Nhà nghiên cứu giáo dục Lang Minh: Mỗi người lớn phải trở thành tấm gương đọc sách
Theo nhà nghiên cứu Lang Minh, trong cơn bão của công nghệ truyền thông, đọc sách như một phương thức đặc biệt mạnh mẽ trong việc giúp trẻ hình thành các năng lực nhận thức trước các thách thức của thời đại: tin giả, rối loạn tâm lý, cô lập xã hội, đạo đức công nghệ, khủng hoảng sinh thái… Tuy vậy, anh cũng phản đối độc tôn đọc sách như thể phương thức tối hậu, hiệu quả nhất với tinh thần của trẻ.
PV: Có thể nhìn thấy trong nhà trường ngày nay, việc rèn trẻ đọc sách trở thành thói quen hàng ngày, vào mỗi buổi sáng bắt đầu từ các lớp tiểu học?
Nhà nghiên cứu LANG MINH: Hiện nhiều nhà trường đã áp dụng quy tắc và phương pháp khoa học để rèn luyện thói quen đọc sách cho học sinh. Đối với cấp tiểu học, điều cấp thiết là khơi gợi cho các em tình yêu với sự đọc (khi sự chú ý của các em chưa bị tranh giành quá nhiều bởi mạng xã hội) thông qua đa dạng hoạt động (đóng kịch, vẽ minh họa, đọc tập thể,…) chứ không phải bắt ép thành các giờ ngồi đọc cố định hay số lượng sách phải đọc.
Trong nhiều gia đình, việc rèn con có thói quen đọc sách cũng trở thành việc phổ biến?
- Về gia đình thì khó nói hơn nhiều. Bên cạnh một vài dấu hiệu tích cực thì ta cũng thấy không ít hiện tượng cha mẹ quá bận rộn để làm gương đọc sách cho con, cha mẹ không biết cách đọc sách cùng con… Khó mà dựa vào một vài phong trào nhỏ hoặc số lượng sách bán ra mà đánh giá về tình hình đọc sách ở gia đình Việt Nam.
Với anh, trong sự giáo dục đối với trẻ, rèn thói quen đọc sách có ý nghĩa như thế nào?
- Rèn thói quen đọc sách giúp trẻ hình thành nhiều năng lực quan trọng: tư duy trừu tượng, phân tích văn bản, mức tập trung cao, truy xuất thông tin, giao tiếp liên văn bản,… Để đạt được những năng lực này, sự hỗ trợ có hệ thống và phương pháp từ nhà trường và gia đình là tối cần thiết.
Nhất là trong tư duy phản biện?
- Chính xác là vậy. Đọc sách là cơ hội lý tưởng để tiếp cận một nguồn tin chính thống (đã qua hiệu chỉnh của nhà xuất bản), hệ thống hóa lượng lớn kiến thức cùng lúc, lên kế hoạch tiếp xúc với các nguồn tin cùng chủ đề,… là những yêu cầu căn bản của tư duy phản biện. Tư duy phản biện bị suy yếu trong thời đại này bởi trẻ đang buộc phải tiếp xúc với quá nhiều nguồn tin không kiểm chứng, kiến thức không tường minh, và thiếu cơ hội xây dựng mạng lưới tri thức.
Đó là lý do anh đã viết cuốn "Phản biện như một chuyên gia"? Ngay sau khi được phát hành thì cuốn sách ngay lập tức tái bản. Anh chia sẻ về lý do cuốn sách được ra đời, và anh gửi gắm gì vào cuốn sách?
- Điều tôi muốn gửi gắm nhất tới các bạn trẻ là quá trình tôi đã viết nên cuốn sách đó. Tôi đã đọc kỹ, phân loại, tuyển lựa, phân tích, hệ thống hóa từ hàng trăm bài bình luận xã hội Việt Nam đương đại (từ chuyên gia của nhiều ngành) để đúc rút ra hơn 50 ví dụ minh họa đặc trưng cho kỹ thuật phản biện – những thứ thường bị coi là "lý thuyết phương Tây".
Một hành trình đọc - viết kiên trì luôn đem tới cho bạn sự trưởng thành về tri thức và sự nghiêm cẩn về tinh thần.
Thông qua cuốn sách, chúng ta sẽ có kỹ năng gì, và việc đọc một cuốn sách phù hợp sẽ giúp chúng ta kết nối với trí thức đúng đắn?
- Tư duy phản biện tích hợp trong nó nhiều kỹ năng. Trong cuốn sách, tôi chủ yếu tập trung vào kỹ năng: Phân tích thông tin mình nhận được thành mô hình luận cứ: Tuyên bố - Lý lẽ - Dẫn chứng; Đánh giá kỹ từng bộ phận trong mô hình trên bằng các tiêu chí khoa học; Cẩn trọng với các thiên kiến cá nhân và định kiến xã hội có thể bị tiêm nhiễm vào lập luận; Học cách tôn trọng đa dạng quan điểm và cảm xúc của người lập luận.
Trong cuốn sách, tôi cũng luôn nhấn mạnh rằng tư duy phản biện là cách hiệu quả để ta kiểm định một cách nghiêm khắc với chính hệ thống tri thức trong đầu mình, với cách ta tiếp nhận thông tin từ báo chí, mạng xã hội,… ; và ngay cả với những cuốn sách uy tín đi nữa, người học vẫn phải phản biện cẩn trọng. Phản biện một cách duy lý và cẩn trọng giúp ta thật sự thụ đắc ra tri thức cho riêng mình, thay vì đắm chìm không đường lối trong sách vở.
Chính vì vậy, việc cần giáo dục, rèn luyện, phát triển thói quen đọc sách, cũng như kỹ năng đọc sách bắt đầu từ trẻ em ra sao thưa anh?
- Tôi nghĩ rằng bắt đầu từ trẻ em là cần thiết, nhưng cần thiết hơn là xây dựng môi trường đọc sách cho các em đắm chìm vào. Không phải là xây thư viện hoành tráng hơn, nhiều ngày lễ đọc sách hơn, mà chính mỗi người lớn phải trở thành một tấm gương đọc sách, cộng đồng quanh các em phải thành mạng lưới chia sẻ tri thức chất lượng. Chỉ có vậy ta mới có những thế hệ bền vững về tinh thần trong tương lai.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!