Văn hóa

Tỉnh Thái Nguyên bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể và Lễ hội truyền thống

Toán Nguyễn - Thành Vân - Tuấn Tú 24/09/2024 11:56

Những năm qua, Thái Nguyên khẳng định vị thế trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục của vùng trung du và miền núi phía Bắc. Các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, lễ hội truyền thống được quan tâm, việc bảo tồn, phát huy không chỉ là gìn giữ cho thế hệ sau, mà còn gắn với phát triển kinh tế và quảng bá du lịch.

Đó là lý do vì sao tỉnh Thái Nguyên có dân số trên 1,3 triệu người, nhưng có tới 51/54 dân tộc anh em cùng sinh sống và làm việc. Với 8 dân tộc chủ yếu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có hơn 384.000 người (chiếm xấp xỉ 30% dân số). Là vùng đất trung du nửa đồng bằng, nửa miền núi, vì vậy Thái Nguyên kế thừa được tinh túy văn hóa đồng bằng sông Hồng, cũng như sự đặc sắc của văn hóa các dân tộc miền núi, điều mà ít nơi nào có được. Với những đặc trưng này, lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên cũng có những nét đặc thù, giàu bản sắc và đa dạng.

Đến nay, tỉnh Thái Nguyên có 550 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê đưa vào danh mục, trong đó, 23 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tiêu biểu như: múa Tắc Xình của dân tộc Sán Chay (huyện Phú Lương), Lễ hội Núi Văn - Núi Võ (huyện Đại Từ), Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương (thành phố Thái Nguyên), hát Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu..., trong đó nhiều di sản phi vật thể được gắn với điểm du lịch cộng đồng để thu hút du khách.

Cùng với hệ thống di tích, 189 lễ hội trải khắp địa bàn tỉnh được tổ chức định kỳ hàng năm. Mỗi địa phương đều có những lễ hội truyền thống riêng và mang tính chất đặc trưng, là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của Nhân dân, đó là: Lễ hội Cầu mùa của đồng bào dân tộc Sán Chay ở xã Tức Tranh, huyện Phú Lương; Câu lạc bộ hát Soọng Cô tại huyện Đồng Hỷ,…

1.jpg
Lễ rước kiệu tại Hội Núi Văn - Núi Võ tưởng nhớ tướng Lưu Nhân Chú.

Lễ hội tại Thái Nguyên được chia làm 3 loại hình rõ rệt. Đầu tiên là các lễ hội lịch sử văn hóa tưởng nhớ vĩ nhân, những người có công với đất nước, quê hương. Điển hình như: Lễ hội Núi Văn - Núi Võ, huyện Đại Từ được tổ chức vào ngày mùng 4, tháng Giêng (Tưởng nhớ công đức tướng Lưu Nhân Chú, người con của xã Văn Yên, huyện Đại Từ. Ông là một trong 18 người cùng với Lê Lợi lập ra Hội thề Lũng Nhai (năm 1416), trở thành công thần khai quốc của Triều đại hậu Lê và giữ chức vụ Tể Tướng); Lễ hội đền Đuổm diễn ra vào ngày mồng 6 tháng Giêng, huyện Phú Lương (Tưởng nhớ công lao của Phò mã Dương Tự Minh, người có công đánh giặc Tống dưới thời Lý); Lễ hội “Võ Nhai nơi cội nguồn”…

Loại hình thứ 2 là lễ hội văn hóa truyền thống, với nhiều nội dung đặc sắc, đậm đà bản sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi. Ý nghĩa chung của các lễ hội là cầu cho năm mới được mưa thuận gió hoà cho mùa màng bội thu, gia súc, gia cầm phát triển không bị dịch bệnh. Ngoài ra, từ ngàn xưa lễ hội là nơi nam nữ gặp nhau giao lưu, vui chơi của người dân trước khi bước vào vụ sản xuất mới. Có thể kể tới một số lễ hội nổi bật như: Hội xuân Bản Tèn (lễ hội xuân của người dân tộc Mông); Lễ hội Tết Nhảy của người Dao (Thái Nguyên); Lễ hội lồng tồng ATK Định Hóa (lễ hội truyền thống của người dân tộc Tày - Nùng); Lễ cầu mùa của người Sán Chỉ…

