Tinh hoa Việt

Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa: Danh thắng quốc gia quyến rũ vì vẻ đẹp hoang sơ

TẤN THÀNH 25/09/2024 16:55

Với những tảng đá đen óng có trầm tích 400 - 500 triệu năm được phủ lên lớp rêu xanh cùng những con sóng vỗ vào chân đá tung bọt trắng xóa mang vẻ đẹp hoang sơ, thanh bình khiến danh thắng Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa trở nên hấp dẫn đối với du khách gần xa.

TAM HAI 6
Một góc làng Thuận An nằm dưới chân núi Bàn Than.

Cảnh quang nói trên thuộc xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, nơi đây có diện tích 15,03km2, dân số khoảng 8.500 người, có 3 nơi giáp biển và 1 nơi giáp sông. Theo Ban quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam: “Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa cụm danh thắng phát triển trên đá cứng thuộc loại trầm tích bị biến chất có tuổi cách nay hơn 400 - 500 triệu năm”.

Để hiểu rõ hơn địa danh này, những ngày giữa tháng 8, chúng tôi đã ghé thăm danh thắng này. Men theo vách đá quanh eo núi Bàn Than, chúng tôi chứng kiến những mỏm đá đen nhô cao lên giữa biển mà người dân địa phương gọi là Ông Đụn - Bà Che. Nơi đây trên các tảng đá được bao phủ bởi lớp rêu xanh mượt mà, vùng biển rất yên tĩnh, nước xanh trong. Đó đây du khách tản bộ và xa khơi là những con thuyền của ngư dân. Trên bờ chúng tôi đón nhận những cơn gió mát từ biển thổi vào, có cảm giác như mình đang hòa vào thiên nhiên.

Về với xã đảo Tam Hải lần này, chúng tôi được trò chuyện với ông Nguyễn Ngọc Thọ, Bí thư chi bộ thôn Thuận An, qua tâm tư ông cho biết: “Chuyện về danh thắng Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa thì lớp người như chúng tôi cũng không nắm rõ chỉ biết qua lịch sử mảnh đất này đã gần 500 năm. Nhưng cha ông rồi đến các đời con cháu chúng tôi sống ở nơi đây, yêu biển yêu quê mình, rất tự hào với cụm danh thắng này”, nói rồi ông Thọ dẫn chúng tôi đến gặp bậc cao niên nhất trong thôn là Nguyễn Đức Ba với hy vọng tìm thấy được những câu chuyện còn lưu trong tâm của ông Ba.

TAM HAI 3
Một góc Bãi Nồm thuộc khu vực Bàn Than.

Tiếp chúng tôi bên ly nước trà, ông Nguyễn Đức Ba kể lại, “Lưu truyền rằng, cha ông chúng tôi hồi đó xuôi theo biển để mưu sinh, khi đến đây thấy thế đất doi ra biển, sóng rất hiền, nước trong xanh, yên tĩnh và nhiều hải sản nên trú ngụ lại. Thuở ban đầu là ở sát chân núi, sau đó mới tiến vào dần và lập nên mảnh đất này và con cháu mãi giữ nghề ngư dân để mưu sinh và giữ biển”.

Theo ông Ba, núi Bàn Than bằng phẳng kéo dài. Vì vậy các cụ ngày xưa truyền lại thì tên gọi ban đầu là “Bằng Thán”, nghĩa là ngọn núi quá bằng phẳng. Sau này, các thế hệ sau đọc trại đi thành Bàn Than.

Trong khi đó, theo tài liệu của hai nhà địa chất Nguyễn Xuân Bao, Trịnh Long công bố tháng 7/2017 về địa danh trên, chủ yếu là đá phiến amphibol, đôi chỗ có amphibolite, mặt phiến cắm về Tây Nam, góc dốc 30 độ. Di tích các thềm biển cổ, thềm cao 20 - 36m, rộng khoảng 20ha ở núi Bàn Than, tuổi chưa được xác định; thềm cao 10-14m, rộng một vài ha ở đảo Hòn Dứa, Hòn Mang tuổi giả định Pleistocen muộn. Trẻ hơn, tương ứng với các thềm biển tuổi Holocen giữa, Holocen giữa - muộn có các thềm mài mòn; mài mòn - tích tụ cao 5 - 6m, 2 - 3m. Đồng sinh với mỗi mặt thềm có các vách bóc mòn - mài mòn cắt vào đá gốc, dốc và rất dốc, độ cao tương đối từ một vài mét đến 5 - 10m.

TAM HAI 1
Một góc danh thắng Bàn Than của xã đảo Tam Hải.

Còn ông Đỗ Kim Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết: “Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa hoc, xã đảo Tam Hải và đặc biệt là xung quanh khu vực danh lam thắng cảnh Bàn Than, Hòn Mang, Hòn Dứa... hiện có hơn 90 ha rạn san hô, với khoảng hơn 100 loài, trong đó phần lớn là san hô gạc nai và san hô khối. Hệ sinh thái rạn san hô Tam Hải có 41 loài rong biển, 168 loài cá, trong đó nhiều loài có giá trị kinh tế như cá hồng, cá mua, cá lượng, cùng với tôm hùm đỏ, tôm hùm sỏi và nhiều loài ốc đẹp, bên cạnh còn có một số loài thủy sinh có thể làm dược liệu”.

Ông Đỗ Kim Hùng cũng cho biết: “Di tích cấp quốc gia danh thắng Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa là địa danh được nhiều người biết đến. Khu vực này có ghềnh Bàn Than kéo dài quanh hòn núi nhỏ, có những bàn đá đen hình thù khác nhau, sắp xếp ngẫu nhiên tựa như muôn vàn tác phẩm điêu khắc nằm giữa đất trời, đem lại hứng thú cho mỗi du khách đến đây tham quan”.

Thật vậy! Trước vẻ đẹp của thắng Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa, nhiều người dân và du khách đã về đây tham quan và trải nghiệm cuộc sống với người dân trên đảo Tam Hải. Nhất là sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát nhiều du khách đến với xã đảo tham quan danh thắng cảnh và trải nghiệm cuộc sống ở địa phương ngày càng đông đảo.

Bà Trương Thị Cúc, ở xã Tam Hải cho biết: “Không chỉ khách vãng lai đến tham quan Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa ghé vào uống nước, mua các đặc sản của vùng này như rau xoa, cá, tôm, cua, ghẹ… mà những đoàn khách ở xa cũng đặt nhà tôi làm các bữa liên hoan, ăn uống, nhờ vậy tôi có nguồn thu nhập để lo cho gia đình mình”.

TAM HAI 4
Gành đá ở Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa.

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Quảng Nam cho biết, tháng 2 vừa qua Bộ VHTTDL có Quyết định số 393 công nhận Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa là di tích quốc gia. Sở cũng đã đề nghị huyện Núi Thành, xã Tam Hải xây dựng quy hoạch, quy chế bảo vệ và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của địa phương. Đẩy mạnh xã hội hóa trong bảo tồn và phát huy giá trị di tích, tạo mọi điều kiện để đầu tư nguồn lực vào việc khai thác bền vững danh lam thắng cảnh Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa.

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam cho biết: “Việc Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa vừa được Bộ VHTTDL công nhận là di tích quốc gia, chính quyền địa phương và người dân cùng nhau quảng bá, giới thiệu danh thắng này, cùng với đó thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, cảnh quan di tích quốc gia. Xây dựng cho được các sản phẩm du lịch phù hợp để thu hút du khách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội”.

TẤN THÀNH