Tuyên Quang: Nghệ nhân thắp lửa cho di sản văn hóa Cao Lan
Khát vọng gìn giữ, phát huy những bản sắc văn hóa đặc sắc bậc nhất của người Cao Lan xứ Tuyên, nghệ nhân Sầm Văn Đạo đã hóa thân thổi hồn, truyền lửa để làn điệu Sình Ca cổ xưa mãi mãi vang vọng, trường tồn cùng dân tộc Việt.
Tuyên Quang là tỉnh có đông người Cao Lan sinh sống nhất cả nước với hơn 70 nghìn người, chiếm khoảng 40% tộc người Cao Lan toàn quốc. Đồng bào Cao Lan cư trú đông ở 37 xã, phường thuộc các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên và TP Tuyên Quang. Nhiều năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 đã luôn được Tuyên Quang chú trọng triển khai đạt hiệu quả cao, góp phần lớn phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Trong đó đặc biệt quan tâm công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch (Dự án 6).
Người Cao Lan xứ Tuyên mang nhiều nét văn hóa đặc sắc, nhân văn, trong đó hát Sình Ca là niềm tự hào bậc nhất, là linh hồn của người dân Cao Lan, xứng đáng là Di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Trăn trở không để hồn cốt di sản văn hóa của người Cao Lan bị mai một theo thời gian. Nghệ nhân trẻ Sầm Văn Đạo (39 tuổi, xã Đại Phú, huyện Sơn Dương) đã nhiều năm tiên phong gánh vác trọng trách nặng nề của tổ tiên giao phó, mang nghệ thuật cổ Sình Ca thổi hồn, truyền lửa cho nhiều thế hệ cùng chung tay lan tỏa, thắp sáng, gìn giữ và phát huy.
Bà Nguyễn Thị Tuyến - Trưởng phòng Dân tộc huyện Sơn Dương chia sẻ: "Sầm Văn Đạo là một nghệ nhân đích thực, cả gia đình đều tâm huyết mong muốn giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của người Cao Lan. Chính quyền luôn đồng hành ủng hộ và hỗ trợ tốt nhất có thể để nghệ nhân Đạo thực hiện ước mơ cũng như trọng trách được cha ông tin tưởng giao phó".
Là con trai của Nghệ nhân Nhân dân gạo cội Sầm Văn Dừn (78 tuổi), Sầm Văn Đạo đã sớm bộc lộ là một tài năng trời phú bởi đã thông hiểu nhiều cuốn sách cổ, điệu múa, chữ viết, các loại nhạc cụ, múa kiếm, múa cờ,… khi mới 20 tuổi. Những cuốn sách cổ mô tả về nguồn gốc loài người, sự tích, ca dao, tục ngữ, hò vè; truyện kể về những vị thần có trong tín ngưỡng đồng bào; quá trình di cư, định cư đấu tranh sinh tồn hòa hợp với thiên nhiên,…và đặc biệt là các nghi lễ quan trọng trong đời sống sinh hoạt của người Cao Lan.
Nghệ nhân Sầm Văn Đạo hiện được mệnh danh là: “Người kế thừa văn hóa Cao Lan”; “Người giữ hồn cốt trống sành cổ Cao Lan”;... Nghệ nhân Đạo là người duy nhất đang chế tác trống sành cho các CLB trong và ngoài tỉnh giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của người Cao Lan; Nghệ nhân Đạo dành nhiều tâm huyết, thời gian đi khắp mọi nơi để truyền dạy, luyện tập, trình diễn các bài múa, lời ca mang đậm hơi thở, bản sắc văn hóa Cao Lan.
Khi nói về văn hóa người Cao Lan, đặc biệt là Sình Ca, nghệ nhân Sầm Văn Đạo say xưa như đang hóa thân vào hồn cốt của tổ tiên: “Hát Sình ca là một thể loại dân ca trữ tình, nét sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo, sâu lắng, tinh túy của người Cao Lan. Sình ca là lối hát giao duyên giữa nam và nữ, hay tốp nam với tốp nữ; được hát trong nhiều hoàn cảnh khác nhau: hát trong đám cưới, ngày hội, hát khi Tết đến, Xuân về, hát trong lao động sản xuất, hát ru con của người mẹ,... Ngày xưa, các bài hát được ghi bằng chữ Hán cổ theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, nay tôi đã dịch ra tiếng Việt và thường được chuyển thành thể lục bát cho có vần, có điệu; dễ học, dễ nhớ, dễ biểu diễn”.
Sình ca chất chứa sâu đậm tình yêu quê hương đất nước, vạn vật cỏ cây, tình yêu đôi lứa. Sình ca còn thể hiện những khát vọng về cuộc sống an bình, hạnh phúc, cầu cho mưa thuận gió hòa. Nhiều hơn nữa, Sình ca còn mang giá trị nhân văn sâu sắc, phản ánh đầy đủ, chân thực cuộc sống sinh động hiện tại và một khoảng riêng về thế giới tâm linh huyền hoặc, đây được ví là linh hồn trường tồn của người Cao Lan.
