Kinh tế

Tiêu dùng nhanh: Cạnh tranh gay gắt

THANH GIANG 25/09/2024 06:39

Thị trường tiêu dùng nhanh Việt Nam trở thành “miếng bánh” hấp dẫn nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng tiêu dùng nhanh đang cạnh tranh khá gay gắt.

duoi.jpg
Thị trường tiêu dùng nhanh hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đại diện Acecook chia sẻ, sau đại dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ mì gói tại Việt Nam tăng cao. Năm 2023, công ty bán khoảng 3,3 tỷ gói mì tại Việt Nam. Hiện đơn vị đang chiếm khoảng 40% thị phần mặt hàng này.

Ông Kaneda Hiroki - Tổng Giám đốc Acecook Việt Nam khẳng định, sẽ đầu tư công nghệ tiên tiến, sáng tạo nguyên liệu mang tính đột phá nhằm tạo ra những sản phẩm ăn liền mang giá trị cao, có những bước tiến lớn trong chất lượng, dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.

Chiếm lượng lớn thị phần, gần đây Masan ra mắt các sản phẩm lẩu tự sôi. Sản phẩm này đặc biệt ở chỗ có khả năng tự đun sôi mà không mà không cần nhiệt bên ngoài, chỉ cần 10 phút để có bữa ăn nóng hổi.

Trước đó, doanh nghiệp này cũng ra mắt sản phẩm cơm tự chín. Tham vọng của Masan mở rộng thị trường từ 1 tỷ USD của ngành hàng mì ăn liền lên 17 tỷ USD nhằm thay thế và nâng tầm trải nghiệm bữa ăn ngon miệng. Tương tự, Công ty cổ phần Thực phẩm Bình Tây, không chỉ làm sản phẩm chế biến từ gạo mà mở rộng hướng đến ẩm thực văn hóa Việt Nam bằng sản phẩm phở Việt.

Theo Hiệp hội Mì ăn liền thế giới, Việt Nam là quốc gia tiêu thụ mì ăn liền nhiều nhất thế giới. Năm 2023, Việt Nam đã tiêu thụ mạnh với 8,1 tỷ gói mì. Như vậy, tính bình quân, một người Việt Nam dùng đến 83 gói/năm, tăng 26 gói so với năm 2019

Không chỉ ngành tiêu dùng nhanh như mì ăn liền đang cạnh trang gay gắt, thị trường cung ứng kem mới đây cũng ghi nhận có sự thay đổi lớn. Theo đó, Nutifood vừa mua 51% cổ phần Kido Foods - đơn vị sở hữu kem Celano và Merino, trở thành công ty mẹ kiểm soát công ty này.

Đây được xem là chiến lược giúp Nutifood hoàn thiện chuỗi cung ứng, mở rộng vào ngành hàng lạnh. Ông Trần Bảo Minh - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nutifood cho biết, việc đầu tư vào Kido Foods cho phép Nutifood mở rộng được lĩnh vực từ dinh dưỡng tốt cho sức khỏe qua các sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường. Thương vụ này cũng cho phép đơn vị làm chủ một hệ thống phân phối ngành hàng đông lạnh với hàng trăm nghìn tủ kem bao phủ rộng khắp từ điểm bán lẻ truyền thống, bán lẻ hiện đại cho đến nhà hàng, khách sạn, các điểm vui chơi giải trí… trên cả nước. Đó cũng là nền tảng cần thiết giúp doanh nghiệp mở rộng lĩnh vực qua ngành hàng đông lạnh một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Cao Ngọc Dung - Quản lý cấp cao phụ trách phát triển thị trường cho dịch vụ về đo lường bán lẻ tại NielsenIQ Việt Nam, nhu cầu đối với các nhóm sản phẩm tiêu dùng nhanh phần lớn đều có xu hướng giảm nhẹ so với năm 2023; ngoại trừ mảng sức khỏe và làm đẹp có xu hướng tăng nhẹ khoảng 1%.

Đại diện NielsenIQ nhận định, việc đổi mới sản phẩm cũng như cách thức tiếp cận khách hàng, là xu hướng tất yếu mà các doanh nghiệp cần phải xem xét. 63% người tiêu dùng cho biết, họ sẽ mua một sản phẩm đã được cải tiến để có giá cả phải chăng nhất có thể.

THANH GIANG