Văn hóa

'Đòn bẩy' tạo nên sự đam mê

Anh Hà 24/09/2024 10:35

Mới đây, tại Nhà sáng tác Đà Lạt (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã tổ chức tổng kết Trại sáng tác viết kịch bản văn học năm 2024.

Trại sáng tác diễn ra trong 1 tuần, có sự tham gia của 26 nhà biên kịch, đạo diễn sân khấu, điện ảnh, truyền hình; nhà văn; nhà lý luận, phê bình đến từ 17 đơn vị trong cả nước. Trong thời gian tham gia trại sáng tác, các tác giả đã sáng tác, hoàn thiện 24 kịch bản sân khấu, tác phẩm phê bình văn học nghệ thuật. Theo ông Trần Văn Tuấn - Trưởng phòng Văn học (Cục Nghệ thuật biểu diễn), Phó trưởng Ban tổ chức hy vọng qua trại sáng tác lần này, các tác giả sẽ tiếp tục sáng tạo những tác phẩm có chất lượng trong thời gian tới.

Còn nói như nhà biên kịch, nhà văn, đạo diễn Nguyễn Thu Phương (TPHCM) thì trại sáng tác là “đòn bẩy” tạo nên sự đam mê, nỗ lực của các tác giả.

Tham gia trại sáng tác viết kịch bản văn học lần này có những người làm nghề lâu năm và cũng có những gương mặt mới, gương mặt trẻ đang dấn bước vào con đường chuyên nghiệp. Đó là điều rất đáng quý, nhất là trong bối cảnh sân khấu đang thiếu kịch bản hay. Thực tế cho thấy, tại các cuộc liên hoan sân khấu thời gian qua, việc các nhà hát tìm kiếm được kịch bản tốt là rất khó khăn. Có đạo diễn sân khấu cho biết, kiếm được một kịch bản đề tài hiện đại, có nhiều “miếng diễn” không khác gì việc “mò kim đáy bể”.

Một đạo diễn phim truyền hình cũng cho biết, nhiều khi phần đầu của kịch bản một bộ phim chừng 10 tập có vẻ hấp dẫn, nhưng từ tập thứ 5 trở đi thì cứ yếu dần, nhạt dần. Nhiều trường hợp kịch bản đã được duyệt kế hoạch sản xuất nhưng vẫn phải sửa đi sửa lại theo kiểu “vừa chạy vừa xếp hàng”.

Nhiều ý kiến cho rằng, một số vở diễn bắt đầu bằng một ý tưởng rất mạnh bạo, nhưng sau đó, tác giả kịch bản cũng như đạo diễn không đủ sức đi sâu khai thác đến nơi đến chốn vấn đề đặt ra nên cuối cùng lại vòng vo qua những câu thoại vô hồn. Như vậy là không đối thoại được với con người hôm nay, tụt lùi so với cuộc sống hàng chục năm.

Một thực tế khác cũng cho thấy kịch bản sân khấu đề tài lịch sử và dân gian lại nhiều hơn so với đề tài đương đại. Ít kịch bản khai thác những vấn đề nóng bỏng của thời cuộc. Ông Nguyễn Sĩ Tiến - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ từng chia sẻ: “Nhiều khi đọc đi đọc lại các tác giả, chúng tôi lại chọn dựng kịch bản của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, vì cảm thấy chưa có tác phẩm tốt hơn”.

Tương tự, ông Nguyễn Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cũng cho biết, đơn vị này cũng đọc nhiều kịch bản gửi đến, song ít có kịch bản ưng ý nên nhiều khi các đạo diễn, diễn viên đành tự viết kịch bản với nhau, dàn dựng đến đâu thì cùng nhau sửa đến đó. “Đây không phải là cách làm hay, nhưng vì các tác giả lão luyện đã quá tuổi sáng tạo, mà đội ngũ viết kịch trẻ thì vẫn chưa thấy bóng dáng” - ông Hiếu nói.

Còn theo nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương, sân khấu đang khủng hoảng đội ngũ tác giả trẻ cả về lượng lẫn chất. Số tác giả có tác phẩm dàn dựng thường xuyên chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cũng có thể họ có năng khiếu nhưng thiếu khát vọng, mà nghề cầm bút lại rất khắc nghiệt.

Trở lại với Trại sáng tác viết kịch bản văn học năm 2024, dù số tác phẩm hoàn thiện không nhiều nhưng cũng cho thấy đã có “đòn bẩy” cho sự đam mê sáng tác. Nhất là với kịch bản đề tài đương đại, vốn được cho là nhạy cảm không ít người viết né tránh. Từ đó, hy vọng sân khấu cũng như phim truyền hình sẽ có nhiều kịch bản tốt trong ý nghĩa “đối thoại” với cuộc sống hôm nay.

Anh Hà