Đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường
Sau bão lũ, việc dạy và học của thầy và trò nhiều trường vẫn còn khó khăn. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh sau khi trở lại trường học, trong đó đặc biệt đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường.
Ngày 24/9, 16 trường học thuộc huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã tổ chức dạy học bình thường trở lại sau nhiều ngày bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (Yagi), gồm 4 trường mầm non, 6 trường tiểu học và 6 trường THCS. Như vậy, toàn thành phố chỉ còn 4 trường chưa thể tổ chức dạy học trực tiếp, trong đó huyện Mỹ Đức có Trường mầm non An Phú B và Trường mầm non Hợp Tiến B; huyện Ba Vì có Trường mầm non Vật Lại; thị xã Sơn Tây có Trường mầm non Xuân Sơn A.
Trước đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu, Sở GDĐT, UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương khắc phục thiệt hại của bão; tổng vệ sinh môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh, bảo đảm các điều kiện tuyệt đối an toàn cho học sinh trở lại trường học.
Sau mưa lũ, nhiều gia đình phải di dời đến các khu ở tạm. Các địa phương, nhà trường đã kịp thời rà soát để tạo điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh.
Theo ông Phạm Văn Quân - Trưởng phòng GDĐT quận Ngô Quyền (Hải Phòng), toàn quận có 74 gia đình học sinh phải di dời chỗ ở đến các khu tạm cư do cơn bão số 3. Trong đó, có 10 học sinh, gia đình có nguyện vọng chuyển trường để thuận lợi cho việc học tập ở nơi ở mới. Phòng GDĐT quận đã tham mưu UBND quận có công văn gửi UBND quận Lê Chân tạo điều kiện cho các học sinh có nguyện vọng sang quận Lê Chân học tập và đề nghị các trường tạo mọi điều kiện để các học sinh đến nơi học tập mới được thuận lợi. Trường hợp các em mong muốn tiếp tục ở lại học thì các nhà trường thường xuyên quan tâm động viên các em và gia đình...
Bà Phạm Thị Diện - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Ngô Quyền) cho biết, việc học tại trường đã dần đi vào ổn định sau những thiệt hại do bão số 3 gây ra. Sau khi rà soát, nhà trường có 2 học sinh phải di dời nhà sau bão và 16 học sinh hoàn cảnh khó khăn đã được tặng tiền mặt, quà để động viên, giúp gia đình các em sớm ổn định sinh hoạt, nền nếp học tập để các em yên tâm tiếp tục đến trường.
Tại Hà Tĩnh, thông tin từ Sở GDĐT tỉnh này trong sáng 23/9, toàn tỉnh có gần 11.000 học sinh tại 22 trường học từ bậc mầm non đến THPT phải nghỉ học. Trong đó, chủ yếu là học sinh ở huyện Nghi Xuân, Hương Sơn, Hương Khê, Đức Thọ. Tới ngày 24/9, nhiều trường đã mở cửa trở lại nhưng do một số tuyến đường ngập cục bộ nên một số học sinh phải nghỉ học, chủ yếu là học sinh bậc mầm non và tiểu học. Đơn cử, tại huyện Hương Sơn, nhiều khu vực ngập sâu khiến cơ quan chức năng phải cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm cấm qua lại.
Hậu bão số 3 nhiều địa phương còn đang trong quá trình khắc phục hậu quả thì bão số 4 lại tàn phá gây ra ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt và học tập của người dân ở nhiều địa phương. Ứng phó với tình hình mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp, lãnh đạo ngành giáo dục đã chỉ đạo các sở, phòng giáo dục, các hiệu trưởng theo dõi sát tình hình mưa lũ để có các biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Để đảm bảo tiến độ thực hiện chương trình theo khung thời gian năm học, Bộ GDĐT gợi ý các giải pháp như huy động giáo viên ở các trường trên địa bàn hỗ trợ giáo viên và học sinh các trường bị thiệt hại do bão lũ để tổ chức dạy học; dạy bù cho các đối tượng học sinh phải nghỉ học.
Đối với những học sinh do điều kiện khó khăn chưa thể đến trường, nhà trường có phương án phù hợp với điều kiện thực tế để duy trì việc học cho học sinh như giao bài, cử giáo viên trực tiếp hỗ trợ theo từng học sinh hoặc nhóm học sinh tại nơi cư trú, bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Trong quyết định ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2024 - 2025, Bộ GDĐT quy định chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quyền quyết định thời gian tựu trường sớm và thời gian kéo dài năm học không quá 15 ngày, theo khung thời gian của Bộ, để bảo đảm thực hiện và hoàn thành chương trình giáo dục trong trường hợp ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh.