Kinh tế

TP Hồ Chí Minh 'khát' nhân lực chất lượng cao

LÊ ANH 25/09/2024 06:33

Những tháng cuối năm, thị trường lao động TPHCM trở nên sôi động với nhu cầu nhân lực tăng cao để cung ứng tiêu dùng dịp lễ, tết. Đáng chú ý, bối cảnh kinh tế khó khăn khiến người lao động phải cạnh tranh gay gắt để được tuyển dụng.

anh2.jpg
Các kỹ sư, nhân lực cao làm việc tại tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chuẩn bị cho vận hành tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TPHCM. Ảnh: LÊ ANH.

Ngành chủ lực “khát” nhân lực

Anh Nguyễn Hữu Chính (40 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) là kỹ sư công nghệ thông tin (CNTT) làm việc cho một công ty tại quận 7 (TPHCM) cho biết, từ thời điểm đầu năm nay, do thiếu đơn hàng và hoạt động kinh doanh khó khăn, đã khiến doanh nghiệp (DN) điều chỉnh lại thu nhập đối với hầu hết các vị trí nhân lực, kể cả tính thu nhập từ tăng ca. Đối với một kỹ sư có thâm niên làm việc trên 5 năm, hiện được hưởng thu nhập trung bình 20-25 triệu đồng/tháng, tuy nhiên, đối với các nhân viên mới thì thu nhập thấp hơn từ 35-40%.

“Việc phải cạnh tranh trong công việc là tất yếu, nên các bạn trẻ ngành CNTT vừa ra trường hiện phải đối diện với áp lực rất cao. Nếu không có kinh nghiệm, người trẻ cũng khó có thể tìm kiếm được việc làm mới trong bối cảnh hiện nay” - anh Chính chia sẻ.

Trong khi đó, ở góc độ nhu cầu DN, bà Nguyễn Hoàng Hiếu - Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (FALMI) cho biết, vừa qua FALMI đã thực hiện khảo sát thị trường đối với hơn 19.400 lượt DN và hơn 71.700 chỗ làm việc cho thấy, nhu cầu nhân lực chất lượng cao của TPHCM gia tăng. Đáng chú ý, một số ngành kinh tế có nhu cầu nhân lực cao như bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác cần tới hơn 17.700 chỗ làm việc (chiếm 24,75% tổng nhu cầu nhân lực, tăng 3,99% so với cùng thời điểm năm trước). Bên cạnh đó, khu vực công nghiệp chế biến chế tạo cần khoảng gần 15.500 chỗ làm việc (chiếm 21,59%, tăng 0,84% so với quý 3 năm 2023).

Theo bà Hiếu, các chuyển biến nêu trên của thị trường lao động lớn nhất nước, với những điểm sáng tích cực, xuất phát từ tác động bởi Chính phủ đã ban hành những giải pháp đẩy mạnh cải cách thể chế, để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, quá trình hội nhập quốc tế và khu vực cũng đã tác động tới kinh tế Việt Nam, đem lại tác động hết sức tích cực.

Dẫn chứng cụ thể đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM chia sẻ, hiện nay, ngay tại Khu công nghệ cao TPHCM có nhu cầu khá lớn về nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Do đó, để đáp ứng nhu cầu DN hiện đang đầu tư tại Khu công nghệ cao và thu hút thêm các “đại bàng” trong lĩnh vực này, UBND TP cần tập trung củng cố các “hệ sinh thái” và thu hút các DN đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và định hướng nguồn nhân lực phải đi trước một bước.

Đây là xu hướng tất yếu, bởi theo ông Thi, TPHCM hiện nay đóng vai trò “đầu tàu” kinh tế của cả nước, nên cần sớm nâng cao chuỗi giá trị, sẵn sàng cơ sở hạ tầng, thể chế… để có thể cạnh tranh với các nước. Có như vậy, các ngành mũi nhọn nói chung và ngành vi mạch bán dẫn mới từng bước phát triển và đủ sức cạnh tranh ở tầm quốc tế.

Cần chiến lược dài hạn

Cung ứng nhu cầu nhân lực cao cho DN, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là cách hiệu quả nhất để TPHCM hấp dẫn được các “đại bàng” vào đầu tư, từ đó đem lại nguồn thu ngân sách lớn (công nghệ cao, CNTT, điện - điện tử,...).

Theo bà Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và Quản lý TPHCM, trong nhiều năm qua, các khu chế xuất, khu công nghiệp và cụm công nghiệp của TPHCM và một số nền kinh tế lân cận vẫn chủ yếu tập trung vào nguồn lao động phổ thông, giá rẻ. Trong khi đó, nhiều quốc gia ngay tại ASEAN đã chủ động đào tạo nhân lực cao, giao cho các trường đại học, cao đẳng cung ứng, thu hút được nhà đầu tư nước ngoài đến làm ăn.

Theo chuyên gia này, ngay cả việc sử dụng lao động phổ thông với giá rẻ cũng thiếu bền vững khi vài năm gần đây, chứng kiến một loạt DN như Công ty Tỷ Hùng, Công ty PouYuen phải sa thải hoặc cắt giảm lao động tại TPHCM. Có những thời điểm (nửa đầu 2023) còn chứng kiến gần 92.000 lao động mất việc, trong đó có gần 18.000 người trong độ tuổi trên 40 (chiếm 30%).

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TPHCM (HEF) lần thứ 5 mới đây, ông Đào Minh Chánh - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) cho biết, hiện nay UBND TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2030, sẽ trở thành đô thị thông minh. Trong đó, TPHCM sẽ là “điểm đến” của dịch vụ công nghiệp hiện đại, “đầu tàu” về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ và chiếm vị thế nổi trội trong khu vực. Thế nhưng, muốn đạt mục tiêu này, thành phố cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực cao cho nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành vi mạch bán dẫn.

Đây là một lĩnh vực công nghệ cao, tập trung sản xuất và phát triển các loại vi mạch và thiết bị bán dẫn. Ngành này cũng đã và đang trở thành lĩnh vực cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất để phát triển các sản phẩm kỹ thuật số như máy tính, điện thoại di động, thiết bị IoT và nhiều ứng dụng khác.

Dự báo trong quý 4 năm 2024, các DN trên địa bàn TPHCM có nhu cầu tuyển dụng khoảng 78.000 - 83.000 chỗ làm việc. Theo bà Nguyễn Hoàng Hiếu - Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, thị trường lao động thành phố sôi động trở lại trong những tháng cuối năm, với nhu cầu nhân lực cao tập trung ở 4 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm và 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu.

Để thị trường lao động phát triển bền vững, bà Hiếu kiến nghị, TPHCM cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN và người lao động, phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho DN. Các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cần có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề, nhân lực cao đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của DN.

LÊ ANH