Cuối cùng là loại hình lễ hội tín ngưỡng có nhiều lễ hội lớn như: Hội chùa Hang (thành phố Thái Nguyên); Hội chùa Hang (huyện Định Hóa); Hội chùa Bình Thuận (huyện Đại Từ); Đình Phương Độ, đình - đền - chùa Cầu Muối (huyện Phú Bình); Đền Lục Giáp (thành phố Phổ Yên), Đền Hích (huyện Đồng Hỷ)…

img_5875.jpg
Trẻ em người dân tộc Mông biểu diễn mùa khèn truyền thống tại Hội xuân Bản Tèn, huyện Đồng Hỷ.

Với đặc thù là tỉnh có sự đa dạng về văn hóa của cộng đồng các dân tộc hiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh, trong những năm qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực triển khai nhiều dự án nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể như: sưu tầm, phục dựng Lễ hội cầu mùa của người dân tộc Dao Lô gang huyện Võ Nhai; Lễ hội Gầu tào dân tộc Mông huyện Phú Lương; hát ru của người Nùng Phàn Slình ở xóm La Đùm, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ; nghi lễ Cầu an của người Tày ở xã Nghinh Tường, huyện Võ Nhai; đám cưới của người Sán Chay; Lễ hội Đền Đuổm (Phú Lương); Lễ hội Đình Phương Độ (Phú Bình); phục dựng Lễ hội Đình Mỏ Gà (Võ Nhai).

Việc phục dựng các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc cũng được quan tâm, đầu tư, như: Khôi phục phường rối cạn Ru Nghệ, xã Đồng Thịnh (Định Hóa), rối cạn Thẩm Rộc, xã Bình Yên (Định Hóa); Lượn cọi; hát Ví. Bên cạnh đó là duy trì và mở rộng các câu lạc bộ hát Then - đàn Tính, câu lạc bộ múa Tắc Xình, câu lạc bộ hát Soọng Cô nhằm bảo tồn văn hóa, phục vụ cộng đồng và phát triển du lịch.

Qua kiểm tra, tổng kết đánh giá hằng năm, công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên luôn thực hiện tốt việc bảo tồn, phát huy được bản sắc riêng; đồng thời tiếp thu, giao thoa về văn hóa của từng dân tộc, địa phương... thể hiện ở việc, lễ hội không chỉ là sự tham gia của đối tượng cụ thể nào (người địa phương, dân tộc, tôn giáo), mà đã thu hút được đông đảo du khách thập phương và không phân biệt dân tộc, tôn giáo đến chung vui. Cùng với đó, các lễ hội không thể thiếu các trò chơi dân gian, múa, hát đặc trưng của đồng bào dân tộc địa phương, nhưng cũng có sự xuất hiện của nhiều trò chơi hiện đại như bóng chuyền, bóng đá, cầu lông, văn nghệ, ẩm thực…

13.jpg
Các lễ hội thu hút được đông đảo du khách thập phương đến tham dự.

Để phát huy hiệu quả của việc tổ chức lễ hội gắn với phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh du lịch của tỉnh Thái Nguyên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác xây dựng Kế hoạch, ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức lễ hội trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, thành lập Ban chỉ đạo, Ban tổ chức lễ hội; chỉ đạo, tổ chức lễ hội và phối hợp thực hiện theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

Tinh thần của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đưa ra là việc tổ chức các lễ hội với quy mô phù hợp bảo đảm an toàn, tiết kiệm, không phô trương, hình thức; phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các lễ hội đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi, thu hút, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng và tinh thần của nhân dân; góp phần giáo dục truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Toán Nguyễn - Thành Vân - Tuấn Tú