Sử dụng nguồn lực đúng mục đích, hiệu quả, không để xảy ra thất thoát, tiêu cực
Đó là yêu cầu của ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tại cuộc họp trực tuyến giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam với 26 tỉnh, thành phố về công tác hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, chiều nay 23/9.
Chủ trì cuộc họp có bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Hoàng Công Thủy, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Tham dự cuộc họp có các Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Nguyễn Hữu Dũng, Tô Thị Bích Châu cùng hơn 300 đại biểu tại 26 điểm cầu của các tỉnh, thành phố bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cơn bão số 3 có cường độ rất mạnh, lớn nhất đổ bộ trực tiếp vào nước ta trong vòng 30 năm qua. Mưa lớn kéo dài gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại hầu hết các tỉnh vùng núi và trung du Bắc bộ, nhất là tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên … Mưa lũ đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho các địa phương. Tổng thiệt hại kinh tế ban đầu ước tính khoảng trên 60 ngàn tỷ đồng.
Để tiếp tục thực hiện công tác vận động, hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại được kịp thời, đúng với chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và đúng quy định của pháp luật, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức cuộc họp trực tuyến với Ban Thường trực và Ban Vận động Cứu trợ của 26 địa phương bị thiệt hại, trong đó có mời lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố để nghe báo cáo, phản ánh về công tác vận động, tiếp nhận và việc quản lý, sử dụng các nguồn mà MTTQ Việt Nam đã phân bổ, phản ánh rõ những khó khăn vướng mắc và các kiến nghị đề xuất có liên quan.
Tại cuộc họp, đại biểu tham dự đã cùng tập trung thảo luận, đề xuất hướng giải quyết để nguồn lực ủng hộ đến với đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 một cách nhanh nhất, kịp thời nhất và theo đúng quy định của pháp luật
Từ ý kiến của đại biểu tham dự cuộc họp, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến trân trọng ghi nhận, cảm ơn tấm lòng hảo tâm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, người dân ở trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài, bạn bè quốc tế đã ủng hộ người dân bị thiệt hại do cơn bão số 3; đồng thời hoan nghênh các Ban tham mưu, bộ phận nghiệp vụ, Ban Vận động cứu trợ Trung ương đã nỗ lực, chỉ đạo kịp thời triển khai thực hiện công tác tiếp nhận, đẩy mạnh tuyên truyền, tổng hợp và phân bổ nguồn lực hỗ trợ theo đúng tinh thần của Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bênh hiểm nghèo.
“Đây là những khoản tiền ủng hộ mang nặng nghĩa tình của đồng bào, đồng chí cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, chúng ta phải có trách nhiệm sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, không lãng phí và không để xảy ra tiêu cực”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị, Ban Vận động Cứu trợ Trung ương tiếp tục căn cứ vào mức độ thiệt hại của các địa phương và khẩn trương họp Ban Vận động Cứu trợ Trung ương để tiếp tục phân bổ nguồn lực tiếp nhận ủng hộ này về các địa phương nhằm hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 nhanh nhất, kịp thời nhất.
Nhấn mạnh tới việc công khai, minh bạch tới đối tượng được thụ hưởng, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề cập tới 4 nguyên tắc trong việc phân bổ nguồn lực hỗ trợ:
Thứ nhất, phân bổ hỗ trợ phải kịp thời, đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả.
Thứ hai, việc hỗ trợ phải đảm bảo công khai, minh bạch trực tiếp đến người thụ hưởng.
Thứ ba, Ban Vận động Cứu trợ các tỉnh, thành phố không hỗ trợ trùng lặp. Theo đó, một người không được hưởng 2 lần/1 nội dung hỗ trợ (Khi sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước thì không dùng nguồn lực vận động ủng hộ để hỗ trợ).
Thứ tư, bám sát nội dung Nghị định số 93/2021/NĐ-CP về phân bổ nguồn lực hỗ trợ, cần tập trung ưu tiên: Hỗ trợ gia đình có người chết, người mất tích, người bị thương theo đúng văn bản hướng dẫn; Hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân bị mất nhà, mất tài sản. Đối với những người mất toàn bộ tải sản, không có nguồn thu nhập thì khuyến khích hỗ trợ tối đa trong 3 tháng theo mức 15kg gạo/người/tháng; hỗ trợ thuốc và khám chữa bệnh đối với những người không có thu nhập; Hỗ trợ làm nhà ở cho những hộ dân bị sập đổ, thiệt hại hoàn toàn, nhà ở bị hư hỏng nặng, hộ phải sửa chữa về nhà ở; Hỗ trợ cho học sinh nghèo khó khăn do ngập lụt mất hết sách vở, dụng cụ học tập; Hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất, thông qua việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi.
Về định mức hỗ trợ, đối với nhà sập đổ hoàn toàn, mức hỗ trợ tối thiểu là 50 triệu đồng/hộ, bằng với mức xây dựng nhà đại đoàn kết đang triển khai. Đối với việc hỗ trợ sửa chữa nhà ở, mức tối thiểu là 25 triệu đồng/hộ.
“Mức hỗ trợ cụ thể do Ban Vận động Cứu trợ tỉnh phối hợp UBND tỉnh và xin ý kiến cấp có thẩm quyền quyết định mức hỗ trợ và thông báo với HĐND biết để giám sát trong quá trình thực hiện”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nêu rõ.
Đề cập tới thời gian tiếp nhận ủng hộ, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, theo Nghị định số 93/2021/NĐ-CP, sau 90 ngày kể từ ngày phát động, Ban Vận động Cứu trợ từ Trung ương đến địa phương sẽ đóng tài khoản tiếp nhận ủng hộ. Như vậy, tài khoản tiếp nhận ủng hộ đồng bào bị thiệt hại bởi cơn bão số 3 sẽ đóng vào ngày 9/12/2024; chậm nhất là đến hết ngày 31/12/2024 các địa phương sẽ tiến hành phân bổ xong nguồn lực.
“Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu xảy ra vướng mắc và cần có hướng dẫn thì các tỉnh, thành phố phản ánh bằng văn bản gửi về Ban Vận động Cứu trợ Trung ương - UBTƯ MTTQ Việt Nam”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nêu rõ và cho biết Ban Vận động Cứu trợ Trung ương sẽ có trách nhiệm giải đáp kịp thời, đảm bảo thời gian, tiến độ thực hiện.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị, Ban Vận động Cứu trợ các tỉnh, thành phố sau khi tiếp nhận nguồn lực phân bổ thường xuyên báo cáo về Ban Vận động Cứu trợ Trung ương định kỳ 10 ngày/lần đến khi kết thúc việc sử dụng nguồn lực phân bổ (ngày 30/12/2024). Bên cạnh đó các tỉnh, thành phố cần tiếp tục bám sát các văn bản liên quan để phân bổ nguồn lực ủng hộ theo đúng quy định của pháp luật để giúp đỡ người dân một cách nhanh nhất, kịp thời nhất và không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực.