Họp phụ huynh đầu năm học mới: Vẫn chuyện lạm thu
Năm học mới đã bắt đầu, bên cạnh niềm vui của các em học sinh cũng là nỗi lo của không ít phụ huynh, nhất là khi các trường học vào đợt họp phụ huynh đầu năm. Không lạ khi thời điểm này trên nhiều diễn đàn xuất hiện những câu chuyện về tình trạng thu phí không hợp lý với những khoản tiền cho việc sửa ti vi, mua điều hòa, máy chiếu... Trước thực tế đó, ai cũng mong rằng ngôi trường mà con mình theo học sẽ thực hiện thu chi minh bạch, tránh tình trạng lạm thu trong giáo dục.
Những khoản thu “lạ lùng”
Vừa qua, một phụ huynh tại trường TH-THCS-THPT Hồng Bàng, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai đã bức xúc khi bị yêu cầu đóng khoản phí "bảo trì ti vi" 100.000 đồng/học sinh. Điều này gây ra tranh cãi do ti vi là tài sản của nhà trường và đã có chế độ bảo hành. Vị phụ huynh chia sẻ rằng, họ đồng ý đóng góp để nâng cao chất lượng giáo dục, nhưng cho rằng khoản phí này là không hợp lý. Nhà trường giải thích rằng họ vừa thay thế ti vi cũ bằng ti vi thông minh và hứa sẽ xem xét lại vấn đề. Kết quả, trường TH-THCS-THPT Hồng Bàng đã thông báo ngừng thu khoản phí này cho năm học 2024-2025.
Vụ việc chỉ là một trong nhiều ví dụ về tình trạng thu phí "lạ" trong các trường học, gây bức xúc cho phụ huynh. Bởi trước đó, tình trạng thu các khoản phí bất hợp lý không phải là hiếm gặp. Như trường hợp đã từng xảy ra tại Trường Tiểu học CN2 ở TP Cam Ranh, Khánh Hòa, nhiều phụ huynh đã phải phản đối khoản phí "cải tạo khuôn viên" 300.000 đồng/học sinh. Sau khi có phản hồi từ phụ huynh, nhà trường đã phải trả lại số tiền này.
Hay tại Trường Tiểu học Hồng Hà, Bình Thạnh, TPHCM, một lớp học đã thu tới 310 triệu đồng cho các khoản như sửa phòng học, sơn bàn ghế, lắp Internet, và các chi phí văn nghệ, với nhiều khoản được đánh giá là "lạ đời." Sau khi vụ việc được công khai, phòng giáo dục quận chỉ ra rằng hầu hết các khoản thu là sai quy định và nhà trường đã phải hoàn trả số tiền đó cho phụ huynh.
Thực tế trên đã kéo dài trong nhiều năm, mỗi năm lại có một “biến thể mới” đã làm dấy lên những lo ngại về lạm thu trong các trường học. Dù các quy định về việc thu chi trong trường học đã được ban hành từ nhiều năm trước, nhưng tình trạng lạm thu vẫn tồn tại. Chẳng hạn như, theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT, các ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép thu tiền liên quan đến cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, và nhiều khoản khác. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tại nhiều trường học, phụ huynh vẫn phải đóng góp cho những khoản như: sửa cổng trường, lát gạch, mua sắm thiết bị, và cả chi phí cho giáo viên...
Những khoản thu không hợp lý không chỉ tạo gánh nặng cho phụ huynh mà còn ảnh hưởng đến niềm tin vào hệ thống giáo dục. Mỗi lần các khoản thu "lạ" xuất hiện, phụ huynh không chỉ cảm thấy nặng gánh tài chính mà còn mất dần niềm tin vào trách nhiệm của các trường học trong việc quản lý và sử dụng nguồn tài chính một cách minh bạch. Vấn đề lạm thu không chỉ làm khó khăn thêm cho con đường học tập của học sinh mà còn đe dọa làm xói mòn lòng tin của xã hội đối với giáo dục.
Mập mờ các khoản thu tự nguyện
Quy định thì đã có, nhưng tình trạng lạm thu đầu năm học vẫn là câu chuyện gây bức xúc. Nhiều phụ huynh không chỉ đối mặt với các khoản thu “lạ” mà còn bị đặt vào tình thế “sự đã rồi” khi đối mặt với hàng loạt khoản thu tự nguyện, nhưng lại không rõ ràng về bản chất và tính hợp lý của chúng.
