Kinh tế

BSR tích cực giảm phát thải khí nhà kính

Thanh Hiếu 23/09/2024 09:53

Trước xu hướng chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã có những thích ứng nhanh chóng, đặc biệt là trong giảm phát thải khí nhà kính.

Thích ứng nhanh trước xu hướng mới

Là một đơn vị chủ lực ở khâu hạ nguồn của Petrovietnam, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đang tích cực thực hiện các giải pháp giảm phát thải.

Ngày 7/1/2022, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định lộ trình, phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Theo đó, đến năm 2030, tổng giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là 563,8 triệu tấn CO2. Trong đó, Bộ Công Thương sẽ giảm 268,5 triệu tấn, Bộ Giao thông Vận tải giảm 37,5 triệu tấn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giảm 129,8 triệu tấn, Bộ Xây dựng giảm 7,4,3 triệu tấn và Bộ Tài nguyên và Môi trường là 53,7 triệu tấn CO2.

436-202409222146421.png
Toàn cảnh NMLD Dung Quất.

Petrovietnam cũng khẩn trương hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Theo đánh giá của Ban Chiến lược Petrovietnam, quá trình phát thải ròng bằng 0 sẽ dựa vào các trụ cột chính như sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, năng lượng tái tạo, điện khí hóa, nhiên liệu sinh học, hydrogen và nhiên liệu gốc hydrogen, thu hồi và lưu trữ CO2 (CCUS) và thay đổi hành vi…

Với vai trò là đơn vị chủ lực khâu hạ nguồn của Petrovietnam, BSR đã nhanh chóng có những biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu sản xuất năng lượng xanh trong tương lai gần.

Nghị quyết số 5150 do Hội đồng quản trị BSR ban hành đã đề ra những mục tiêu cụ thể hướng tới tiêu chí phát triển xanh và bền vững, phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng. BSR xác định đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước và tham gia tích cực trong thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Để thực hiện, BSR đề ra mục tiêu bảo đảm vận hành an toàn ổn định, liên tục và hiệu quả ở công suất tối ưu. Đồng thời đẩy mạnh tối ưu hóa công suất, hiệu suất các sản phẩm có giá trị cao, tổn thất dầu thô và sản phẩm trong quá trình vận chuyển và bơm rót, tiêu hao năng lượng, chi phí. Mặt khác, BSR sẽ đa dạng hóa nguồn dầu thô để bảo đảm nguồn cung và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; nghiên cứu phương án chế biến nguyên liệu trung gian và sản xuất các sản phẩm có giá trị tùy thuộc vào điều kiện thực tế của từng giai đoạn.

Theo thống kê trong những năm qua, tình hình phát thải khí CO2 của Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất trung bình nằm ở mức hơn 1,6 triệu tấn. Trong đó, 2 phân xưởng có mức phát thải cao nhất là RFCC và Boilers; lần lượt trung bình nằm ở mức 910,421 tấn CO2 và 423,729 tấn CO2.

Để góp phần vào mục tiêu giảm phát thải hơn 563 triệu tấn CO2 của Việt Nam vào năm 2030 và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, BSR đã định hướng lộ trình giảm phát thải theo từng giai đoạn.

Giai đoạn 2023-2025, BSR kiểm kê khí nhà kính và xây dựng, thẩm định kế hoạch giảm nhẹ khí nhà kính đến năm 2030 cho NMLD Dung Quất. Đồng thời thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh của BSR, đề xuất phương án trồng rừng và đăng ký chương trình theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon.

436-202409222146422.png
Việc cải tiến công nghệ tại phân xưởng RFCC là một trong những giải pháp giảm phát thải khí nhà kính của BSR.

Đến giai đoạn 2023-2030, BSR triển khai các giải pháp cải tiến công nghệ, trồng rừng, phát triển năng lượng tái tạo giai đoạn I để giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đến năm 2030. BSR sẽ thực hiện giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2028, xác định hạn ngạch phát thải và kế hoạch thực hiện của BSR đến 2050. Giai đoạn cuối của lộ trình 2030-2050, BSR triển khai các giải pháp cải tiến công nghệ, trồng rừng, phát triển năng lượng giai đoạn II để giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đến năm 2050 và thực hiện giao tín chỉ carbon.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Để thực hiện được lộ trình này, BSR triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đó là tối ưu vận hành (giảm 2-5%); nâng cấp và cải tiến thiết bị, công nghệ (giảm 15-20%); thu hồi CO2 (giảm từ 30%) và trồng rừng, sử dụng năng lượng tái tạo (giảm 50%). Theo báo cáo của NMLD Dung Quất, các nhóm giải pháp giảm thải CO2 sẽ giảm khoảng 50% lượng phát thải CO2 tại các phân xưởng, nhà máy và 50% còn lại sẽ bổ sung bằng năng lượng tái tạo, trồng rừng và hydro xanh. Lộ trình giảm thải CO2 của BSR đang được tiến hành nghiên cứu, xem xét và tiếp tục làm việc với các nhà tư vấn quốc tế, nhà bản quyền công nghệ để đánh giá tính khả thi của các giải pháp và hoàn thiện lộ trình.

Song hành cùng các giải pháp đã đề ra, BSR cũng thực hiện nhiều giải pháp khác để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu. Trong đó, về giải pháp về đào tạo và khoa học công nghệ, BSR sẽ thực hiện việc tăng cường và phát huy sáng kiến cải tiến khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phấn đấu đăng ký và triển khai tối thiểu 1.500 đề tài và sáng kiến hợp lý hóa sản xuất trong giai đoạn 2021-2025; triển khai xây dựng Trung tâm Phát triển lọc hóa dầu để tăng cường công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D). BSR cũng đẩy mạnh đào tạo chuyên sâu cho các nhân sự và trao đổi kinh nghiệm với các nhà máy trong lĩnh vực lọc hóa dầu trong và ngoài nước; triển khai đề án xây dựng đội ngũ chuyên gia, tiêu chuẩn chức danh, định hướng phát triển và bảo đảm năng lực cho từng vị trí cho đơn vị.

Ở góc độ pháp lý, hướng đến cam kết tại COP26, BSR sẽ thường xuyên cập nhật các quy định của luật pháp Việt Nam để có các giải pháp phù hợp, bảo đảm tuân thủ các yêu cầu về an toàn và bảo vệ môi trường. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, BSR sẽ hoàn thiện và vận hành hiệu quả hệ thống quản lý An toàn - Sức khỏe - Môi trường trong toàn công ty. Đồng thời kiểm tra, kiểm soát theo đúng quy định, không ngừng cải thiện điều kiện, môi trường lao động và bảo đảm sức khỏe người lao động mà trong đó đặt trọng tâm là chương trình thẻ SAO (Safety Action Observation). Bên cạnh đó, BSR thực hiện tăng cường công tác giáo dục quốc phòng - an ninh, thường xuyên quán triệt các nghị quyết, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác quốc phòng - an ninh; phối hợp với các cấp chính quyền Trung ương và địa phương, các bộ, ngành thực hiện tốt việc bảo vệ, bảo đảm an ninh cho công trình trọng điểm an ninh quốc gia là NMLD Dung Quất, đặc biệt trong giai đoạn nâng cấp mở rộng nhà máy.

Thanh Hiếu