Trải nghiệm ‘hỏa xa’ Đà Lạt
Chẳng phải vô tình mà người đời đã nói: “Ga Đà Lạt là nhà ga đẹp nhất Đông Dương”. Bởi vì, Ga Đà Lạt không chỉ là một công trình kiến trúc đặc sắc của thành phố Đà Lạt, mà còn là nơi ghi dấu ấn đặc biệt trong lịch sử ngành đường sắt Việt Nam.
Tranh thủ được một buổi gọi là nhàn rỗi, nhóm chúng tôi gồm 5 người, quyết định bắt taxi đến đường Quang Trung, phường 10, TP Đà Lạt. Trời mưa nhẹ, nhưng khi chiếc xe taxi chở chúng tôi vừa lăn bánh vào cổng đã thấy khuôn viên phía trước nhà Ga Đà Lạt khá đông đúc. Từng chiếc xe 29 đến 45 chỗ cho đến những chiếc taxi gần như nối nhau tiến vào khu vực đỗ xe.
Bất chấp mưa rơi ướt đầu, các chị các cô vẫn “hồn nhiên” gỡ mũ đứng tạo dáng. Một nhà ga đẹp, đằng trước sân ga là một vườn hoa với những cây hoa và cây xanh được cắt tải gọn ghẽ (đã gọi là Đà Lạt thì đâu đâu cũng phải có hoa cái đã). Dường như vườn hoa trước cửa nhà ga đã tạo cảm giác “mềm mại” cho những người đã đến, đồng thời nó cũng “xua” đi sự “ồn ã” thường thấy ở mỗi nhà ga xe lửa.
Được thiết kế với “phong cách đặc biệt”, nghĩa là Ga Đà Lạt có lối kiến trúc vừa cổ kính kiểu châu Âu thường thấy ở những nhà ga do người Pháp xây dựng, lại vừa giữ được vẻ truyền thống của những ngôi nhà dài của người dân tộc thiểu số bản địa. Với hình tượng 3 ngọn tháp hình chóp đều nhau, mặt trước của Ga Đà Lạt chỉ mới nhìn thôi đã cho thấy đó là biểu tượng của 3 đỉnh núi Langbiang huyền thoại. Cô nhân viên lễ tân (kiêm bán vé tham quan) khi nghe chúng tôi nói điều đó thì cho hay thêm: “Dấu ấn 3 ngọn tháp tượng trưng cho núi Langbiang còn được thể hiện trên mái ngói và kéo dài. Nếu các cô chú đi ra phía sau cũng sẽ thấy mặt sau của nhà ga không khác với mặt trước”. Tôi giả vờ thắc mắc: “Sao không thiết kế hai mặt khác nhau cho nó phong phú kiến trúc”. Tức thì cô nhân viên lễ tân cười rất vui: “Thì có thể các cô chú mới thấy dù đứng đằng trước hay ở đằng sau vẫn thấy chỉ có một hình dáng nhà ga. Ở vị trí nào các cô chú cũng có được góc chụp độc đáo. Hình tượng 3 ngọn núi Langbiang chính là sự độc đáo vì nó không lẫn với bất kỳ hình tượng nào trong kiến trúc”.
Đúng là hay “không thể cãi lại được”, chúng tôi vui vẻ mua vé để được “tận hưởng” đầy đủ hơn không gian kiến trúc độc đáo của Ga Đà Lạt. Ở phòng chiếu phim, một phòng chiếu rộng chừng 40m2 được chia làm 2 phần không bằng nhau. Phần từ cửa vào nhỏ hơn, là nơi trưng bầy những bức ảnh cổ, những bức ảnh giới thiệu về Ga Đà Lạt từ “thuở ban đầu”. Phần bên trong rộng hơn, với những hàng ghế dài để khách tham quan ngồi hướng mắt nhìn lên màn hình lớn. Khi chúng tôi bước vào và tìm được vị trí ngồi thoải mái thì ngước mắt nhìn lên màn hình. Trên đó đang phát bộ phim ngắn giới thiệu về đường sắt Việt Nam với những nhà ga đẹp và phong cảnh đẹp đến nao lòng dọc tuyến đường sắt xuyên Việt.
Theo đó chúng tôi được hay rằng: Ga Đà Lạt được xây dựng từ năm 1932 đến năm 1938 thì hoàn thành. Ga Đà Lạt nằm trong tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt, kết nối thành phố trên cao nguyên Lâm Viên ở phía tây với Phan Rang (Ninh Thuận) ở phía đông. Tuyến đường sắt này dài 84km, độ chênh cao toàn tuyến đường sắt là 1.500m, được khởi công từ năm 1908 theo lệnh của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Và đến năm 1932, thì tuyến đường được đưa vào khai thác. Thời điểm này cũng là thời điểm xây dựng ga Đà Lạt. Có nghĩa là Ga Đà Lạt được khởi công sau khi tuyến đường sắt đã thực hiện việc vận chuyển hành khách.
Tiếng thuyết minh trên màn hình còn cho biết thêm: Toàn tuyến đường sắt này có 12 nhà ga, 5 hầm chui. Và là một tuyến đường sắt đặc biệt bởi có 16km đường sắt răng cưa leo dốc, với độ dốc trung bình 12%. Chúng tôi còn được biết thêm: Đường sắt và đầu máy có bánh xe răng cưa chỉ có ở Thụy Sĩ và Việt Nam. Chúng tôi nghe thuyết minh vậy mà quay sang nhìn nhau hãnh diện. Chỉ tiếc rằng đến năm 1972, tuyến đường sắt độc đáo này phải ngừng hoạt động, vì sau khi người Pháp phải rời Đông Dương và người Mỹ vào miền Nam thế chân, thì tuyến đường sắt này trở thành tuyến vận chuyển thiết bị chiến tranh nên quân giải phóng miền Nam đã tiến hành phá hoại. Cũng từ năm 1972 thì hoạt động của Ga Đà Lạt cũng dừng lại.
