Tăng cường kiểm tra, giám sát quảng cáo tế bào gốc chữa bệnh
Tế bào gốc được rao bán rầm rộ, công khai với lời hứa chữa trị được nhiều loại bệnh khiến người dùng như rơi vào ma trận. Tuy nhiên, người dùng nên thận trọng, không thần thánh hóa dẫn đến “tiền mất, tật mang”.
Nhiều người sử dụng tự phát
Chỉ cần vào các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, website... là ngay lập tức có hàng trăm nghìn bài viết rao bán sản phẩm từ tế bào gốc, đặc biệt là trong lĩnh vực làm đẹp. Giá các loại tế bào gốc này được giới thiệu bằng cách truyền thẳng vào tĩnh mạch từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng. Đa số được quảng cáo có thành phần nhau thai, màng ối, cuống rốn...
Thời gian qua, liệu pháp tế bào gốc không chỉ được ứng dụng trong lĩnh vực làm đẹp, nhiều cơ sở còn quảng cáo tế bào gốc chữa được bách bệnh, kể cả ung thư giai đoạn muộn. Theo TS.BS Phạm Nguyên Quý - chuyên ngành Ung thư (Đại học Kyoto, Nhật Bản), ngày nay nhiều người đến các cơ sở y tế tiêm tế bào gốc, thậm chí có trường hợp tự mua để tiêm trực tiếp vào cơ thể. Nhiều gia đình chi hàng tỷ đồng đưa người thân ra nước ngoài tiêm tế bào gốc chữa ung thư.
Theo BS Quý, tình trạng này phổ biến trong những năm gần đây, một phần do tế bào gốc được quảng cáo phóng đại, không được kiểm soát. Người bán lợi dụng tâm lý người bệnh muốn tìm liệu pháp chữa lành ung thư, ngăn ngừa tái phát hoặc khôi phục sức khỏe. Luận điểm người bán đưa ra là “điều trị bằng hóa chất sẽ tiêu diệt các tế bào khỏe nên cần bổ sung tế bào gốc để cơ thể phục hồi”.
BS Nguyễn Văn Long - Phó Giám đốc Trung tâm Tế bào gốc và di truyền (Bệnh viện Bưu điện) cho rằng, nhiều người đang lạm dụng thuật ngữ tế bào gốc, hiểu lầm giữa tế bào gốc và tinh chất hoặc dung dịch nuôi cấy tế bào gốc. Tinh chất là chất chiết ra, có thể bảo quản ở nhiệt độ thường, còn tế bào gốc thật yêu cầu một quy chuẩn nghiêm ngặt trong thu thập, xử lý, bảo quản và vận chuyển mẫu. Chưa kể, chi phí để lưu trữ tế bào gốc cũng rất cao, lên đến hàng chục triệu đồng.
Chú trọng nghiên cứu tế bào gốc
Tại Việt Nam, việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc tạo máu trong y học, điều trị các bệnh lý đã được thực hiện từ nhiều thập kỷ qua. Gần đây, tế bào gốc trung mô cũng được dùng trong điều trị thoái hóa khớp và sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng liên quan điều trị tiểu đường, phổi tắc nghẽn mạn tính, xơ gan. Hiện, Bộ Y tế cho phép sử dụng tế bào gốc điều trị một số bệnh lý về máu như suy tủy xương, ung thư máu, các bệnh về máu cần ghép tủy xương, thoái hóa khớp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD.
Cục Quản lý Dược hiện không cấp phép cho các loại sản phẩm, mỹ phẩm được chế xuất từ tế bào cơ thể người. Ngoài ra, tế bào gốc chỉ sử dụng tại các cơ sở y tế được cấp phép.
Tại hội nghị “Đảm bảo chất lượng nghiên cứu ứng dụng trị liệu tế bào và sản phẩm từ tế bào tại Việt Nam” vừa diễn ra ở TPHCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức một lần nữa nhấn mạnh, các nước phát triển hiện nay cho phép nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng trong lĩnh vực tế bào gốc. Tuy nhiên, việc ứng dụng vào điều trị được kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt bằng các quy định pháp luật.
TS Nguyễn Ngô Quang - Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết thêm, thực trạng điều trị tế bào, đặc biệt là tế bào gốc còn mang tính tự phát, nhiều nơi ứng dụng chưa đúng quy định. Đáng chú ý, nhiều quảng cáo không được kiểm chứng khoa học, có thể gây hậu quả cho người hoặc hiệu quả không rõ ràng gây tốn kém cho người sử dụng. Theo ông Quang, nhiều người Việt Nam đã đến một số quốc gia chi số tiền lớn cho trị liệu tế bào gốc, nhưng có những tình huống, thực ra là tham gia thử nghiệm lâm sàng tế bào gốc trên người, nhưng người tham gia không được biết đầy đủ.
Về quy định nghiên cứu ứng dụng tế bào tại Việt Nam, ông Quang nhấn mạnh trị liệu tế bào cần có bằng chứng khoa học chứng minh tính an toàn và hiệu quả. Bộ Y tế đặc biệt quan tâm sản phẩm cuối cùng của công nghệ tế bào, về tính an toàn, hiệu quả, tất cả vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM trăn trở trước những vi phạm thường gặp trong lĩnh vực tế bào gốc, đó là, cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh không có giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh; khám, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề; quảng cáo sai thông tin, vượt quá phạm vi chuyên môn, không có giấy xác nhận nội dung quảng cáo…Trong khi, quảng cáo tế bào gốc chữa bách bệnh, lại không phải là các cơ sở được cấp phép về khám chữa bệnh; không do Sở Y tế cấp phép.
Theo ông Dũng, việc cần làm tốt về phát hiện vi phạm, xử lý vi phạm nhằm để bảo vệ các cơ sở triển khai các liệu pháp tế bào gốc đã được cấp phép, đảm bảo thực sự có hiệu quả trong ứng dụng. Đồng thời cần tiếp tục siết chặt hoạt động thẩm định, cấp phép liên quan điều trị tế bào gốc; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
Việc “thần thánh hóa” tế bào gốc thực chất là chiêu lợi dụng nỗi sợ người bệnh để trục lợi. Hiện chưa có nghiên cứu khẳng định việc bổ sung tế bào gốc tràn lan có hiệu quả với sức khỏe, đặc biệt là chữa khỏi ung thư như quảng cáo.