Thời tiết cực đoan ngày càng nghiêm trọng
Những ngày qua, trong khi nhiều quốc gia Trung Âu và châu Á đối mặt với những trận bão lũ dữ dội, thì tại nhiều vùng của châu Mỹ sự cực đoan của thời tiết cũng rất ghê gớm.
Theo Bloomberg, biến đổi khí hậu khiến thiên tai trở nên khắc nghiệt hơn, là vấn đề không của riêng quốc gia nào. Nếu các hiện tượng thời tiết cực đoan và thảm họa do biến đổi khí hậu trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn thì tới năm 2030 dự báo khoảng 50 triệu người dân Mỹ sẽ phải sơ tán khỏi nơi sinh sống.
Các nhà nghiên cứu khí tượng Mỹ dẫn chứng, tại Mỹ, tuần qua nếu như vùng Charlotte xảy ra lũ lụt thì ngược lại thành phố Houston ở bang Texas lại bị bão tàn phá. Trong khi thành phố Phoenix lại "nóng như lò nung đang hoạt động".
Một bài báo trên CNBC dẫn ý kiến các nhà kinh tế cho biết biến đổi khí hậu đã và đang tác động đến tài chính của hầu hết người dân Mỹ. Theo đó, một người Mỹ nếu được sinh ra trong năm 2024 này có thể phải trả khoảng 500.000 USD trong suốt cuộc đời do tác động tài chính của biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, Cơ quan Thời tiết quốc gia Hoa Kỳ (NWS) cho biết, nhiệt độ cao có lúc lên tới gần 50 độ C đã làm tăng nguy cơ xảy ra nhiều vụ cháy.
Trải dài từ bờ biển Thái Bình Dương đến những ngọn núi phía tây bắc Los Angeles, bao gồm một số khu vực của quận Santa Barbara và quận Ventura đã cảnh báo "đỏ". Đó là mức cảnh báo cao nhất được NWS đưa ra.
Trong khi đó, chính quyền nhiều địa phương liên tục khuyến nghị người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh các bệnh liên quan đến nhiệt, đặc biệt là người lớn tuổi, trẻ nhỏ, người mang thai và những người mắc bệnh mãn tính có nguy cơ cao bị ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe do nhiệt độ khắc nghiệt.
Nhà nghiên cứu thời tiết Michel Deaff tại California nói với Bloomberg rằng những hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra ở nước Mỹ ngày càng dày đặc hơn. “Những trận bão đại dương đem theo mưa lớn kéo dài trút xuống vùng ven biển lẫn các thành phố nằm sâu trong lục địa. Ở nơi khác thì bầu không khí lại bị nung nóng khiến các dòng sông, các hồ nước khô cạn. Những cánh rừng bốc cháy khiến bầu khí quyển trở nên ngột ngạt và ô nhiễm vì khói. Đó là những gì đang diễn ra rất nguy hiểm mà chưa thấy điểm dừng” - TS M.Deaff nói.
Trong khi đó, tại Brazil, lực lượng cứu hỏa của quốc gia này đã phải chiến đấu với những vụ cháy rừng trên diện rộng, kể cả các vụ cháy tại Công viên Quốc gia - khu bảo tồn thiên nhiên nằm ngay bên ngoài thủ đô Brasilia. Thủ đô của Brazil đã phải trải qua 145 ngày không có mưa, đó là kỉ lục ghi nhận trong vòng 50 năm.
Đại diện Viện Bảo tồn đa dạng sinh học Chico Mendes - đơn vị chịu trách nhiệm quản lý các công viên quốc gia của Brazil cho biết, khoảng 1.200ha đã bị cháy rừng thiêu rụi tại công viên rộng 30.000ha này. Để đối phó, Thẩm phán Tòa án tối cao Brazil Flavio Dino cho phép chính phủ vượt quá giới hạn chi tiêu hiện hành để tài trợ cho cuộc chiến chống lại "đại dịch cháy rừng". "Chúng ta không thể từ chối viện trợ tối đa và hiệu quả với lý do tuân thủ một quy tắc tài chính không có trong Hiến pháp" - ông Dino nói.
Trong khi đó, Viện Nghiên cứu không gian quốc gia Brazil cho biết, có tới 55.517 trận cháy rừng đã được ghi nhận vào tháng 9/2024 (tính từ đầu năm tới ngày 21/9), tăng so với 46.498 vụ trong cùng kỳ năm 2023. Khói từ những đám cháy rừng đã bao phủ hai thành phố Sao Paulo và Rio de Janeiro, điều rất ít khi xảy ra trước đây.
Giới chức Brazil cho rằng hành động bất cẩn của con người đã dẫn đến phần lớn số vụ cháy rừng trong thời gian gần đây, đặc biệt thường liên quan đến hoạt động nông nghiệp. Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn là do hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm qua ở đất nước này.
Nói với truyền thông, bà Maria Carmo, cư dân thành phố Sao Paulo cho rằng không thể nói một cách đơn giản là thời tiết ngày một cực đoan hơn và chúng ta phải tìm cách sống chung. Không nên nói với dân chúng rằng đó là điều tất yếu và phải chịu đựng, mà cần phải hành động. “Những đám khói khổng lồ do cháy rừng che phủ nền trời thì không thể đợi nó tự bay đi, mà quan trọng là phải giữ cho những cánh rừng không bị bốc cháy” - bà Carmo nói.
Còn Ana Paula Cunha - nhà nghiên cứu hạn hán cho rằng hạn hán và cháy rừng bắt đầu từ mùa hè năm 2023 tới nay là tồi tệ nhất tại Nam Mỹ, tính từ năm 1950. "Khói do cháy rừng khiến người ta có cảm giác giống như đám mây hình nấm nguyên tử. Khoảng 9 triệu km2 Nam Mỹ bị khói bao phủ, chiếm hơn một nửa lục địa" - chuyên gia Cunha cho biết.
Dữ liệu vệ tinh do Cơ quan Nghiên cứu không gian Inpe của Brazil cho biết, có tới 346.112 điểm cháy rừng tại tất cả 13 quốc gia Nam Mỹ, vượt qua kỷ lục trước đó vào năm 2007 là 345.322 điểm nóng, nếu tính từ năm 1998. Khi các đám cháy nhiều lên đã được “tiếp sức” bởi tình trạng nóng và khô do biến đổi khí hậu gây ra. "Chúng tôi không còn biết đến thời tiết lạnh" - Karla Longo, nhà nghiên cứu về chất lượng không khí tại Inpe, nói về thời tiết ở Sao Paulo và ông cho rằng đó là điều vô lý. Trong khi đó, tại La Paz (Bolivia) hàng đoàn người biểu tình yêu cầu chính phủ hành động quyết liệt hơn trong việc kiểm soát cháy rừng. Họ cầm biểu ngữ và áp phích có nội dung "Bolivia đang bốc cháy" và "Vì không khí trong lành hơn, hãy ngừng đốt rừng".