải quyết chênh lệch cung cầu hiện nay.
“Khi các luật đi vào cuộc sống sẽ giúp nhiều dự án sớm được gỡ vướng để được triển khai, hoàn thành. Từ đó nguồn cung cho thị trường sẽ gia tăng, góp phần làm giảm áp lực về cung - cầu hiện nay. Giá nhà sẽ giảm dần xuống mức hợp lý, phù hợp hơn với thu nhập người dân. Khi chủ đầu tư dễ dàng tiếp cận đất đai hơn thì chi phí để phát triển dự án cũng giảm xuống nhờ quy trình hoàn hiện pháp lý rút ngắn. Giá bán sản phẩm có cơ hội giảm” - ông Đính phân tích.
Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cũng cho rằng, 3 bộ luật sửa đổi liên quan đến BĐS đang được đón nhận tích cực bởi người mua, môi giới, sàn giao dịch và chủ đầu tư BĐS. Thị trường BĐS được kỳ vọng sẽ tăng tính minh bạch nhờ những thay đổi về luật. Nguồn cung nhà ở xã hội cũng có khả năng được cải thiện với chính sách ưu đãi, hỗ trợ mới.
Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã công bố danh sách các dự án nhà ở hình thành trong tương lai: bổ sung thêm khoảng 5.300 căn hộ tại 9 dự án. Tại nhiều địa phương khác, nhiều dự án BĐS mới cũng đang chuẩn bị ra mắt. Trong đó có thể kể đến như Vinhomes Cổ Loa (Hà Nội), The Senique (Hà Nội), The Wisteria (Hà Nội), Sun Urban City (Hà Nam), Vinhomes Royal Island (Hải Phòng)...
Tuy nhiên có điều đáng lo cũng xảy ra, các Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở mới đã tạo hành lang pháp lý mới, loại bỏ các chủ đầu tư yếu kém về năng lực tài chính, buộc các chủ đầu tư còn lại trong “sân chơi” phải phát triển các đại đô thị đồng bộ hạ tầng, tiện ích, có sức lan tỏa lớn, đồng nghĩa với việc chi phí tăng cao, cũng khiến giá nhà khó hạ. Đồng thời, việc thị trường chỉ còn lại các chủ đầu tư có tiềm lực tài chính tốt, năng lực mạnh hay có lợi thế tạo lập quỹ đất sẽ tiếp tục duy trì hiện tượng độc quyền nguồn cung, các chủ đầu tư lớn sẽ tiếp tục quyết định mức giá của thị trường, theo hướng cao hơn để tối đa hóa lợi nhuận. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với thị trường BĐS.
Chính vì thế, giới chuyên gia cho rằng Nhà nước cần có cơ chế điều tiết nhằm giảm bớt yếu tố đầu cơ, giúp thị trường BĐS cân bằng và công cụ thuế cần được cân nhắc.
Theo ông Đính, đánh thuế BĐS hiệu quả và minh bạch, hướng tới những đối tượng tích lũy, đầu cơ thay vì những đối tượng mua BĐS phục vụ mục đích sinh sống hay tổ chức sản xuất kinh doanh sẽ vừa giúp tăng nguồn thu ngân sách, vừa giúp điều tiết thị trường BĐS. Vị chuyên gia cho rằng, sắc thuế cần áp dụng với căn nhà thứ 2 trở lên. Chính sách thuế này sẽ hạn chế hoặc giảm động lực đầu cơ, kiềm chế đà tăng giá nhà đất. Đồng thời, khuyến khích các chủ sở hữu đưa BĐS "bỏ hoang" cho thuê hoặc bán đi, thông qua đó tăng khả năng tiếp cận nhà ở cho người dân có nhu cầu ở thực. Còn trường hợp nếu đánh thuế rồi mà nhu cầu đầu cơ không giảm, thì ngân sách sẽ thu được thuế, phục vụ cho đầu tư công, xây dựng trường học, bệnh viện, đường sá...