Vành đai 4 TPHCM: Kết nối để phát triển
Thời gian qua, dự án đường Vành đai 3 TPHCM đang tất bật thi công với mục tiêu giảm ùn tắc kẹt xe, tăng kết nối khu vực phía Nam. Đường Vành đai 4 TPHCM (Vành đai 4) chuẩn bị được thực hiện sẽ chủ yếu hướng tới mục tiêu là kết nối, giúp mạng lưới hạ tầng giao thông vươn xa, thúc đẩy kinh tế - xã hội toàn bộ khu vực phía Nam.
Là dự án có quy mô lớn nhất ở khu vực phía Nam từng được triển khai, đường Vành đai 4 TPHCM được nhiều tỉnh thành phía Nam phối hợp lập quy hoạch thời gian qua. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất ý kiến để trình Quốc hội thông qua dự án đường Vành đai 4 trong kỳ họp vào tháng 10 tới. Với quy mô 136.000 tỷ đồng, dự án có chiều dài 207km, đi qua 5 địa phương gồm: TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Long An. Trong đó, dự án nằm chủ yếu ở địa bàn tỉnh Long An (dài 78,3km), Bình Dương (48km) và Đồng Nai (45,5km).
Đặc biệt, dù chỉ có hơn 16km đi qua địa bàn TPHCM nhưng đây lại là dự án có quy mô và vai trò to lớn trong việc thúc đẩy phát triển hạ tầng, kết nối TPHCM với các địa phương lân cận. Theo đó, đường Vành đai 4 sẽ được xây dựng với quy mô đường cao tốc loại A gồm 8 làn xe, vận tốc thiết kế từ 100km/h trở lên. Dự án sẽ không chỉ kết nối với các địa phương nêu trên mà rộng hơn, sẽ kết nối với gần như toàn bộ các trục cao tốc hiện hữu và chuẩn bị hoàn thành ở khu vực phía Nam. Ngoài ra, các sân bay, bến cảng, khu cụm công nghiệp, các thành phố vệ tinh phía Nam cũng được kết nối vào trục Vành đai 4.
Nhiều chuyên gia hạ tầng giao thông nhìn nhận tính cấp bách của dự án Vành đai 4. Dự án này không dừng lại ở vai trò giãn mật độ phương tiện mà còn mang sứ mệnh đón đầu tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài, TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Ngoài ra dự án có thể tạo ra các vùng đô thị mới có khoảng cách 40 - 70km tới trung tâm TPHCM do tính độc lập cao, nối thẳng vào các trung tâm sẵn có.
Sau một thời gian xây dựng kế hoạch, các tỉnh thành phía Nam đều có mong muốn được Trung ương hỗ trợ nhiều hơn nữa, chủ yếu là cơ chế đặc thù hiện đã áp dụng cho các dự án trên địa bàn TPHCM, bởi đây là dự án có quy mô quá lớn, tác động tới nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực, với nguồn vốn khoảng 136.000 tỷ đồng, gồm 42.554 tỷ đồng ngân sách trung ương, 33.584 tỷ đồng ngân sách địa phương và nguồn vốn xã hội hóa theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Theo ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM, đường Vành đai 4 có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế, xã hội của TPHCM và các tỉnh vùng Đông Nam bộ. Vành đai 4 có tổng mức đầu tư lớn và kỹ thuật phức tạp, đi qua nhiều địa phương nên cơ chế đặc thù về vốn; quy hoạch; khai thác khoáng sản để làm vật liệu xây dựng thông thường; trình tự thủ tục, thẩm quyền thẩm định đầu tư xây dựng các dự án; quản lý công trình sau đầu tư và một số cơ chế khác... là rất cần thiết.