Tăng cường đối thoại để hạn chế nợ bảo hiểm xã hội
Mặc dù ngành bảo hiểm xã hội đã chủ trì, phối hợp triển khai nhiều giải pháp để thu hồi số tiền chậm đóng các loại bảo hiểm của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, song đến hết tháng 8/2024, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn hơn 738 tỷ đồng.
Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Đồng Nai, đến cuối tháng 8/2024, toàn tỉnh có 13 doanh nghiệp, trường học chậm đóng tiền BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động (BHTNLĐ) từ 5 năm trở lên.
Những đơn vị có số tiền chậm đóng lớn, thời gian chậm đóng dây dưa kéo dài, gây nhiều khó khăn trong công tác xác nhận sổ BHXH, giải quyết các chế độ chính sách cho người lao động.
Nguyên nhân là do tính tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ - bệnh nghề nghiệp của nhiều đơn vị sử dụng lao động ở nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ còn hạn chế. Số doanh nghiệp vừa và nhỏ ngừng hoạt động có chiều hướng tăng. Việc xử lý chậm đóng BHXH, BHYT kéo dài đối với các doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm ngừng hoạt động kinh doanh vẫn chưa có quy định, hướng dẫn giải quyết của pháp luật.
BHXH tỉnh Đồng Nai thường xuyên đôn đốc các đơn vị đóng tiền hàng tháng đúng kỳ hạn, cung cấp số tiền phải đóng và số chậm đóng tiền phát sinh hàng tháng cho từng đơn vị. Đồng thời, chỉ đạo cán bộ phụ trách bám sát các đơn vị được phân công phụ trách để nắm bắt tình hình hoạt động, đối chiếu số liệu, hướng dẫn trích nộp kịp thời, lập biên bản, gửi thông báo chậm đóng đối với các đơn vị chậm đóng kéo dài. Tuy nhiên, đến tháng 8/2024 vẫn còn 457 doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ - bệnh nghề nghiệp từ 3 tháng trở lên, với số tiền từ 50 triệu đồng trở lên.
Để công tác thu hồi tiền chậm đóng đạt hiệu quả, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động, BHXH tỉnh Đồng Nai đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, các sở, ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp xử lý đối với các đơn vị cố tình chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ - bệnh nghề nghiệp làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Trước thực trạng nợ BHXH gia tăng, bên cạnh giải pháp tăng cường thanh tra, kiểm tra BHXH tỉnh Đồng Nai đẩy mạnh tổ chức các phiên đối thoại với doanh nghiệp nhằm tuyên truyền để doanh nghiệp nắm và hiểu rõ hơn về quyền cũng như nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với người lao động trong chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và BHTNLĐ - bệnh nghề nghiệp.
Điển hình như ngày 19/9, BHXH tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội nghị đối thoại với hơn 150 doanh nghiệp trên địa bàn về thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã được phổ biến đầy đủ thông tin về quyền lợi, nghĩa vụ và các quy định liên quan đến BHXH, BHYT, các vấn đề về đối tượng đóng, mức đóng, thủ tục đóng, cũng như xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, các vấn đề về lao động, tiền lương, hợp đồng lao động và chính sách thuế cũng được làm rõ.
Đặc biệt tại hội nghị, BHXH tỉnh Đồng Nai đã lập biên bản làm việc, hướng dẫn đơn vị, doanh nghiệp kê khai, đăng ký, tham gia đóng BHXH, BHYT cho người lao động, trường hợp các doanh nghiệp sau 10 ngày kể từ ngày tham dự Hội nghị mà cố tình không tham gia, đóng BHXH, BHYT thì sẽ tiến hành thanh tra chuyên ngành đóng, hoặc kiến nghị cơ quan thẩm quyền thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, xử lý vi phạm, yêu cầu khắc phục hậu quả vi phạm.
Ông Phạm Long Sơn - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai cho biết, trong thời gian qua, BHXH tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp đảm bảo quyền lợi người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp là một trong các cầu nối giữa cơ quan BHXH và các doanh nghiệp để có cơ hội hướng dẫn, trao đổi, chia sẻ để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, từ đó nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, góp phần bảo đảm quyền lợi thiết thực cho người lao động.