Nỗi lo về những cây cầu xuống cấp
Tại Thanh Hóa, hiện có hàng chục cây cầu bắc qua các tuyến sông lớn, được xây dựng từ nhiều thập kỷ trước và hầu hết đã được tu sửa do bị xuống cấp. Điều này khiến nhiều người dân lo lắng, bất an mỗi khi phải đi qua trong mùa mưa lũ.
Cầu Vạn Hà nằm trên QL45 (Km61+300), đoạn chạy qua thị trấn Thiệu Hóa (tỉnh Thanh Hóa) được xây dựng và thông xe vào những năm 90. Đây là cây cầu thay thế cho bến phà Vạn có tuổi đời lên đến hàng trăm năm.
Do nằm trên tuyến đường huyết mạch nối TP Thanh Hóa với các huyện nằm ở phía Tây của tỉnh, nên mỗi ngày có hàng nghìn lượt người và phương tiện lưu thông qua đây.
Ban đầu, cầu được thiết kế 2 làn xe, mặt cầu và lan can được đổ bằng bê tông. Sau nhiều năm sử dụng và xuống cấp, đến năm 2017, cầu Vạn Hà được tu sửa lại, mặt cầu được thảm nhựa và lan can sắt như hiện nay. Tuy nhiên, do 8 mố trụ cầu được thiết kế và xây dựng từ hàng chục năm trước nên mỗi khi qua cầu, người tham gia giao thông có thể cảm nhận được sự rung lắc, đặc biệt là vào mùa mưa bão, nước sông Chu dâng cao và chảy xiết.
Ông Nguyễn Xuân Hùng - trú TP Thanh Hóa cho biết, mỗi lần đi xe qua cầu cùng hàng chục phương tiện xe tải và các phương tiện khác là một lần phải lo lắng, bất an. “Những lúc qua cầu Vạn Hà tôi rất lo lắng bởi cây cầu có tuổi đời lên đến hàng chục năm” - ông Hùng nói.
Được biết, từ năm 2017 về trước, mặt cầu Vạn Hà bị bong tróc, các khe giáp cầu bị gãy, đứng trên mặt cầu có thể nhìn thấy lòng sông, nếu ngành chức năng không thường xuyên kiểm tra sự an toàn của các chân trụ, mố cầu để kịp thời phát hiện sự cố và khắc phục, có thể sẽ xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Cùng nằm trên tuyến QL45 là cây cầu Kiểu bắc qua sông Mã, nối 2 huyện Yên Định và Vĩnh Lộc cũng đã bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp. Mỗi khi mùa mưa lũ đến, nước sông Mã dâng cao, cầu cũng đã bắt đầu xuất hiện hiện tượng rung lắc, đặc biệt là mỗi khi có xe trọng tải lớn đi qua.
Còn trên tuyến đường Hồ Chí Minh, cầu Cẩm Thủy được xây dựng từ hàng chục năm nay, thân cầu dài, trụ cầu cao so với mặt sông. Mối lo của người dân ngày càng lớn khi đây đang là cao điểm của mùa mưa lũ. Anh Nguyễn Xuân Chinh (người dân trú tại thôn 3, xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy) cho biết: “Lâu nay chúng tôi vẫn lưu thông qua lại bình thường không suy nghĩ, lo lắng gì, kể cả khi cầu xuống cấp, có dấu hiệu hư hỏng nhẹ. Tuy nhiên, từ hôm xảy ra sự cố sập cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ) thì mỗi lần đi qua là “rén”, nước dâng cao, chảy xiết khiến cầu rung lắc ghê lắm”.
Tìm hiểu thêm từ phía người dân, chúng tôi được biết: Hầu hết trên các tuyến sông lớn của tỉnh Thanh Hóa như: sông Chu, sông Mã... đều có các mỏ cát đang hoạt động hết công suất. Hệ lụy là dọc hai bên bờ các con sông đều xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng do bị thay đổi dòng chảy. Thậm chí, chỉ ít năm trước, các mỏ cát được cấp phép ngay sát với chân các cây cầu, nhiều thuyền hút cát bất chấp hệ lụy, hiểm họa đã thọc “vòi rồng” xuống hút cát gần khu vực cầu.
Theo ông Nguyễn Trọng Cường - Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa: Hiện nay trên dọc tuyến sông Chu (chỉ tính đoạn trên thượng lưu và hạ lưu cầu Vạn Hà khoảng 1 - 5km) đã có tới 5 mỏ cát và bãi tập kết đang hoạt động.
“Chúng tôi rất lo lắng, nhưng vì đây là tuyến quốc lộ do Cục đường bộ II quản lý nên địa phương không có chức năng kiểm tra hay sửa chữa”- ông Cường nói.
Ông Nguyễn Đăng Trường - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định (tỉnh Thanh hóa) cho biết: Vì đây là tuyến cầu đường do Cục đường bộ II quản lý nên địa phương không thể tự kiểm tra theo định kỳ. Hiện nay chúng tôi đã làm văn bản gửi Cục, đề nghị kiểm tra kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông mỗi khi đi qua đây.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Bùi Trọng Tuệ - Trưởng Văn phòng quản lý đường bộ 2.1 khu II (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết: Sau khi xảy ra sự cố sập cầu tại Phú Thọ, Cục đã có văn bản yêu cầu các văn phòng phải tiến hành rà soát kịp thời hiện trạng các cây cầu lớn trên các tuyến quốc lộ trong mùa mưa lũ. Hiện tại, Văn phòng quản lý đường bộ 2.1 khu II đã tiến hành rà soát, kiểm tra kỹ thuật đối với các cây cầu trên tuyến đường Hồ Chí Minh như: Cầu Lam Kinh, cầu Cẩm Thủy. Còn đối với tuyến QL45 sẽ tiến hành kiểm tra chậm hơn vì hiện nay nước từ thượng nguồn đổ về nhiều và chảy xiết rất nguy hiểm.
“Sau khi nước rút bớt, chúng tôi sẽ điều động các phương tiện dò xói chuyên dụng để kiểm tra, rà soát nghiêm ngặt các cây cầu trên toàn tuyến. Nếu có vấn đề phát sinh sẽ báo cáo và có phương án xử lý kịp thời, không để xảy ra sự cố đáng tiếc” - ông Tuệ cho biết thêm.