Chị Thu Quỳnh, một phụ huynh có con học tại một trường mầm non ở Hà Nội, chia sẻ rằng ngay từ lớp mầm, nhà trường đã triển khai môn học “kỹ năng sống” với mức phí 100.000 đồng/tháng, nhưng cho đến năm thứ ba, gia đình chị vẫn chưa hiểu được cụ thể chương trình dạy những gì. Theo chị Quỳnh, môn học này chỉ xoay quanh những kỹ năng cơ bản như không đi theo người lạ hay nhận biết đèn xanh, đèn đỏ khi ra đường, những điều mà giáo viên lớp hoàn toàn có thể hướng dẫn. Tuy nhiên, nhà trường lại chọn liên kết với một đơn vị khác để giảng dạy và thu thêm phí từ phụ huynh.
Trường hợp khác, chị Minh Hạnh, có con học tại một trường THCS ở TPHCM, bày tỏ rằng mặc dù nhà trường luôn gửi danh sách các khoản thu đầu năm, nhưng không nêu rõ khoản nào là bắt buộc, khoản nào là tự nguyện. Mức thu gần 3 triệu đồng cho các chương trình ngoài giờ chính khóa khiến chị choáng váng, và khoản này chưa bao gồm các chi phí như đồng phục, sách giáo khoa, và các tài liệu học tập khác. Mặc dù quy trình thu được thông báo là đúng theo quy định, điều phụ huynh cần là sự minh bạch và hiệu quả của những chương trình này.
Trước tình hình lạm thu diễn ra hàng năm, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, thừa nhận rằng tình trạng này gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường giáo dục. Ông Hiếu cho biết, bản thân ông rất buồn và xấu hổ khi để xảy ra những từ ngữ “phản cảm” như lạm thu, và nhấn mạnh rằng Sở GDĐT TPHCM sẽ quyết liệt xử lý những trường hợp sai phạm. Ông cam kết, nếu có hiệu trưởng nào vi phạm quy định, sẽ có biện pháp xử lý nghiêm minh, kể cả đình chỉ chức vụ nếu cần thiết. Đồng thời, ông yêu cầu các trường không được phát sinh thêm bất kỳ khoản thu nào ngoài danh mục quy định của Sở.
Năm học này, Sở GDĐT TPHCM cũng đã yêu cầu gần 2.000 trường học trên địa bàn phải công khai thông tin về các khoản thu, chi tài chính, lương giáo viên, và các khoản thu khác đối với học sinh. Sự công khai này nhằm đảm bảo tính minh bạch và giúp phụ huynh dễ dàng theo dõi, giám sát hoạt động thu chi trong trường học.
Nguyên nhân do đâu?
Theo nhiều chuyên gia, để tình trạng lạm thu trong giáo dục diễn ra nhiều năm qua, trách nhiệm lớn nhất phải thuộc về người đứng đầu cơ sở giáo dục.
GS Nguyễn Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện Triết học (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhấn mạnh rằng, việc giám sát và xử lý tình trạng lạm thu cần được cơ quan quản lý giáo dục chú trọng hơn. Hiệu trưởng các trường cần chịu trách nhiệm chính trong việc giải quyết vấn đề thu chi không hợp lý và đảm bảo tính tự nguyện của phụ huynh khi tham gia các hoạt động xã hội hóa giáo dục.
Tuy nhiên đó không phải là nguyên nhân duy nhất khiến tình trạng lạm thu ngày càng nhức nhối, trong đó phải đánh giá lại vai trò mờ nhạt của hội phụ huynh trong việc giám sát các khoản thu. Theo PGS.TS Trần Hậu - Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học giáo dục thuộc UBTƯ MTTQ Việt Nam, hội phụ huynh tại nhiều trường học hoạt động chưa chặt chẽ và thiếu quy chế cụ thể, dẫn đến việc thiếu kiểm soát nguồn thu, chi. Trong khi đó, vai trò của hội phụ huynh là đồng hành cùng nhà trường, giúp hỗ trợ học sinh và là cầu nối giữa nhà trường và gia đình.
