Kinh tế

Vực dậy ngành nuôi trồng thuỷ sản Quảng Ninh sau bão

Ngọc Anh 22/09/2024 07:30

“Ngã ở đâu đứng lên ở đó”, những người nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ninh đang dần vực dậy, nỗ lực tái thiết hoạt động sản xuất, kinh doanh sau bão.

"Trắng tay" sau bão

"Nhà còn gì nữa không?" - ấy là câu hỏi cửa miệng của nhiều người dân ở xã đảo Bản Sen (huyện Vân Đồn) khi gặp lại nhau sau khi bão số 3 đi qua. Bởi lẽ cơn bão ấy đã gây thiệt hại quá nặng nề, gần như cuốn phăng tất cả sản nghiệp mà họ đã vất vả gây dựng bấy lâu nay. Vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) trù phú ở Bản Sen sau bão số 3 trở nên tiêu điều, xơ xác. Nhà mất ít cũng vài trăm triệu, mất nhiều thì lên đến hàng chục tỷ đồng.

tvp_1976.jpeg
Người dân ngồi trên xác bè trôi lênh đênh ở khu vực biển Bản Sen để câu cá lồng bè bị sổng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn (khu 5, thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn) - một trong những hộ NTTS chịu thiệt hại nặng nề nhất tại Bản Sen đưa chúng tôi đi thăm những gì còn sót lại. Vừa di chuyển chiếc xuồng dạo quanh khu vực hòn Cái Suối, ông Tuấn vừa chỉ vào khoảng nước mênh mông, kể: Trước bão, trải rộng khắp khu vực này đều là lồng bè NTTS của mấy anh chị em chúng tôi với diện tích tổng cộng là 12 ha. Trong đó là đầy ắp các loại cá song, cá dìa,... đang chuẩn bị được thu hoạch.

img_0731.jpeg
Ông Tuấn chỉ vào những gì còn sót lại của gia đình sau cơn bão số 3...
tvp_2060.jpeg
Chỉ còn lác đác xác bè trôi, con tàu đắm, vài quả phao nhựa,...

Hơn 20 năm "đánh bạc với trời", chưa bao giờ ông Tuấn chứng kiến trận bão nào tàn khốc như vậy. "Bè vỡ trôi mất hết, cá sổng không còn gì, tàu thuyền bị đánh chìm. Ước tính thiệt hại khoảng 25 tỷ đồng. May mà những người ở lại trông coi tàu bè được lực lượng Đồn Biên phòng Hạ Long và Trạm Kiểm soát biên phòng Cái Rồng kịp thời ứng cứu nên đi đủ, về đủ", ông Tuấn chua xót nói.

Trước mắt chúng tôi, nơi từng là cả sản nghiệp mà 9 anh em nhà ông Tuấn cùng chung vốn gây dựng nay đã tan như bọt biển, chỉ còn lác đác xác bè trôi, con tàu đắm, vài quả phao nhựa,...

tvp_2019.jpeg
Ông Nguyễn Văn Quánh (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) đã nhiều ngày không về nhà mà ở lại khu vực bè để nhặt nhạnh những thùng phuy, bè tre… còn có thể tái sử dụng được.

Từ sau bão, mấy anh em nhà ông Tuấn, người thì ngâm mình dưới nước, tập trung nhặt nhạnh những thùng phuy, bè tre… còn dùng được. Người thì câu những con cá song còn sót lại để tái nuôi. Người thì chạy đôn chạy đáo đi tìm mua vật liệu, thuê thợ thuyền để làm lại bè,... Tất cả đều bận rộn tái thiết lại công việc NTTS tại vùng biển đã từng mất trắng do bão số 3.

“Ngã ở đâu đứng lên ở đó. Còn người là còn của. Chúng tôi sẽ làm lại từ con số không, chơi một "canh bạc" mới với ông trời", ông Tuấn khẳng định.

Dồn lực cho chặng đường mới

Cũng giống như ông Tuấn, hàng nghìn hộ NTTS trên biển thuộc Vân Đồn, Cẩm Phả, Hạ Long, Quảng Yên… của tỉnh Quảng Ninh hầu hết đều “trắng tay” sau bão. Thế nhưng họ đang nỗ lực khắc phục hậu quả, để tái thiết lại sản xuất, kinh doanh bằng nhiều cách. Từ việc tận dụng những vật liệu làm lồng bè để tái sử dụng, thu mua cá lồng bè bị sổng mà người dân câu được để tái nuôi,... đến vay mượn tiền đóng lồng bè mới.

