Người Mặt trận

Giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn phải thay đổi để thích ứng

Tuệ Phương 24/09/2024 20:27

Ngày 24/9, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá việc sắp xếp và hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống Công đoàn. Ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì hội nghị.

Hoi-Nghi (1)
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bảo Hân

Theo dự thảo báo cáo kết quả thực hiện phương án số 473/PA-TLĐ ngày 25/5/2020 và đề xuất phương án sắp xếp hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn theo quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 10/2/2023, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chỉ đạo sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh, gọn nhẹ và trong mỗi cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tiếp tục sắp xếp lại, đẩy mạnh tự chủ theo quy định pháp luật. Kết quả là tổ chức hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giảm mạnh đầu mối, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo.

Đến tháng 6/2024, về cơ bản, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã hoàn thành việc thực hiện mục tiêu và các chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập. Đến nay, còn 19 cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống Công đoàn, bao gồm 3 trường cao đẳng; 13 trường trung cấp; 3 trung tâm giáo dục nghề nghiệp công đoàn.

Tuy nhiên, hầu hết các trường, trung tâm chưa được phê duyệt đề án vị trí việc làm cũng như chưa được giao chỉ tiêu biên chế. Vì vậy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên gặp nhiều vướng mắc. Theo đó, kho bạc nhà nước tỉnh không giải ngân việc thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên của các trường từ nguồn ngân sách Trung ương khi chưa có đề án vị trí việc làm được duyệt và quyết định giao chỉ tiêu biên chế cho trường; ảnh hưởng đến việc xây dựng và thực hiện phương án tự chủ tài chính; khó khăn trong việc tuyển dụng cán bộ, giáo viên, bổ nhiệm cán bộ quản lý. Ngoài ra, đội ngũ nhà giáo còn thiếu, nhất là các ngành nghề trọng điểm, nguyên nhân chủ yếu do chính sách tiền lương, đãi ngộ dành cho giáo viên không cao nên chưa thu hút được giáo viên tham gia trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Biên chế về viên chức, giáo viên, người lao động trong đơn vị chưa quy định rõ do cấp nào quản lý, mặt khác cũng chưa được tạo điều kiện để tham gia thi nâng ngạch viên chức theo quy định của Nhà nước…

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, hiện nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động chưa thực sự hiệu quả, tìm cách để tồn tại. Tuy nhiên, các đơn vị không chỉ tồn tại, mà còn phải tìm cách vươn lên, phát triển, đóng góp cho xã hội.

vi-tri-viec-lam.jpg
Đại biểu nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Bảo Hân

Tại hội nghị, các ý kiến cũng nêu khó khăn về xây dựng đề án vị trí việc làm trong quá trình sắp xếp, đẩy mạnh tự chủ, khó khăn về biên chế.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng được phương án tự chủ, trong đó phải tự chủ về chương trình, nhân sự. Trong quá trình xây dựng phương án tự chủ, cần triển khai tốt việc xây dựng đề án vị trí việc làm, căn cứ theo thuyết minh của từng đơn vị. Tự chủ nhưng phải đảm bảo các quy định của pháp luật; cần quản lý tài sản theo đúng quy định. Ngoài ra, tự chủ nhưng phải đảm bảo tiêu chí, định hướng khi thành lập đơn vị. Bên cạnh đó, các đơn vị phải cập nhật các chính sách mới về công tác dạy nghề để hoạch định kế hoạch hoạt động trong tương lai.

Ông Nguyễn Đình Khang đặt ra yêu cầu các đơn vị giáo dục nghề nghiệp phải thay đổi, thích ứng, tính toán phương án để hoạt động hiệu quả trong bối cảnh hiện nay đã có quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp cũng như các quy định về công tác dạy nghề; áp lực về khoa học công nghệ, nhiều ngành mới sẽ ra đời, kéo theo sự thay đổi về đội ngũ công nhân. Tuy nhiên, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng lưu ý, các đơn vị sự nghiệp giáo dục thuộc hệ thống công đoàn phải xác định thị trường khách hàng là toàn xã hội, chứ không chỉ riêng trong tổ chức công đoàn

Tuệ Phương