Phấn đấu xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương xứng tầm
Theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á.
Dân được hưởng chất lượng cuộc sống cao
Chiều 19/9, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức họp báo thông tin về Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xúc tiến đầu tư và truyền thông, quảng bá Top 1 ICF. Ông Võ Anh Tuấn - Chánh Văn phòng UBND tỉnh; ông Phạm Trọng Nhân - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; ông Giang Quốc Dũng - Phó tổng Giám đốc Tổng công ty Becamex IDC cùng chủ trì buổi họp.
Thông tin tại đây, ông Võ Anh Tuấn cho biết, ngày 3/8/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 790/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo ông Tuấn, Bình Dương kỳ vọng thông qua các sự kiện quan trọng sẽ diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Bình Dương dự kiến sẽ diễn ra ngày 26/9/2024 tới đây, tỉnh có thể huy động tối đa các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế, phấn đấu thực hiện hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân.
Mục tiêu của tỉnh đưa ra đến năm 2030, Bình Dương dẫn đầu về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, môi trường sinh thái được bảo vệ.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 10%/năm, GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 15.800 USD; cơ cấu kinh tế năm 2030, ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 64%, ngành dịch vụ chiếm 28%, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2%; tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GRDP.
Dân số đến năm 2030 đạt 4,04 triệu người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 87%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt trên 80%; số bác sĩ trên 10.000 dân đạt 19 bác sĩ; đạt 35 giường/10.000 dân; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế trên 95%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới dưới 1%.
Tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng Bình Dương trở thành trung tâm đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại, mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, dịch vụ, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao; người dân được hưởng thụ chất lượng cuộc sống cao, có mức thu nhập tương đương các nước phát triển.
Tạo đột phá cho công nghiệp
Đáng chú ý, trong sự kiện công bố quy hoạch tỉnh Bình Dương cũng sẽ tổ chức động thổ và khởi động dự án trọng điểm là KCN Cây Trường (thị trấn Lai Uyên và xã Cây Trường II, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương) do Tổng công ty Becamex IDC làm chủ đầu tư.
Ông Giang Quốc Dũng - Phó tổng Giám đốc Tổng công ty Becamex IDC đánh giá, đây là dự án được mong đợi ở Bình Dương trong những năm qua, nhằm tiếp tục tạo mặt bằng sạch thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước rót vốn xây dựng các nhà máy. Bên cạnh đó, tạo hạ tầng đón nhà máy di dời phía Nam Bình Dương lên.
Dự án KCN được HĐND tỉnh Bình Dương thông qua đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỉ lệ 1/2.000 vào tháng 11/2023. Theo đồ án được thông qua, KCN Cây Trường có diện tích lập quy hoạch rộng khoảng 700ha, quy mô lao động khoảng 35.000 người. KCN Cây Trường được xác định là KCN tập trung, đa ngành với các loại hình công nghiệp thu hút các dự án đầu tư có các ngành nghề theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đối với Vòng xoay A1, hay còn gọi là “vòng xoay 7ha” tại thành phố mới Bình Dương được định hướng là đầu mối phát triển đô thị, có nhà ga metro kết nối với TPHCM, Chánh văn phòng UBND tỉnh cho hay, sự kiện công bố quy hoạch tỉnh gắn với trao chứng nhận đầu tư và khởi công nhiều dự án lớn, trong đó có vòng xoay 7ha. Dự án vòng xoay này gồm nhiều hạng mục như: các trung tâm thương mại dịch vụ, nhà thi đấu đa năng, quảng trường và nhà ga của tuyến metro.
Ông Giang Quốc Dũng - đại diện chủ đầu tư thông tin, nhà ga tại vòng xoay 7ha sẽ đồng bộ với việc "nối dài" tuyến metro từ TPHCM về Bình Dương. Hiện tuyến metro nối dài từ TPHCM về Bình Dương đang được các cơ quan chức năng Việt Nam và chuyên gia Nhật Bản nghiên cứu, nhưng về cơ bản điểm cuối sẽ kết nối với nhà ga tại vòng xoay 7ha. Các dự án tại vòng xoay này được thực hiện theo mô hình TOD, nghĩa là phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng.
Dự án vòng xoay 7ha sẽ được thi công trong vòng 18 tháng, tổng mức đầu tư khoảng 2.400 tỉ đồng. Hiện nay khu vực dự án đã được ép cọc để chuẩn bị khởi công.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, tỉnh sẽ có thêm 10 khu công nghiệp mới đến năm 2030. Trong số này, hai khu tại huyện Bắc Tân Uyên và TP Tân Uyên sẽ được đầu tư trong hai năm tới, tổng diện tích 1.000 ha. 8 khu còn lại bố trí tại các huyện Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng và Phú Giáo, diện tích trên 6.000 ha.
Đến nay, các khu công nghiệp tại Bình Dương đã thu hút trên 3.130 dự án, trong đó dự án FDI chiếm gần 80%, với tổng vốn đăng ký 29,7 tỷ USD. 682 dự án đầu tư trong nước gần 95.000 tỷ đồng (khoảng 3,8 tỷ USD). Theo quy hoạch tỉnh đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát triển các khu công nghiệp mới là tiền đề quan trọng để địa phương này thu hút ngành nghề công nghệ cao.