Vở cũ, lật trang…
Thời gian nhẹ nhàng qua mau trên từng cánh phượng hồng, những tiếng ve chìm dần trong những vòm cây, cái nắng oi ả của mùa hè dịu đi nhường chỗ cho sự mơn man, mát mẻ của gió thu, và nắng thu thì vàng như những trang vở cũ. Dù đã ở tuổi xế chiều, nhưng tôi còn gắn bó với chữ nghĩa. Ngay từ khi nhìn lũ trẻ chuẩn bị quần áo, sách vở, rồi nghe tiếng trống trường đâu đó vang lên cùng bao ánh mắt hiền hoà của thầy, cô đón học sinh thân yêu bước vào năm học mới - cuộc hành trình khám phá tri thức, mà lòng cứ rộn ràng kỷ niệm, lật trang vở cũ…
Ông nội tôi còn lưu lại nhiều sách chữ Nho, bảo đó là chữ của “Thánh hiền” nên phải giữ gìn cẩn thận, không được bôi bẩn. Thỉnh thoảng ông mới loại bỏ một cuốn mà chẳng may bị mối xông để lấy giấy phất diều. Sách giáo khoa thời đó hiếm, anh lưu lại chuyển cho em học như là chuyện đương nhiên. Nhưng có ý thức lưu lại những cuốn vở cũ, nhất là những cuốn có cả điểm tốt, điểm xấu cùng lời phê của thầy cô thì từ hồi học cấp II mới hình thành trong tôi.
Những năm 60 của thế kỷ 20, vở học trò chỉ có loại giấy “5 hào 2” như khổ A4 ngày nay, vở ghi bài học là tập giấy dọc đôi; vở bài tập các môn làm tại lớp để nguyên khổ, bìa bọc màu xanh hoặc hồng, đầu mỗi trang bài tập kẻ ô mực tím để thầy cô cho điểm và lời phê mực đỏ. Số vở lưu của tôi ngày một nhiều thêm theo thời gian và cứ lấp lánh những trang đời, những ân tình. Bố mẹ phải bán đi một đàn gà, hoặc một con lợn lấy tiền mua dầu hỏa, mắm muối, diêm, thuốc lào và may quần áo mới, mua giấy viết cho anh em tôi vào năm học mới. Và mỗi lần đưa cho các con giấy bút, cục mực tím mua của bà hàng xén ở chợ Lối về bố mẹ không quên lời dặn: “Cố mà học hành cho thành người”. Tôi chẳng hiểu thế nào là “thành người”, chỉ nghĩ, mua giấy bút phải mất nhiều tiền (5 hào, 2 xu, với tiền hào mệnh giá 5 hào lúc đó là cao nhất), nếu mình mà học dốt thì bị thầy cô mắng và phí công chăm chút của bố mẹ. Nên ngoài việc chăn bò, thái rau lợn và quét nhà, tôi ngồi vào bàn học tới tận khuya, có khi phải dùng nước giếng đá ong thấm vào khăn lau mặt cho đôi mắt khỏi trĩu xuống.
Mỗi lần lật trang sách thấy nét chữ mình thay đổi theo thời gian, càng lên lớp lớn chữ càng xấu đi và thầm biện hộ cho tính cẩu thả của mình rằng, thầy cô giảng nhanh quá nếu không viết tắt, viết tháu thì không kịp. Quả thật, có thầy cô giảng chậm rãi, giọng êm ru nghe rất vào tai, ghi lại được rất rành mạch trên trang vở. Nhưng có thầy cô giọng nói không được trong trẻo lại nhanh, đành phải viết tháu, nhưng thực ra trong lòng rất trân trọng kiến thức mà thầy cô đã truyền thụ nên cố ghi chép cho đủ đầy. Và hình ảnh thầy cô cứ thế ùa về. Trong số các thầy cô dạy các môn xã hội, nhớ nhất cách kiểm tra bài của cô Trần Thi Nga, dạy môn Lịch sử. Tới giờ của cô, lớp cứ im phăng phắc, chỉ thấy tiếng loạt soạt phát ra từ các trang giấy của cuốn sổ ghi họ tên học sinh. Nhìn cây bút mực đỏ cô thường dùng để chấm điểm và sửa bài, lần lần tới giữa sổ thì những cô cậu nào có vần H, L, M, N trống ngực cứ đánh thùm thùm. Cách kiểm tra bài vấn đáp của cô khác người thật! Cô không gọi tên trước, hất cằm nhìn xuống phía dưới xem những ai có tên nằm trong khoảng vần vừa được cây bút lướt qua đó, nhìn nét mặt học sinh thế nào, ai thuộc bài mặt mày trông cứ hớn hở, ai không thuộc ngồi im như thóc giống hoặc lộ rõ vẻ thất thần, lấm la lấm lét thì mới gọi tên...
Khi trả bài tập các môn, thầy cô thường có nhận xét chung bài làm của lớp kỳ này chất lượng ra sao và biểu dương những bạn có sự vươn lên đạt điểm tốt hơn lần kiểm tra trước. Có lần cô Thành Yên Mỹ dạy môn văn, cho tôi điểm 4, điểm dưới trung bình, thang điểm 10. Ngoài ghi vào ô cho điểm của vở Tập làm văn, cô nói thêm trên lớp: “Không ngờ, khá văn như em mà lại lạc đề. Khi hạ bút cho em điểm dưới trung bình cô day dứt lắm. Nhưng các em ạ, lạc đề một bài văn còn nhiều cơ hội để chữa, chứ lạc hướng cuộc đời là khó lấy lại được”.
