Bảo đảm nguồn thu ngân sách, khắc phục tình trạng chuyển giá
Ngày 23/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi.
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, dự thảo Luật Thuế TNDN sửa đổi gồm 4 Chương, 20 Điều. Cụ thể như sau: Chương I. Những quy định chung, gồm 5 Điều (từ Điều 1 đến Điều 5); Chương II. Căn cứ và phương pháp tính thuế, gồm 6 Điều (từ Điều 6 đến Điều 11); Chương III. Ưu đãi thuế TNDN, gồm 7 Điều (từ Điều 12 đến Điều 18); Chương IV. Điều khoản thi hành, gồm 2 Điều (Điều 19 và Điều 20).
Về người nộp thuế, theo ông Tuấn, Luật quy định chi tiết về các đối tượng người nộp thuế là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp trên cơ sở luật hóa quy định đang được thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật. Quy định rõ thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam đối với doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, bao gồm cả thu nhập từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo các hình thức kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, không phụ thuộc vào địa điểm tiến hành kinh doanh.
Bên cạnh đó, Luật bổ sung quy định việc tuân thủ điều ước quốc tế trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia có quy định khác về cơ sở thường trú nhằm phù hợp với Luật điều ước quốc tế cũng như việc thực hiện cam kết của Việt Nam khi tham gia các điều ước quốc tế có liên quan.
Về thu nhập chịu thuế, Luật cũng bổ sung quy định về thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam của doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam và của doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam là thu nhập có nguồn gốc từ Việt Nam, không phụ thuộc vào địa điểm kinh doanh và chi tiết cụ thể các nguồn thu nhập của nhóm đối tượng này để đảm bảo tính minh bạch, cơ sở pháp lý cho việc thực hiện.
Thẩm tra vấn đề trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, về quy định liên quan đến thu nhập phải nộp thuế (thu nhập chịu thuế) đề nghị cân nhắc tính phù hợp của nội dung quy định tại khoản 2 Điều 2 để lựa chọn phương án quy định nội dung này tại Điều 2 (quy định về người nộp thuế) hoặc tại Điều 3 (quy định về thu nhập chịu thuế).
Ngoài ra, đối với việc nộp thuế TNDN của các doanh nghiệp nước ngoài có thu nhập phát sinh tại Việt Nam từ các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử hoặc trên nền tảng số, dự thảo Luật không quy định cụ thể và giao Chính phủ quy định. Dự thảo Nghị định chưa quy định các nội dung này, đề nghị cần làm rõ về định hướng quản lý thu thuế đối với các đối tượng này.
Dự thảo Luật đã bổ sung quy định thu nhập chịu thuế của các doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam bao gồm cả các thu nhập từ kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, không phụ thuộc vào địa điểm kinh doanh. Điều này làm cho nội dung quy định trở nên mâu thuẫn, khó thực hiện (không có cơ sở thường trú tại Việt Nam đồng thời lại không phụ thuộc vào địa điểm kinh doanh). Đề nghị cần giải trình rõ hơn về vấn đề này.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội phải nghiên cứu để đề xuất cách thức tiếp cận đối với xây dựng các Luật về thuế trong bối cảnh đổi mới để đảm bảo tính ổn định. Vì sắp tới chúng ta sửa Thuế VAT, Thuế tiêu thụ đặc biệt. Trên tư tưởng mới, cách thức mới để đảm bảo tính ổn định của các đạo Luật, trong đó có vấn đề về thuế vậy mặt hàng nào cần đánh thuế, hay ưu đãi miễn trừ như thuế nào? Bởi thuế phải thay đổi theo sự phát triển kinh tế xã hội thì Luật này sẽ quy định đến đâu?
Bên cạnh đó, theo ông Tùng, Luật đang “luật hoá” từ các Nghị định, Thông tư hiện hành. Khi “luật hoá” từ các Nghị định và Thông tư thì sẽ có những quy định sớm lỗi thời và vừa thừa, vừa thiếu, vừa trùng lặp. Do đó cần cân nhắc kỹ lưỡng có “luật hoá” hay không, và “luật hoá” vì mục đích gì.
Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng bày tỏ lo ngại về “tuổi thọ” của Luật này khi “luật hoá” cả các quy định tại Nghị định, Thông tư. Đồng thời, Luật chưa cập nhật các định hướng chính sách mới của cơ quan có thẩm quyền. Do đó cần nghiên cứu thêm.
Về thu nhập chịu thuế, ông Thanh cũng băn khoăn khi trong quá trình thẩm tra Luật Kinh doanh bất động sản (được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2023-PV) thì kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản cũng yêu cầu đưa vào các Luật về thuế. Nhưng Luật này lại loại trừ các doanh thu, thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Vậy không hiểu các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản sau này thì sẽ áp dụng theo quy định của pháp luật nào để thực hiện trong hoạt động kinh doanh bất động sản?
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu, cơ quan soạn thảo Luật phải lý giải kỹ lưỡng vì sao phải sửa luật, sửa những điều gì và sửa như thế nào? Theo Chủ tịch Quốc hội, trong Luật hiện hành đang vướng mắc ở những điều gì thì nên sửa ngay cái đó. Những điều nào “đã chín, đã rõ” thì sửa, cái gì chưa rõ thì phải tiếp tục nghiên cứu. Nếu sửa toàn diện Luật Thuế TNDN thì phải có sự đánh giá tác động. Việc sửa đổi những điều mới phải tốt hơn những cái cũ.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, mục tiêu cuối cùng của Luật là bảo đảm nguồn thu ngân sách ổn định, nâng cao tỷ lệ động viên thu nội địa. Khắc phục tình trạng chuyển giá, phòng chống trốn thuế, thất thu thuế, hạn chế các hành vi làm xói mòn cơ sở thuế. Bảo đảm công bằng hệ thống thuế Việt Nam phù hợp với yêu cầu thực tiễn xu thế và thông lệ quốc tế.
Hạn chế tối đa việc mở rộng diện thu nhập được miễn thuế
Dự thảo Luật được sửa đổi theo hướng mở rộng diện các khoản thu nhập được miễn thuế so với quy định hiện hành. Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, cần rà soát kỹ lưỡng các nội dung liên quan đến thu nhập được miễn thuế, chỉ đề xuất bổ sung vào diện thu nhập miễn thuế đối với các trường hợp thực sự cần thiết, hạn chế tối đa việc mở rộng diện thu nhập được miễn thuế. Đồng thời, cần quy định chặt chẽ để tránh các trường hợp lợi dụng quy định để kê khai làm giảm nghĩa vụ thuế phải nộp, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.