Pháp luật

‘Sốt đất’ nhìn từ những bản án

HẠNH NGUYÊN 22/09/2024 08:57

Giai đoạn “sốt đất”, một số gia đình giàu lên nhanh chóng nhưng cũng có nhiều gia đình rơi vào thảm cảnh tán gia bại sản, thậm chí tù tội. Hệ lụy từ “sốt đất” đã được cảnh báo nhưng vòng xoáy của nó vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến người dân.

Các vùng đất nông thôn ven TP Hà Tĩnh từng trở thành sốt đất khi nhiều người đổ về tạo sóng..
Các vùng đất nông thôn ven TP Hà Tĩnh từng trở thành sốt đất khi nhiều người đổ về tạo sóng.

Vợ chồng bị tù chung thân

Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh vừa xét xử vụ án hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” đối với Mai Chí Phương (SN 1988) cùng vợ là Võ Thị Thành (SN 1990, cùng trú thôn Bắc Thượng, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Đôi vợ chồng này từng lao vào vòng xoáy “sốt đất” giai đoạn 2020-2022.

bi-cao-mai-chi-phuong-tai-phien-toa.(1).jpg
Bị cáo Mai Chí Phương tại phiên tòa.

Theo cáo trạng, Mai Chí Phương là Giám đốc Công ty TNHH Huy Đoàn Hưng (trụ sở tại Hà Tĩnh). Do kinh doanh bất động sản thua lỗ, phải vay mượn tiền của nhiều cá nhân, mất khả năng thanh toán nên Phương cùng vợ đưa ra các thông tin gian dối lừa vay tiền để góp vốn đầu tư mua bán đất, các dự án bất động sản; xin cấp đất ở mà không đấu giá; lừa thuê, mượn ô tô để vay tiền.

Với các thủ đoạn trên, từ đầu năm 2021 đến đầu tháng 11/2022, vợ chồng Phương đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của 15 bị hại ở Hà Tĩnh, với tổng số tiền hơn 70 tỷ đồng.

Cơ quan chức năng còn xác định, Phương đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt xe ô tô của 3 bị hại gồm xe Toyota Fortuner trị giá hơn 900 triệu đồng, xe Suzuki XL7 trị giá hơn 600 triệu đồng và xe Toyota Innova trị giá hơn 100 triệu đồng. Phương còn sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để chiếm đoạt tiền của một phụ nữ và hai người đàn ông với tổng số tiền là 4,2 tỷ đồng.

lao-vao-sot-dat-pham-thi-oanh-phai-tra-gia-bang-14-nam-tu.(1).jpg
Lao vào sốt đất, Phạm Thị Oanh phải trả giá bằng 14 năm tù.

Theo bà Nguyễn Thị T. (SN 1964, trú TP Hà Tĩnh), giữa tháng 7/2022, Phương và Thành quen biết với bà T. nên cả hai cùng thống nhất lừa bà về việc sắp tới sẽ có dự án phân lô, bán đất nền tại xã Thạch Đài (huyện Thạch Hà) và Công ty TNHH xây dựng Huy Đoàn Hưng do Phương làm giám đốc sẽ được thực hiện các dự án này nhưng cần nguồn vốn lớn, nếu thực hiện thành công sẽ có lợi nhuận cao.

Phương sau đó bổ nhiệm bà T. làm Phó Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Huy Đoàn Hưng. Đồng thời, để tạo lòng tin cho bà T., sau mỗi lần bà T. chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng thì Phương và Thành đều trích lại một phần trong số tiền bà T. chuyển đến để chuyển lại cho bà T.

Với thủ đoạn đó, Phương và Thành đã lừa đảo chiếm đoạt của bà T. số tiền hơn 40,5 tỷ đồng. Theo bà T., trong những ngày bị tạm giam, người nhà của Phương và Thành đã đến nhà xin bà có đơn giảm nhẹ mức án cho hai bị cáo. Tuy nhiên, hành vi lừa đảo của hai bị cáo quá khủng khiếp, khiến cuộc sống gia đình bà và nhiều bị hại khác rơi vào cảnh khốn cùng.

bi-cao-vo-thi-thanh-tai-phien-toa.(1).jpg
Bị cáo Võ Thị Thành tại phiên tòa

Một số bị hại khác cho biết, do tin tưởng Mai Chí Phương và Võ Thị Thành, họ đã dốc hết vốn liếng và vay mượn khắp nơi để giao tiền cho cặp đôi này đầu tư kinh doanh. “Tiền mất, tật mang”, cuộc sống của các bị hại giờ đây vô cùng khốn khó, nhiều gia đình lâm vào cảnh đường cùng. Các bị hại mong muốn Hội đồng xét xử làm rõ hành vi phạm tội của Phương và Thành, đồng thời buộc hai bị cáo bồi thường toàn bộ số tiền đã lừa đảo chiếm đoạt. Tuy nhiên, đến thời điểm xét xử vụ án, các bị cáo vẫn chưa trả lại tiền cho các bị hại.

Xét toàn diện vụ án, Hội đồng xét xử quyết định tuyên phạt bị cáo Mai Chí Phương mức án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 3 năm 6 tháng tù giam về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, tổng hợp hình phạt chung áp dụng đối với bị cáo là tù chung thân. Bị cáo Võ Thị Thành bị phạt mức án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 3 năm tù giam về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, tổng hợp hình phạt chung áp dụng đối với bị cáo là tù chung thân và buộc các bị cáo bồi thường số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại.

Vỡ mộng làm giàu từ “sốt đất”

Phạm Thị Oanh (SN 1980, trú xã Thạch Kim, Lộc Hà, Hà Tĩnh) là một phụ nữ năng động, được nhiều người mến mộ. Năm 2021, khi thị trường bất động sản tại Hà Tĩnh lên “cơn sốt”, Oanh quyết không bỏ lỡ cơ hội làm giàu. Oanh vay mượn người thân, bạn bè tiền để đầu tư mua, bán đất trên địa bàn huyện Lộc Hà. Tuy vậy, công việc kinh doanh thua lỗ nên chỉ sau một thời gian ngắn (tháng 5/2022), tổng số nợ Oanh phải gánh lên tới khoảng 6,3 tỷ đồng.

Kể từ đó, cuộc sống của Oanh chỉ xoay quanh câu chuyện nợ nần. Do các khoản nợ quá hạn và liên tục bị đòi nên Oanh tìm mọi cách để có thể xoay được tiền. Từ tháng 5/2022 đến tháng 7/2022, bằng việc đưa ra các thông tin gian dối như vay tiền để mua đất, chung vốn mua đất, Oanh đã chiếm đoạt tổng số tiền gần 4,7 tỷ đồng của 3 bị hại tại Lộc Hà. Trong đó, người nhiều nhất bị lừa gần 2,7 tỷ đồng và người ít nhất bị chiếm đoạt 900 triệu đồng.

Sau đó, Phạm Thị Oanh đã trả lại cho 3 bị hại tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. Trong đó, người cho vay ít nhất (900 triệu đồng) đã may mắn được hoàn trả lại toàn bộ số tiền và có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. 2 bị hại còn lại rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Để có tiền cho Oanh vay, họ cũng phải xoay xở, vay mượn anh em, họ hàng. Đến nay, bản thân những người này cũng phải tránh mặt người thân, bị gia đình trách móc, chất vấn.

Tại phiên xử bị cáo Phạm Thị Oanh về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, khi được nói lời sau cùng, Phạm Thị Oanh không ngừng khóc, bày tỏ sự hối hận. Bị cáo thừa nhận, chính lòng tham đã đẩy bản thân, gia đình và cả những người vô tội vào bi kịch. Bị cáo trần tình, trước lợi nhuận quá lớn và nhanh chóng từ cơn “sốt đất”, bản thân đã không giữ được bản lĩnh.

Bước chân vào lĩnh vực bất động sản đầy rủi ro, bản thân Oanh lại là người thiếu nguồn vốn, thiếu hiểu biết lẫn kinh nghiệm kinh doanh. Để rồi, không dự báo được những biến động bất ngờ của thị trường, Oanh đã vay tiền tỷ “lướt sóng” đất với giá cao nhưng không bán được. Và rồi, nợ chồng nợ, lãi chồng lãi là điều tất yếu. Vì vậy, Oanh đã liều lĩnh vay mượn tiền của các bị hại dù biết khó có khả năng thanh toán.

Chủ tọa phân tích, vụ án này cũng xuất phát từ một phần lỗi của các bị hại. Vì hám lợi, 3 người này đã không tìm hiểu kỹ về công việc kinh doanh mà sẵn sàng cho Oanh vay mượn với số tiền lớn. Vị chủ tọa cũng đưa ra lời cảnh báo, hiện nay, rất nhiều người đang đứng trước tình cảnh lao đao vì cơn “sốt đất”. Xuất phát từ lợi nhuận, không ít người sẵn sàng vay mượn số tiền lớn để đầu tư trong khi bản thân không có chuyên môn, kiến thức. Việc đầu tư này sẽ dễ dẫn đến hậu quả khôn lường, tiền mất, tật mang và vụ án Phạm Thị Oanh chính là lời cảnh tỉnh rõ ràng nhất.

Xét thấy hành vi của Phạm Thị Oanh là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ, gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự trị an, hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo 14 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Vụ án được xét xử vào tháng 4/2023.

Những cái kết được biết trước

Hai vụ án kinh động ở Hà Tĩnh kể trên chỉ là một phần nổi của “tảng băng chìm” trong hệ lụy của “sốt đất”. Nhiều trường hợp có công việc ổn định, lương cao nhưng trót sa chân vào đầu tư đất, bị thua lỗ, nợ nần chồng chất, phải bỏ đi biệt xứ.

Vấn đề đáng bàn là những cái kết nói trên được truyền thông, báo chí cảnh báo rất nhiều trước, trong và sau đợt sốt đất 2021-2022. Các chuyên gia bất động sản cũng đưa ra nhiều lời khuyên cho các nhà đầu tư thứ cấp, “cò đất”, người dân… Tuy nhiên, vòng xoáy của đồng tiền, của “sốt đất” vẫn tiếp tục lấn át lý trí của nhiều người. “Sốt đất” không chỉ xảy ra trên thị trường tự do mà việc đấu giá đất cũng đẩy giá cao lên trên trời khiến thị trường bất động sản diễn biến khó lường.

HẠNH NGUYÊN