Hiệu quả của nhà chòi tránh lũ
Cứ mỗi mùa mưa bão, hơn 50% hộ dân xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) ngập chìm trong lũ. Bởi điều kiện vùng đất thấp trũng lại sống gần mép sông. Tuy nhiên, từ hơn chục năm trở lại đây, vùng “rốn lũ” này đã có giải pháp sống chung với lũ, đó là những căn nhà chòi được xây dựng từ nguồn ngân sách ưu đãi.
Sống trên lũ
Nhớ lại những năm 1978, 1988, 2002… người dân xã Châu Nhân (trước gọi là Hưng Nhân) huyện Hưng Nguyên, vẫn nhớ như in những năm tháng vất vả chạy lũ, những tài sản như xe máy, lúa gạo, gia súc, gia cầm cứ tấp thành hàng dài trên đê nhiều ngày liền… Bởi, đa phần người dân Châu Nhân sống ngoài đê tả Lam. Đây là khu vực trũng thấp, đến mùa mưa bão, nước từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước lũ dâng cao. Đến nay, những ký ức chỉ còn là quá khứ, bởi sau khi thực hiện Quyết định 716 của Chính phủ, bà con nơi đây đã “hiên ngang” sống chung với lũ trên những nhà chòi tránh lũ. Nơi họ có thể chủ động về thực phẩm, cất giữ tài sản, tự túc, sinh hoạt… chờ nước rút.
Là một trong những gia đình đầu tiên được hỗ trợ xây nhà chòi tránh lũ theo Quyết định 716 của Chính phủ, bà Lê Thị Thỏa (58 tuổi) trú xóm 9, xã Châu Nhân, cho biết: Trước năm 2012, hầu như năm nào người dân sống ngoài đê tả Lam đều phải chạy lụt, trâu bò, lợn gà, lúa ngô… đều đưa lên đê tránh lũ. Nhưng từ năm 2013, người dân không phải chạy lũ nữa, bởi có nhà chòi để tránh lũ, chờ nước rút, mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường.
“Với số tiền hỗ trợ 10 triệu đồng, vay ngân hàng 10 triệu đồng, cùng số tiền tích góp của gia đình, căn nhà chòi tránh lũ này tôi xây hết 60 triệu đồng. Từ đó đến nay, gia đình chưa lần nào phải di chuyển lên đê tránh lũ như trước kia”- bà Thoả phấn khởi. Theo quan sát, căn nhà chòi của bà Thỏa có diện tích sàn khoảng 15m2, chiều cao gian tầng 2 cách sân khoảng 3m. Hiện đã được chất lúa gạo, các thiết bị điện… đảm bảo cao ráo, không ẩm mốc.
Gia đình ông Phạm Văn Hoan (xóm Phú Xuân) cũng là một trong những hộ dân có nhà chòi sớm nhất tại địa phương. Theo ông Hoan, căn nhà gồm 2 gian trên và dưới, có cầu thang đi lên thân nhà. Nếu như bình thường mọi người sinh hoạt ở gian nhà dưới thì mùa mưa bão về, tất cả đồ đạc được vận chuyển lên gian trên, sinh sống ở đó đến khi nào bão tan, nước rút mới xuống. Nhờ vậy mà tính mạng, tài sản của gia đình vẫn được đảm bảo bao năm qua. “Căn nhà này có được gần 10 năm, từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, của gia đình. Từ khi đưa vào sử dụng, đến nay chưa một lần chạy lũ. Bởi cứ vào mùa mưa, mọi đồ đạc có giá trị đều được chúng tôi đưa lên tầng cao nhất của căn nhà để tránh cơn đại hồng thủy” - ông Hoan chia sẻ.
Cần hơn 2.322 nhà tránh lũ
Nói về hiệu quả của nhà chòi tránh lũ, ông Phan Đình Hoàn - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Nhân cho biết: Nhờ nhà chòi này, gần 10 năm qua bà con yên tâm hơn trong mùa mưa bão, ổn định sinh sống, sản xuất, vươn lên thoát nghèo. “Hiện nay, đời sống nhân dân ngày càng nâng lên, số lượng con em đi lao động nước ngoài nhiều nên đã có điều kiện xây thêm các nhà cao tầng kiên cố, được đúc kết, lấy ý tưởng từ chương trình hỗ trợ thiết thực này. Ngoài hệ thống nhà chòi, trên địa bàn xã Châu Nhân còn được hỗ trợ xây dựng các nhà tránh lũ cộng đồng, đảm bảo di tản người dân an toàn trong mùa mưa bão” - ông Hoàn cho biết thêm.
Cũng theo ông Hoàn, nhà chòi tránh lũ có kinh phí xây dựng không quá cao, lại được hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước, vay vốn ưu đãi nên dễ dàng triển khai tại địa phương. Mỗi căn nhà chòi có kinh phí xây dựng chỉ từ 30 - 70 triệu đồng, phù hợp với đại đa số thu nhập của người dân nông thôn. Không những vậy, hơn 10 năm đưa vào sử dụng, các nhà chòi vẫn phát huy tác dụng đảm bảo tính mạng, tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão. Người dân cũng đã chủ động sửa sang, tu bổ nếu có các hạng mục xuống cấp theo thời gian. Đây là chính sách rất thiết thực, đặc biệt đối với hộ dân có hoàn cảnh khó khăn ở những vùng tâm lũ và cần được nhân rộng trong thời gian tới.
Báo cáo của Phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Nghệ An cho thấy: Hiện nay toàn tỉnh Nghệ An có 2.322 hộ khó khăn cần hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt. Trong đó có 936 hộ có nhu cầu xây mới, 1.386 hộ có nhu cầu sửa chữa, cải tạo nhà ở. Đến nay, Bộ Xây dựng đã xây dựng chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nếu được thông qua sẽ có thêm những hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà phòng, chống lụt bão, thiên tai trong giai đoạn tới.
Được biết, nhà chòi tránh lũ được triển khai từ năm 2013 trên cơ sở quyết định số 716/QĐ-TTg về việc triển khai thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung. Trong khi đó, theo thống kê của Ngân hàng chính sách tỉnh Nghệ An, thực hiện QĐ 716 và 48/2014 từ năm 2012-2016 đơn vị này đã giải ngân hơn 7,4 tỷ đồng cho 433 khách hàng để xây dựng 433 nhà chòi tránh lũ.