Tuy nhiên vấn đề đầu tiên là tiền đâu? Khi mà cơn bão số 3 đã quét sạch gần như tất cả mọi thứ của người NTTS. Theo báo cáo thống kê thiệt hại bão số 3 của tỉnh Quảng Ninh tính đến ngày 20/9, ước tính tổng thiệt hại ngành thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh là khoảng 3.692 tỷ đồng. Chỉ tính riêng thiệt hại về NTTS của huyện Vân Đồn đã là trên 2.200 tỷ đồng.

Chị Lê Thị Kim Yến (thôn Tân Lập, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn) chia sẻ: Vừa khôi phục và bắt đầu phát triển NTTS từ sau dịch Covid-19, chúng tôi lại tiếp tục vay mượn và chi một khoản tiền lớn để thay đổi phao xốp sang phao nhựa HDPE. Chưa kịp thu hồi được gì thì bão số 3 lại đến cuốn sạch tất cả, chỉ để những khoản nợ ở lại...

img_0770.jpeg
Một người dân đang cố gắng sửa lại chiếc bè tre bị bão đánh vỡ.

Mặc dù Chính phủ đã có Nghị định 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp (trong đó có NTTS) để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, tuy nhiên nhiều bà con NTTS cho biết, việc "chạm" đến gói hỗ trợ này là rất khó. Vì hầu hết các hộ NTTS nhỏ, lẻ vẫn chưa được cấp phép nuôi biển, cấp giấy xác nhận đăng ký NTTS lồng bè... do một số vướng mắc về thủ tục trong quá trình thực hiện nên không đủ điều kiện để nhận hỗ trợ.

Ông Hoàng Trung Vương (thôn Đông Lĩnh, xã Bản Sen) bày tỏ: Chúng tôi hy vọng rằng, Nhà nước và các cấp chính quyền sẽ có những cơ chế chính sách riêng biệt để hỗ trợ người NTTS bị thiệt hại do bão số 3 về kinh phí hay con giống để có thể nhanh chóng khôi phục NTTS trở lại. Đồng thời, đẩy nhanh công tác giao mặt biển NTTS.

img_0619.jpeg
Người dân xã Bản Sen nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất lĩnh vực thủy sản bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.

Bên cạnh đó, điều mà có lẽ các hộ NTTS cần nhất lúc này chính là sự "tiếp sức" từ phía ngân hàng. "Chúng tôi mong muốn phía ngân hàng có thể khoanh nợ, giảm lãi suất cho vay và cho vay mới với lãi suất thấp để mạnh dạn tái đầu tư. Nhiều nhà thậm chí còn rơi vào cảnh vô sản sau cơn bão số 3, nếu ngân hàng có thể cho vay tín chấp thì họ mới có cơ hội vực dậy được", anh Phạm Quốc Điệp (thôn Đông Lĩnh, xã Bản Sen) cho biết.

Ngoài ra, các hợp tác xã NTTS cũng đề nghị được hoãn, giãn, giảm thu thuế đối với diện tích thuê mặt biển để tái thiết lại việc NTTS.

Ảnh 4
Người dân vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng ra các huyện đảo, xã đảo của Quảng Ninh để tái thiết xây dựng cuộc sống, sản xuất, kinh doanh.

Đồng hành cùng với người dân và doanh nghiệp, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã thống nhất chủ trương dành 1.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh cho khắc phục hậu quả bão số 3. UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản đề nghị các ngân hàng có các cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Ngay sau đó đã có 5 ngân hàng thương mại gồm Agribank; Vietcombank; BIDV; Vietinbank; BVBank triển khai các chính sách hỗ trợ như: Điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,5-2%/năm; miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả; giảm lãi suất cho vay và hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng vay mới, đặc biệt là khoản vay ngắn hạn, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh phát sinh từ ngày 6/9. Chương trình hỗ trợ được áp dụng chung đối với các tỉnh, thành phố bị thiệt hại sau bão số 3.

Những ngư dân hy vọng rằng những chính sách của tỉnh, của các ngân hàng sẽ "chạm" được những khó khăn thực tế họ đang phải đối mặt, giúp họ tháo gỡ, phục hồi lại nghề nuôi trồng thuỷ sản vốn là thế mạnh của tỉnh.

Ngọc Anh