Sình ca gắn liền với truyền thuyết về nàng Lưu Ba tài sắc vẹn toàn. Không lấy được người thương yêu, nàng ủ rũ mất đi tất cả tâm hồn trong trẻo, yêu đời... Rồi một ngày, nàng rũ bỏ tất cả rời làng đi tìm tình yêu đích thực.
Đi đến đâu nàng cũng hát, hát như chim được sổ lồng, cá được bơi lặn. Ca từ cứ da diết, nồng nàn như dòng suối tuôn chảy. Người dân vừa nghe, vừa ghi chép lại thành vô số bài hát với nhiều thể loại khác nhau. Nhiều năm tìm kiếm người mình yêu, sức kiệt dần, nàng nhắm mắt, hòa vào núi rừng nơi tổ tiên đã chọn là chốn an ngự vĩnh hằng. Kho tàng Sình ca đồ sộ là minh chứng để người Cao Lan tôn Lưu Ba là bà chúa dân ca của riêng mình.
Người Cao Lan ví von rằng: “Con gà muốn có bộ lông đẹp phải nhuộm sắc trăm năm, con chim muốn có tiếng hát hay phải uống nước nguồn ba đời, chàng trai muốn có vợ đẹp con ngoan thì phải tài giỏi hơn vợ, vì thế muốn tán được các cô gái xinh thì phải biết múa hát Sình Ca”.
Câu hát, điệu múa Sình ca từ lâu đã ngự trị trong trái tim biết bao con người, là món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào dân tộc Cao Lan. Nét văn hóa đặc sắc ấy, đã và đang góp thêm một phần quan trọng vào kho tàng văn hóa phi vật thể đồ sộ của đại gia đình 54 dân tộc Việt Nam. Đó là niềm tự hào để mỗi người dân Đất Việt nói chung luôn trân quý, gìn giữ và phát huy.
Hiện nghệ nhân Sầm Anh Đạo là Chủ nhiệm CLB Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan (xã Đại Phú, Sơn Dương); Là nghệ nhân Truyền dạy thực hành, trình diễn hát Sình Ca dân tộc Cao Lan,… Nghệ nhân chia sẻ thêm: “Tôi là thế hệ thứ ba trong gia đình họ Sầm, tiếp nối gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Cao Lan. Việc này không chỉ là niềm tự hào mà còn là trách nhiệm với tổ tiên và tộc người Cao Lan trên mảnh đất Tuyên Quang giàu truyền thống cách mạng”.
Bằng tình yêu và sự trân quý kho tàng cổ quý báu của tổ tiên, tới nay nghệ nhân Đạo đã truyền dạy cho gần 100 CLB Sình Ca trên khắp mọi miền với hàng nghìn học viên tham gia: CLB bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan thôn Động Sơn (xã Chân Sơn, Yên Sơn, 34 thành viên); Thôn 15 xã Kim Phú, TP Tuyên Quang (30 thành viên); Thôn 13 xã Kim Phú (36 thành viên); Xã Thiện Tân (Hữu Lũng, Lạng Sơn, 40 thành viên); CLB bảo tồn văn hóa dân tộc Cao Lan xã Đại Phú, Sơn Dương (hơn 100 thành viên); CLB giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan trường THCS Đại Phú huyện Sơn Dương (35 thành viên);...
Nghệ nhân Đạo trăn trở khi thấy thế hệ trẻ trong cộng đồng không còn biết chữ Hán - Nôm để hiểu được lời Sình Ca cổ; tiếng dân tộc Cao Lan cũng ngày càng ít được sử dụng. Sình Ca sẽ đứng trước nguy cơ thất truyền nếu không kịp thời gìn giữ, bảo tồn, lan tỏa.
Chia sẻ với Báo Đại Đoàn Kết, ông Ma Quang Hiếu – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Đất nước hội nhập, văn hóa dân tộc các vùng miền cũng đang chịu những tác động trái chiều không hề nhỏ. Chính phủ đã ban hành, chỉ đạo thực hiện nhiều Chương trình mục tiêu quốc gia cụ thể nhằm giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn, gìn giữ với phát huy, phát triển những giá trị cốt lõi văn hóa truyền thống đặc sắc của mỗi dân tộc; định hướng nhanh chóng đưa các giá trị của các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch sinh thái bền vững; từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm cũng như đời sống mọi mặt cho người dân; đảm bảo mọi nhà, mọi người được sống no đủ, hạnh phúc”.
Bằng trách nhiệm, đam mê mãnh liệt và khát vọng tỏa sáng, nghệ nhân Sầm Văn Đạo đã và đang vững tâm bền chí vượt qua nhiều gian nan; không ngừng học hỏi, rèn luyện, cống hiến và đã gặt hái được nhiều thành công: Là thí sinh “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 4; được nhiều cấp chính quyền tỉnh Tuyên Quang khen thưởng, tặng nhiều danh hiệu cao quý. Nghệ nhân Đạo đang hoàn thiện hồ sơ trình xét công nhận là Nghệ sỹ ưu tú. Tất cả như luồng sinh khí tiếp thêm sức mạnh, nghị lực để các thế hệ gia đình nghệ nhân họ Sầm tiếp tục nối bước ông cha truyền dạy, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Cao Lan đặc sắc cho các thế hệ mai sau; để di sản Cao Lan mãi trường tồn, tỏa sáng cùng một Việt Nam cường thịnh.