Sức khỏe

Chưa thể 'chạy nước rút' tiêm vaccine sởi

THANH GIANG 24/09/2024 07:55

Những ngày qua, ngành y tế TPHCM đẩy mạnh tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ em và hướng đến công bố hết dịch sớm nhất có thể. Tuy nhiên, do dân nhập cư đông nên chưa thể “chạy nước rút” trong tiến độ bao phủ vaccine.

duoi.png
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng sởi cho học sinh tiểu học tại quận 11 (TPHCM).

Sở Y tế TPHCM cho hay, tính đến nay các địa phương rà soát được gần 429.000 trẻ từ 1 - 5 tuổi cần tiêm sởi, trong đó có hơn 49.000 trẻ thiếu mũi vaccine. Nhóm 6 - 10 tuổi có hơn 588.000 trẻ với 178.000 trẻ chưa đủ mũi tiêm. Cũng tính đến tuần 37, toàn thành phố tiêm vaccine phòng sởi cho 76.993 trẻ. Hiện quận 8 và huyện Bình Chánh đang có tiến độ tiêm chủng nhanh nhất.

Đơn cử, huyện Bình Chánh đã thực hiện tổng cộng 19.523 mũi tiêm, với tỷ lệ tiêm chủng đạt 70,1% cho trẻ từ 1 - 5 tuổi và 60,5% cho trẻ từ 6 - 10 tuổi. Bình Chánh dự kiến, sẽ triển khai tiêm tại 12 trạm y tế và 18 trường học cho đối tượng trẻ từ 1 - 10 tuổi sinh sống trên địa bàn.

Ông Lê Như Hải Long - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết, phần lớn các ca mắc sởi hiện nay đều tập trung ở trẻ em từ 1-10 tuổi. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh công tác tiêm chủng phòng sởi vì đóng vai trò rất quan trọng trong ngăn chặn dịch bùng phát. Tuy nhiên, công tác rà soát danh sách trẻ trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do số lượng dân nhập cư lớn, chiếm tới 2/3 dân số huyện. Thêm vào đó, phần mềm tiêm chủng chưa tích hợp mã định danh nên việc thống kê gặp khó khăn, khi phụ huynh sử dụng nhiều số điện thoại khác nhau khi đưa con em đi tiêm chủng.

Ông Nguyễn Hồng Tâm – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho rằng: Cần tiếp tục rà soát, cập nhật danh sách để trẻ được tiêm đúng quy định, song song đó điều tra cập nhật thông tin tiêm chủng lên hệ thống.

Ông Tâm lý giải, số trẻ được rà soát, tiêm chủng trong chiến dịch chưa khớp với danh sách thống kê trên hệ thống tiêm chủng quốc gia. Điển hình, tại huyện Củ Chi, rà soát có 42% trẻ chưa được tiêm sởi hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi. Thế nhưng, trong quá trình thực hiện chỉ có khoảng một nửa trên tổng số trẻ rà soát trước đó được tiêm chủng.

Theo BS Nguyễn Thế Thịnh - Phó Trưởng khoa Phòng chống Bệnh truyền nhiễm cấp tính (HCDC), tình hình dịch bệnh hiện nay chỉ mới phản ánh một phần bề nổi. Nhiều trường hợp phát ban nhẹ khó được phát hiện và theo dõi kịp thời. Theo đó, cần tăng cường giám sát các trường hợp sốt phát ban ghi nhận ở cộng đồng. Dịch sởi có khả năng tiếp tục diễn biến phức tạp do mức độ lây lan nhanh chóng của bệnh sởi. Cần thiết tăng cường phòng, chống dịch trong thời gian tới.

BSCKII Nguyễn Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhận định, một số quận, huyện có dân số đông, phần nhiều là dân nhập cư, có sự biến động dân cư rất lớn, điều này gây nhiều khó khăn trong công tác rà soát, quản lý trẻ em, tiếp cận phụ huynh để mời tiêm. Do đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành và đoàn thể là vô cùng quan trọng để tiếp tục rà soát, đảm bảo mọi trẻ em chưa tiêm đủ liều đều được tiêm chủng đầy đủ.

Mong muốn, kiểm soát dịch sởi đồng thời sớm công bố hết dịch, bà Trần Thị Diệu Thúy – Phó Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu, các địa phương cần tiếp tục rà soát trẻ từ 1 – 10 tuổi trên địa bàn, xác định tiền sử tiêm chủng để vận động phụ huynh đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng sởi. Bà Thúy khẳng định, dịch bệnh có nhiều tín hiệu tích cực, ca nhiễm đi ngang nhưng vẫn có nhiều quận, huyện có số ca mắc cao, đặc biệt là những quận, huyện vùng ven, nơi có nhiều người dân nhập cư sinh sống.

Ngoài ra, thành phố có tình trạng di biến động dân cư rất lớn, trẻ từ các tỉnh, thành khác đến sinh sống nhiều. Lãnh đạo UBND TPHCM mong giữa tháng 10 có thể công bố hết dịch. Song để đi đến kết quả trên đòi hỏi các quận, huyện phải rà soát kỹ, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, quyết tâm dập dịch trong thời gian sớm nhất đảm bảo an toàn cho trẻ.

THANH GIANG