Phó Giáo sư Trần Hậu cho rằng, nếu hội phụ huynh phát huy đúng và đủ vai trò của mình, thì việc giám sát các khoản thu, nhất là các môn học tự chọn, sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, ông Hậu đề nghị, ngoài việc công khai minh bạch, nhà trường cần chứng minh hiệu quả của các môn học trước khi yêu cầu phụ huynh đóng góp, và chỉ nên tổ chức các lớp tự nguyện sau giờ chính khóa thay vì áp đặt vào giờ học chính.
Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khiến lạm thu vẫn tiếp diễn là do thiếu kênh thông tin phản ánh từ phụ huynh. Theo TS Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục, hiện nay phụ huynh vẫn ngại "ra mặt" khi phản ánh các khoản thu không hợp lý. Mặc dù có thể họ bày tỏ bức xúc trên mạng xã hội, nhưng khi được yêu cầu viết đơn hoặc trả lời phỏng vấn, họ thường từ chối vì lo ngại con cái bị ảnh hưởng. TS Hương cho rằng, nếu phụ huynh mạnh dạn hơn trong việc đấu tranh với các khoản thu vô lý, tình trạng lạm thu sẽ giảm bớt đáng kể.
Quyết liệt chống lạm thu
Rút kinh nghiệm từ những năm học trước, năm học 2024-2025 chứng kiến sự thay đổi đáng kể trong việc triển khai các khoản thu tại nhiều địa phương. Đặc biệt tại TPHCM, Nghị quyết 13/2024/NQ-HĐND được ban hành vào tháng 7 năm 2024 thay thế Nghị quyết 04/2023/NQ-HĐND nhằm tinh gọn danh sách các khoản thu và quy định mức thu tối đa. Theo quy định mới, chỉ có 9 khoản thu được quy định mức thu tối đa, còn lại các khoản khác do trường học tự xây dựng dự toán, với điều kiện không vượt quá 15% so với mức thu của năm học trước. Sở GDĐT TPHCM cũng đã chỉ đạo UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về các khoản thu đầu năm, đảm bảo các khoản thu này phải được thực hiện sau khi có văn bản chỉ đạo.
Tại Hà Nội, Sở GDĐT thành phố cũng đã có những chỉ đạo tương tự, yêu cầu các trường tuyệt đối không được thu những khoản ngoài quy định và phải công khai minh bạch mọi khoản thu chi. Theo Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương, Hà Nội hiện có trên 2.900 trường mầm non, phổ thông; tăng 39 trường so với cùng kỳ năm học trước với gần 2,3 triệu học sinh, gần 130.000 giáo viên. Trước khi bước vào năm học mới, nhằm tăng cường công tác quản lý thu, chi, Sở GDĐT Hà Nội đề nghị các trường tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT.
Cụ thể, ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh. Không được thu 7 khoản sau: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng học tập cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Tương tự, tại tỉnh Bạc Liêu, Sở GDĐT đã chỉ đạo các trường học tuân thủ nghiêm ngặt Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về mức thu học phí và các khoản thu ngoài học phí. Trong đó, Sở cũng nhấn mạnh rằng mọi khoản thu phải được thống nhất với phụ huynh học sinh, nhằm tránh tình trạng phụ huynh bị ép buộc chi trả những khoản không cần thiết.
Những văn bản hướng dẫn chi tiết từ các sở GDĐT là cần thiết, nhưng điều quan trọng hơn là cần thực thi các quy định này một cách nhất quán và hiệu quả. Vì thế các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, và có những biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các trường vi phạm.
Để không còn tình trạng lạm thu đầu năm học mới, việc phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường luôn là điều cần thực hiện. Thông qua các cuộc họp phụ huynh và các kênh truyền thông, phụ huynh có thể trao đổi ý kiến và hợp tác với nhà trường nhằm đảm bảo sự minh bạch trong các khoản thu chi. Cùng với đó là chủ động tham gia vào quá trình giám sát các khoản thu chi trong trường học. Phụ huynh cần phải nắm rõ các khoản thu hợp pháp và không hợp pháp, để tránh dẫn đến tình trạng vô tình chấp nhận những khoản thu không cần thiết. Thông qua các cuộc họp phụ huynh và các kênh truyền thông, phụ huynh có thể trao đổi ý kiến và hợp tác với nhà trường nhằm đảm bảo sự minh bạch trong các khoản thu chi. Cùng với đó là chủ động tham gia vào quá trình giám sát các khoản thu chi trong trường học.
