Phát hiện công xưởng chế tác mũi khoan đá nghìn năm tuổi
Khi khai quật khu vực Thác Hai (thôn 6, xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk), ngành chức năng đã thu được nhiều di vật, hiện vật quý, độc đáo. Trong đó có bộ sưu tập “Mũi khoan đá Thác Hai” được công nhận là bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk.
Đợt khai quật mới nhất của Bảo tàng Đắk Lắk từ ngày 26/6 - 28/7, với diện tích khai quật 20m2. Tại đây, đoàn khai quật đã xác định được tầng văn hóa dày khoảng 2m, bên trong chứa các di tích như mộ táng, cùng nhiều di vật như: Bàn mài, rìu, bôn; qua sàng đãi đã thu được hơn 1.000 hạt chuỗi bằng chất liệu thủy tinh, gần 3.000 mũi khoan và phác vật bằng các loại đá opal, jasper,silic, phtanite… cùng hàng vạn vảy tước.
ThS Trần Quang Năm - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk cho biết, quá trình khai quật đã thu thập được các di vật, hiện vật phong phú với những thông tin khoa học quan trọng, có nhiều điểm mới so với 2 lần khai quật trước, góp phần làm rõ thêm nội dung văn hóa và tính chất của di chỉ Thác Hai. Trong đó, đồ đá là di vật chủ đạo, số lượng nhiều nhất là sưu tập mũi khoan, bàn mài, rìu, mảnh dao, hòn ghè và bàn kê. Đồ gốm, bao gồm các mảnh miệng, mảnh thân, đáy, chân đế của các loại hình đồ đựng và các loại đồ tùy táng trong các cụm mộ táng.
“Đặc biệt, phát hiện 5 dọi se sợi nằm cạnh các mộ táng - đây là lần đầu tiên phát hiện hiện vật dọi se sợi tại các di chỉ khảo cổ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, chứng minh cho hoạt động dệt vải được phổ biến ở khu vực này. Đồ thủy tinh cũng được tìm thấy trong hố khai quật, hầu hết là loại hình hạt chuỗi” - ông Năm cho biết.
Cũng theo ThS Trần Quang Năm, thông qua đặc điểm di tích, di vật cùng các kết quả phân tích niên đại C14, các nhà khảo cổ xác định di chỉ Thác Hai nằm trong khung niên đại từ khoảng 4.000 năm cho đến khoảng 2.000 năm cách ngày nay, tồn tại kéo dài trong khoảng thời gian hơn 1.000 năm. Qua tổng thể di tích và di vật, có thể thấy Thác Hai là một di tích phức hợp, vừa có tính chất cư trú, vừa là khu mộ táng, vừa là một công xưởng chế tác mũi khoan đá có quy mô lớn.
Bên cạnh những giá trị về mặt khoa học, kỹ thuật, sưu tập mũi khoan đá tại Thác Hai còn là nguồn tư liệu quý để tìm hiểu về mạng lưới buôn bán, trao đổi và giao lưu văn hóa ở Tây Nguyên trong giai đoạn Tiền - Sơ sử.
Ông Đinh Một - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk cho biết, cho đến nay, Thác Hai là di chỉ khảo cổ học có tầng văn hóa dày nhất ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung, thể hiện sự cư trú lâu dài và liên tục trong khoảng thời gian hơn 1.000 năm, đồng thời đây được xem là công xưởng chế tác mũi khoan bằng đá duy nhất ở Tây Nguyên cho đến thời điểm hiện nay.
Trong đợt khai quật lần thứ 3 này, dù chỉ đào trên một diện tích nhỏ hẹp nhưng đã phát hiện ra một số điểm mới so với 2 đợt khai quật trước như: Lần đầu tiên tìm thấy các dọi se sợi trong tầng văn hóa, xuất lộ khá nhiều mảnh đá trang sức khoan dở, khoan hoàn thiện, các mảnh gãy vỡ, qua đó gợi mở khả năng về hoạt động sản xuất trang sức đá ở Thác Hai. Đây là một trong những phát hiện có ý nghĩa đối với việc nghiên cứu vùng đất Đắk Lắk và rộng hơn là Tây Nguyên.
Theo ông Đinh Một, từ thực tiễn khảo sát và khai quật trong thời gian qua nhận thấy, việc tiếp tục khai quật, xử lý di dời di tích, di vật tại di chỉ Thác Hai là hết sức cần thiết, nhằm thu thập, di dời ở mức cao nhất các di tích, di vật trong lòng đất của di chỉ Thác Hai trước nguy cơ bị xóa sổ rất lớn bởi các trận lũ từ sông Ea H'leo vào mùa mưa. Trên cơ sở đó, chúng ta có thể đưa ra những giải pháp hữu hiệu trong công tác bảo tồn và phát huy di sản khảo cổ nói riêng và di sản văn hóa tỉnh Đắk Lắk nói chung một cách hiệu quả nhất.