Tuyển sinh vào lớp 10: Mong chờ 'diện mạo' mới
Năm 2025 là kỳ tuyển sinh lớp 10 đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Phương án thi, môn thi, đề thi sẽ như thế nào là mong ngóng của tất cả nhà trường, phụ huynh và thí sinh.
Năm học mới đã bắt đầu được hai tuần, phần lớn học sinh đã bắt nhịp được với việc học tập. Nhưng nỗi lo với những thí sinh lớp 9 đang chuẩn bị bước vào một kỳ thi quan trọng, căng thẳng khiến không chỉ các em mà cả phụ huynh và nhà trường đều “căng như dây đàn”.
Cuối tháng 8, Hà Nội đã công bố cấu trúc định dạng và đề thi minh họa tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm 2025 được xây dựng theo Chương trình GDPT 2018. Nhiều ý kiến nhận định đề thi có nhiều nội dung thực tế, gắn với thực tiễn đời sống hơn so với những năm trước đây. Đây là cơ sở để các nhà trường có thể áp dụng để xây dựng các đề kiểm tra, có kế hoạch hướng dẫn học sinh ôn tập ngay từ đầu năm học mới để học sinh không bỡ ngỡ với những thay đổi của đề thi tuyển sinh lớp 10. Đồng thời, là cơ sở để xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025-2026.
Dẫu vậy, nỗi lo chưa thể ngơi bớt, thậm chí với nhiều học sinh còn gia tăng thêm áp lực vì với diện mạo mới của đề thi, việc học và ôn tập sẽ phải thay đổi. Thời gian không còn nhiều trong khi cùng lúc phải học đều tất cả các môn, không có trọng tâm, cũng không có sự lựa chọn dù sau đây, nếu đỗ vào trường cấp 3, các em sẽ chỉ chọn học một số môn ngoài những môn bắt buộc theo quy định.
Trong khi đó, dù Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TPHCM dự kiến tới tháng 10 mới công bố đề minh họa ở từng môn thi, nhưng phương án thi 3 môn ổn định như mọi năm với 3 bài thi Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ khiến thí sinh phần nào bớt căng thẳng. Trước đó, tháng 8 Sở đã ban hành định hướng kỳ thi vào lớp 10 năm học 2025-2026 và tháng 9 dự kiến sẽ công bố cách thi, nội dung thi.
Với định hướng thi rõ ràng, điều thầy và trò TPHCM đang chờ đợi là mức độ phân hóa và đổi mới của đề thi ở từng môn thi ra sao. Giám đốc Sở GDĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, Sở sẽ tính toán, điều chỉnh nhằm phù hợp với việc dạy và học theo hướng đánh giá năng lực học sinh - bám sát mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 ở bậc THCS. Cũng vì điều này mà sau nhiều năm địa phương này chỉ công bố cấu trúc của từng môn thi thì tới năm nay, lần đầu tiên TPHCM công bố đề minh họa thi lớp 10.
Quảng Nam cũng đã phê duyệt phương án tuyển sinh áp dụng bắt đầu từ năm học tới 2025-2026, với việc tổ chức thi kết hợp với xét tuyển dựa trên kết quả rèn luyện, học tập và hạnh kiểm trong 4 năm ở cấp học THCS. Các môn thi đã được công bố là Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh cũng như cách tính điểm xét tuyển, đăng ký nguyện vọng và đặc biệt là việc phân bổ chỉ tiêu vào lớp 10 THPT công lập theo lộ trình: Năm học 2025-2026 tuyển không quá 80% số học sinh tốt nghiệp THCS.
Thầy giáo Lê Ngọc Anh - giáo viên Trường THCS Khương Mai (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) cho rằng, để học sinh nắm chắc kiến thức và tự tin bước vào kì thi, việc lên kế hoạch ôn tập cụ thể cho thí sinh là điều quan trọng. Đối với từng môn học, cần có chiến lược ôn thi tương ứng. Đơn cử đối với môn Ngữ văn, thầy Ngọc Anh xây dựng lộ trình cho học sinh theo từng dạng chuyên đề: Chuyên đề tiếng Việt; chuyên đề theo đặc trưng thể loại; chuyên đề rèn kĩ năng viết đoạn, viết bài văn (Nghị luận văn học và Nghị luận xã hội). Ở mỗi chuyên đề, thầy và trò cùng ôn kĩ lý thuyết đã học, đưa ra các phương pháp phù hợp với từng đặc trưng thể loại. Khi nắm vững phương pháp cụ thể, kĩ năng thành thục sẽ tránh khỏi “bị ngợp” khi thấy đề thi lạ.
Theo bà Nguyễn Thị Lý - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) trong khi chờ phương án của Sở GDĐT công bố, nhà trường vẫn chỉ đạo các giáo viên các bộ môn bám sát theo định hướng của chương trình mới cũng như đề thi minh họa đã có để xây dựng ma trận các đề kiểm tra, đánh giá học sinh xuyên suốt từ lớp 6 - 9 cho các em dần quen.
Trong đó, nhà trường quán triệt tới giáo viên tất cả các bộ môn phải có kế hoạch theo hướng sẵn sàng cho tinh thần có thể thi bất cứ môn nào, không chủ quan, lơ là.
Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho biết, hiện nay Bộ GDĐT đang chuẩn bị Dự thảo Thông tư hướng dẫn tuyển sinh thay thế Thông tư 11 và theo quy chế sẽ đưa lên mạng lấy ý kiến rộng rãi trước khi công bố.