Nhiều tiết học của các thầy dạy môn khoa học tự nhiên, như Toán của thầy Chu, Lý của thầy Thư, Hóa của thầy Hùng cũng đều chứa đựng những yếu tố nhân văn, dạy cho chúng tôi những bước đầu tiên để làm người. Thầy Nguyễn Bá Chu dạy Toán nhưng rất hay làm thơ, đã từng nói: “Một tập thể lớp A, lớp B, lớp C phải là những đường tròn đồng tâm, phải đoàn kết, thương yêu nhau giúp nhau học tập tiến bộ". Cô Ngọc dạy sinh vật thì nói, người thầy bao giờ cũng mong muốn cái cây mà mình vun trồng không có quả thối. Muốn được như vậy thì phải có sự hợp lực của cả thầy và trò. Thầy dạy tốt trò phải học cho ra học.
Học trò nơi miền trung du này không như học trò ở tỉnh thành, nơi đô hội, nhiều học sinh xuất thân trong gia đình nghèo khó, khiến thầy cô trăn trở. Mỗi ngày lên lớp của thầy cô đều có những cung bậc cảm xúc khác nhau. Không ít lần học trò làm thầy cô bước ra khỏi lớp với bước đi nặng nhọc, những giọt nước mắt chỉ trực trào ra, vì thương những em nghèo khó. Nhưng có những giọt nước mắt vì chưa hài lòng, bởi bài giảng mà thầy cô tốn bao công sức soạn giáo án thâu đêm, cùng những câu chuyện thâm ý thầy cô muốn gửi gắm tới học trò vẫn chưa thấm vào các em, cứ trôi tuột đi vì đầu óc có bạn còn mải việc ruộng đồng.
Tôi vẫn nhớ lời thầy Nguyễn Văn Tu, Hiệu trưởng nói trong buổi kết thúc năm học cuối cùng cấp III Văn Quán: “Cuộc sống là một hành trình rất dài, thời gian ngồi trên ghế nhà trường của các em chỉ là tập đi mà thôi; Cuộc sống mà các em sắp bước vào rất đa dạng, có em vào trường Trung cấp, có em vào Đại học, em đi bộ đội, có em trở về với ruộng đồng… Nhưng giá trị của mỗi người là ở chỗ có được cái riêng. Lựa chọn đầu tiên của mỗi người là biết sở trường, sở đoản của mình và trở thành chính mình, đừng a dua”.
Với bạn bè tôi nhớ nhất Tiến “gái”. Bạn là người Hà Nội, khi Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân lan rộng ra toàn miền Bắc, Tiến cùng một số bạn sơ tán lên quê tôi, học cùng nhau suốt những năm cấp III. Một lần về Hà Nội lên, Tiến mua vài quyển vở giấy trắng, bìa có những hình vẽ xung quanh cảnh sinh hoạt của học trò, Tiến tặng tôi cuốn vở có hình vẽ ba thiếu nữ yểu điệu với phong cách đặc biệt của ba miền Bắc - Trung - Nam. Tôi dùng cuốn vở Tiến tặng để chép các bài hát, bài thơ yêu thích bằng mực tím và cất trong ba lô ngay từ ngày nhập ngũ. Thỉnh thoảng lật trang mà dâng lên cảm xúc dễ thương đến ngạc nhiên khi đọc bài thơ do bạn sáng tác, nói về tình yêu học trò nảy sinh từ khi trú ẩn trong hầm chữ A cạnh lớp, mỗi khi có báo động máy bay Mỹ tới gần.
Tháng năm cứ mải miết trôi đi, vậy mà đã hơn nửa thế kỷ, vào một ngày tháng Tám, năm 1970, sau 2 năm chiến đấu tôi được đơn vị cho nghỉ phép thăm nhà trước khi lên trường Văn hóa Quân đội ở Lạng Sơn để học ôn thi vào đại học, tiếp tục đèn sách. Tôi ôm xuống những chồng sách cũ đặt trên tấm gỗ xoan vẫn gác ở xà ngang ngôi nhà mình. Gặp lại những cuốn sách lòng tôi bồi hồi như bắt gặp lại tuổi thơ ấu. Lật giở những trang ngả vàng như nắng thu- đó là chứng nhân của một thời, nó lặng thầm bày tỏ sự nỗ lực của mình trên những chặng đường học tập. Đó cũng là một cuộc hành trình nhiều năm, tiếp thu dần những tri thức dưới mái trường Xã hội chủ nghĩa. Chính những trang sách cũ đã góp phần giúp tôi ôn thi đậu vào đại học.
Nhớ một thời quá khứ, nhất là tuổi học trò là quà tặng êm đềm cho tuổi xế chiều. Thứ tình cảm âm thầm, tinh khôi trong trẻo ấy thức dậy trong tôi mỗi khi thấy những đứa cháu ríu rít ngày tựu trường.