Bên cạnh đó, cần mạnh dạn lên tiếng khi phát hiện những dấu hiệu lạm thu. Việc im lặng và chấp nhận vô điều kiện không chỉ gây tổn thất tài chính cho chính họ mà còn làm gia tăng tình trạng lạm thu tại các trường học.
Việc tạo ra một môi trường giáo dục minh bạch, công bằng và không lạm thu không chỉ mang lại lợi ích cho phụ huynh và học sinh, mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Việc chống lạm thu trong thời gian tới cần được thực hiện một cách quyết liệt và đồng bộ, để mỗi năm học mới thực sự là niềm vui và không trở thành gánh nặng cho bất kỳ ai.
Giáo sư, tiến sĩ Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, bày tỏ quan ngại về tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục. Ông ví von vấn đề này như một "điệp khúc" lặp đi lặp lại mỗi năm học mới.
Theo ông Dong, dù đã có các biện pháp và quy định cụ thể, lạm thu vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt qua ban đại diện cha mẹ học sinh. Gốc rễ của vấn đề nằm ở sự tự giác và sự trong sạch của những người đứng đầu nhà trường, vì chỉ khi họ thực sự minh bạch và tuân thủ quy định, lạm thu mới có thể chấm dứt.
Giáo sư Phạm Tất Dong cho rằng, ngăn chặn lạm thu không chỉ dừng lại ở việc ban hành quy định mà còn cần cơ chế quản lý chặt chẽ, nhằm đảm bảo các trường tuân thủ đúng theo quy định. Dù các cơ quan quản lý yêu cầu các trường phải công khai các khoản thu, nhưng nhiều trường vẫn có thể tìm cách "lách luật" nếu không có sự kiểm tra và giám sát chặt chẽ từ phía quản lý. Do đó, vấn đề không chỉ là đưa ra biện pháp, mà còn cần tổ chức và thực thi chúng một cách hiệu quả, nhằm đảm bảo tính minh bạch và công khai trong các hoạt động thu chi.
Ngoài ra, cần rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thu, chi trong nhà trường. Các khoản quỹ phụ huynh phải được quy định mức thu trần và mang tính tự nguyện, tránh tình trạng ép buộc phụ huynh đóng các khoản không hợp lý. Cùng với đó, các khoản tài trợ và xã hội hóa trong nhà trường cần có cơ chế hoạt động riêng, với sự quản lý rõ ràng để tránh bị lạm dụng.
“Vai trò quan trọng thuộc về người đứng đầu các cơ sở giáo dục trong việc ngăn chặn lạm thu. Nếu không có sự khởi xướng hoặc dung túng từ phía hiệu trưởng, giáo viên sẽ khó lòng tự ý đề ra các khoản thu vô lý. Nếu có dư luận không tốt về việc nhà trường yêu cầu phụ huynh đóng các khoản tiền tăng cường mà không dựa trên tinh thần tự nguyện, các cơ quan quản lý giáo dục cần nhanh chóng vào cuộc xử lý. Nếu phát hiện có sự ép buộc, cần truy cứu trách nhiệm người đứng đầu và áp dụng hình thức xử phạt nghiêm khắc để răn đe các trường hợp tương tự”, ông Dong nói.
Cùng với đó, ông Dong cũng nhận định rằng, chưa có các chế tài xử phạt đủ mạnh khiến tình trạng lạm thu đầu năm học luôn xảy ra và gây ra mâu thuẫn giữa phụ huynh và nhà trường. Vì vậy, ngoài việc tăng cường giám sát, cơ quan quản lý giáo dục cần có các biện pháp xử lý nghiêm khắc để làm gương cho các cơ sở khác, đồng thời tạo ra môi trường giáo dục minh bạch, không gây áp lực tài chính cho phụ huynh và học sinh.
“Chỉ khi có sự quyết tâm và cam kết từ các cơ quan quản lý, cùng với việc thực thi nghiêm túc các quy định, mới có thể giải quyết triệt để tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục. Việc xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục vi phạm sẽ là biện pháp cần thiết để ngăn chặn và giải quyết dứt điểm vấn đề này”, ông Dong nhấn mạnh.