“Nhà ga Đà Lạt hiện nay đã không còn sử dụng để vận chuyển mà là nhà ga phục vụ du lịch. Với tuyến đường 7 km, tàu sẽ đưa du khách khám phá phố núi. Tuy chạy tốc độ rất chậm và đầu tàu kêu to. Nhưng thú vị lắm ạ”. Lời mời rất khéo của cô nhân viên bán vé đã giúp chúng tôi gật đầu “đánh rụp” mà móc ví lấy tiền mua vé, giá mỗi vé cho một người là 142.000đ (vé khứ hồi).
Được biết thêm rằng: Ở nước ta đã thay thế đầu máy hơi nước đốt than bằng đầu máy Diezen từ rất lâu rồi, cho nên giờ chỉ có ở Ga Đà Lạt và đâu như vài ga khác như Ga Vinh chẳng hạn, là còn trưng bày đầu máy hơi nước cho khách đi tàu “chiêm ngắm quá khứ”.
Chờ đợi mãi cuối cùng cũng đã đến giờ hành khách được lên tàu. Hồ hởi, phải nói là rất hồ hởi, chúng tôi bảo nhau lên tàu và trật tự tìm ghế ngồi theo vé. Đây là những toa tàu bằng gỗ nên vừa khi ngồi xuống chúng tôi đã thấy có gì đấy rất háo hức. Ký ức về những chuyến tàu đầu máy hơi nước với những toa tàu gỗ với dãy ghế dài kê dọc hai bên thành tàu của những năm tháng xa xưa ùa về. Nhớ những năm tháng đó mỗi khi đi tàu là mỗi lần in dấu thời gian. Những chuyến tàu hồi xưa đó thường chạy chậm nên nỗi ngong ngóng tới ga cuối cũng được ùa về trong lần đi tàu Đà Lạt hôm nay.
Đưa mắt quan sát chúng tôi dễ dàng nhận ra ngoài những hành khách là người Việt từ các địa phương trong cả nước đi trải nghiệm còn có khá đông hành khách là người nước ngoài. Tôi với tay hỏi một cậu hướng dẫn viên du lịch, cậu dẫn một đoàn khách du lịch nước ngoài, những hành khách ngoại quốc đó cũng biểu cảm sự háo hức trải nghiệm không khác gì chúng tôi. Họ cũng ngồi quay đầu nhìn ra ngoài cửa sổ mà trầm ngâm. Tôi hỏi: “Cháu cho hỏi khách du lịch đoàn mình là người Trung Quốc hay Hàn Quốc?”. Thật bất ngờ một người khách du lịch nói luôn “Korean”, tức thì có mấy người khách trong đoàn đó cũng như đồng thanh nói “Korean”. Tôi nghi ngờ hình như đoàn khách này có người biết tiếng Việt nhưng hoài nghi ấy được giải đáp, cậu hướng dẫn viên du lịch cho hay: “Họ không biết tiếng Việt đâu chú. Nhưng thấy các chú nhìn họ và hỏi thì họ hiểu các chú muốn hỏi gì”.
Tàu bắt đầu khởi hành. Vẫn là “giai điệu” sình sịch quen thuộc của tiếng bánh xe nghiến ray. Trước đó cô nhân viên lễ tân đã giới thiệu cho chúng tôi hay: “Tuyến trải nghiệm này chỉ dài chừng 7km với thời gian chừng hơn 20 phút. Tức là từ Ga Đà Lạt tới Ga Trại Mát. Tới Ga Trại Mát tàu sẽ nghỉ lại bằng thời gian ấy để hành khách có thể xuống tàu đi thăm thú. Ở gần đó có chùa Linh Phước rất đẹp và linh thiêng. Tới chiêm bái chùa cũng là điều hay mà các cô chú”.
Đoàn tàu vẫn đều đều sình sịch đi. Qua ô cửa sổ có kính, cũng có thể kéo cánh kính sang một bên để ngó nghiêng đầu nhìn ngắm. Lướt qua mắt chúng tôi là những đường phố đông đúc người xe. Cũng có đoạn tàu đi qua những khu vườn trồng rau, trồng hoa. Chỉ hơi tiếc là những vườn hoa vườn rau bây giờ đều bị che khuất bởi những nhà kính, thành thử chúng tôi chỉ được ngắm những ngôi nhà hoặc là nhà riêng lẻ, hoặc là từng dẫy nhà, đứng chênh vênh trên sườn núi.
Người bạn đồng hành với tôi sau khi đã chụp xong mấy kiểu ảnh giúp anh chị em trong đoàn lưu lại những phút giây cùng chặng đường tàu chạy thì nhìn tít lên phía xa và cao nói: “Đà Lạt là thế. Những ngôi nhà bên rừng thông hay những ngôi nhà bên sườn núi đã tạo nên một nét đẹp như tranh cho thành phố ngàn hoa này”. Câu nói của người bạn đồng hành nghe như xa xôi nghe như đâu đây, tôi ngỡ không phải anh ấy vừa nói mà là “âm thanh” của thành phố Đà Lạt đang lên tiếng?
Nhoáng một cái đã hết 20 phút chạy tàu. Chúng tôi bước xuống Ga Trại Mát (phường 11). Và lại nhoáng một cái thời gian quay trở lại tàu để về Ga Đà Lạt đã tới. Con tàu lại sình sịch nghiến ray. Lướt qua ô cửa là thành phố Đà Lạt bắt đầu lên đèn. Ánh sáng như đang vẽ lên một bức tranh thành phố chuyển động.